[Chứng trạng] Âm hư

Khái niệm

Chứng Âm hư là tên gọi chung cho trường hợp tinh huyết bất túc, hoặc tân dịch hao tổn mà biểu hiện lâm sàng có các chứng hậu về âm hư tân dịch thiếu hoặc âm không chế được dương. Bệnh đa số do tiên thiên suy tổn, ốm lâu lao tổn hoặc giai đoạn cuối của bệnh Nhiệt âm dịch bị hao thương gây nên. Chứng Âm hư trình bày ở đây là chỉ trường hợp âm hư dịch ít trong cơ thể, với các chứng Âm hư của từng Tạng Phủ có chỗ vừa liên hệ nhau lại vừa khác nhau. Vì chứng Âm hư của mỗi Tạng Phủ đã giới thiệu ở các mục riêng, ở đây không nhắc lại nữa.

Chứng Âm hư biểu hiện lâm sàng chủ yếu là thể trạng gầy còm, miệng ráo họng khô, chóng mặt mất ngủ, triều nhiệt ra mồ hôi trộm, ngũ tâm phiền nhiệt, về buổi chiều gò má đỏ, tiểu tiện lượng ít sắc vàng, đại tiện khô kết, lưỡi đỏ ít rêu, mạch Tế Sác.

Trong các tật bệnh như Hư lao sái lao, Tiêu khát, Huyễn vậng thường xuất hiện chứng trạng Âm hư.

Cần chẩn đoán phân biệt với chứng Huyết hư, chứng tân dịch suy tổn và chứng Thấp uất nhiệt phục.

Phân tích

Chứng Âm hư có thể gặp trong nhiều loại tật bệnh, vì nguyên nhân và bộ vị phát bệnh khác nhau, cho nên biểu hiện lâm sàng cũng có chỗ không giống nhau.

– Trong bệnh Hư lao xuất hiện chứng Âm hư, nguyên nhân phần nhiều phú bẩm bất túc, phòng lao quá độ, âm tinh bị suy hao, Tạng Phủ Hư tổn gây nên, có các chứng trạng chóng mặt, gò má đỏ, đau họng, mất ngủ, mồ hôi trộm, ngũ tâm phiền nhiệt, di tinh, mỏi lưng, lưỡi đỏ, rêu lưỡi tróc mảng, mạch Tế Sác; Đây là hiện tượng âm hư hỏa vượng, điều trị chủ yếu phải làm mạnh thủy để chế ngự dương quang, cho uống Lục vị địa hoàng hoàn(Tiểu nhi dược chứng trực quyết).

– Trong bệnh Lao sái mà thấy chứng Âm hư, phần nhiều do vi khuẩn Lao xâm nhập, tạng Phế bị tổn hại, bệnh lâu ngày làm cho Phế suy tổn, âm hư thì sinh nội nhiệt, cho nên các chứng trạng nóng âm ỉ trong xương, gò má đỏ ho khạc ra huyết, ngực sườn đau, mồ hôi trộm, tâm phiền mất ngủ, lưỡi đỏ tía, mạch Tế Sác v.v… điều trị nên dưỡng âm thanh Phế, cho uống Tần giao Miết giáp tán (Vệ sinh bảo giám) gia giảm.

– Chứng Âm hư xuất hiện trong bệnh Tiêu khát ; phần nhiều do cơ thể vốn âm hư; lại vì lao thương quá độ, hoặc tình chí không điều hoà, ăn uống nhiều thức cao lương nồng hậu, nung nấu thành nhiệt tổn hại âm dịch gây nên, có các chứng trạng khát uống nhiều, ăn nhiều tiểu tiện nhiều, nước tiểu có vị ngọt, chất lưỡi đỏ, mạch Tế Sác. Điều trị nên tư dưỡng âm dịch, cho uống Lục vị địa hoàng hoàn gia giảm.- Trong bệnh Huyễn vậng có chứng Âm hư, đa số do âm hư dẫn đến Can phong nội động, có các chứng trạng chóng mặt ù tai, chân tay lẩy bẩy, bắp thịt máy động, ngũ tâm phiền nhiệt, buồn nôn, nôn mửa, chất lưới đỏ, mạch Tế Sác; Điều trị nên dưỡng âm dẹp phong, cho uống Đại định phong châu (ôn bệnh điều biện) gia giảm.

Chứng âm hư thường gặp trong các bệnh mạn tính, bệnh biến lâu ngày dễ hao thương âm dịch. Người vốn hay ăn thức sào rán, đồ nướng cũng dễ tích nhiệt động hỏa mà xuất hiện chứng Âm hư. Ngô Cúc Thông có nói “Nhiệt mà thái quá, phần âm ắt bị tổn thương” cho nên bệnh Ôn nhiệt ở thời kỳ cuối thường có xu thế thương âm, nên hay xuất hiện chứng Âm hư.

Trong quá trình diễn biến bệnh cơ của chứng Âm hư, có ba tình huống; Một là âm hư dịch ít, dương khí mất khả năng chống đỡ, dương cang hóa phong mà có chứng âm hư động phong, lâm sàng có chứng trạng đau đầu chóng mặt, chân tay tê dại lẩy bẩy, hoặc như có kiến bò, khó nói. Hai là chứng Âm hư dằng dai lâu ngày, âm mà liên luỵ đến dương mà hình thành chứng Âm Dương đều hư, lâm sàng biểu hiện vừa có chứng trạng của âm hư như triều nhiệt, mồ hôi trộm, ngũ tâm phiền nhiệt, lại vừa có chứng dương hư như mỏi mệt yếu sức, sợ lạnh tay chân lạnh. Ba là thời kỳ cuối của Ôn bệnh, hoặc nội thương tạp bệnh nào đó làm cho âm dịch hao tổn, nguyên khí cũng bị thương, xuất hiện chứng Khí Âm đều hư, có các chứng trạng mệt mỏi yếu sức, thiểu khí biếng nói, miệng khô họng ráo, sốt nhẹ hoặc triều nhiệt, ngũ tâm phiền nhiệt, tự ra mồ hôi, ra mồ hôi trộm và mạch Hư Suy

Chấn đoán phân biệt.

– Chứng Huyết hư với chứng Âm hư: Chứng Huyết hư vốn thuộc phạm vi của chứng Âm hư, nguyên nhân và cơ chế của hai loại bệnh này và biểu hiện lâm sàng đều có chỗ tương tự. Chứng Huyết hư là do Tỳ Vị hư yếu, sự sinh hóa bất túc, hoặc tư lự quá độ, âm huyết hao tổn ngấm ngầm, hoặc là mất huyết quá nhiều gây nên, lâm sàng có chứng trạng sắc mặt trắng xanh hoặc vàng bủng, môi lưỡi nhạt, hồi hộp mất ngủ, chóng mặt hoa mắt, chân tay tê dại, mạch Tế. Chứng Âm hư là do phú bẩm bất túc, hoặc tư lự quá độ hao thương âm dịch, hoặc bị bệnh xuất huyết mạn tính, ốm lâu thương âm, hoặc bị bệnh ôn nhiệt hao thương âm dịch là những nguyên nhân gây nên chứng này, biểu hiện lâm sàng ngoài những chứng trạng của chứng Huyết hư, còn các chứng trạng âm hư nội nhiệt hư triều nhiệt, mồ hôi trộm, ngũ tâm phiền nhiệt, về chiều gò má đò, chất lưỡi đó, mạch Tế v.v Điểm chủ yếu để phân biệt giữa chứng Huyết hư và chứng Âm hư ở chỗ chứng Âm hư có hiện tượng nhiệt do âm không chế được Dương.

– Chứng Tân dịch suy tổn với chứng Âm hư. Tân dịch thuộc Âm. Chứng Tân dịch suy tổn cũng thuộc phạm vi chứng Âm hư. Nhưng chứng Âm có phạm vi bao quát rất rộng. Chứng Âm dịch suy tổn có thể tiến thêm một bước phát triển thành chứng Âm hư.

Chứng Tân dịch suy tổn là do ra quá nhiều mồ hôi hoặc thổ tả quá mức, hoặc là tà khí táo nhiệt hun đốt tân dịch gây nên. chứng trạng chủ yếu là miệng khát họng khô, môi lưỡi khô ráo, da dẻ khô khan tróc vẩy, tiểu tiện sẻn ít, đại tiện táo kết, mạch Tế Sác v.v. Biểu hiện của chứng Âm hư có thêm cả các chứng của âm huyết hư như hoa mắt chóng mặt, hồi hộp mất ngủ, triều nhiệt, mồ hôi trộm, ngũ tâm phiền nhiệt, đó là chứng trạng nhiệt từ trong sinh ra, điểm khác nhau để chấn đoán phân biệt với chứng Tân dịch suy tổn.

– Chứng Thấp uất nhiệt phục với chứng Âm hư: Biểu hiện phát nhiệt của chứng Thấp uất nhiệt phục thường là “giống như âm hư, bệnh khó khỏi nhanh” vì vậy cần phải phân biệt. Chứng Thấp uất nhiệt phục là do khí hậu ôn nhiệt hoặc lội nước dấm mưa, ở nơi ẩm ướt, thấp tà xâm phạm vào cơ thể; tính của thấp nặng, đục, ngăn trở dương khí, nhiệt không thể thấu phát tuyên tán gây nên. Biểu hiện chủ yếu trên lâm sàng là mình nóng khó chịu, về chiều thì nóng hơn, ra mồ hôi mà nhiệt không lui, mỏi mệt yếu sức, ngực bụng trướng, đầu nặng như bó, chân tay nặng nề, kém ăn, rêu lưỡi đầy nhớt, mạch Nhu Sác v.v. Chứng Thấp uất nhiệt phục, có các chứng ngực bụng chướng đầy, kém ăn, nặng đầu, chân tay nặng, rêu lưỡi nhớt là những hiện tượng thấp tà nghẽn trệ, là những chứng mà chứng Âm hư không có, các triệu chứng mình nóng khó chịu, ra mồ hôi mà nhiệt không lui cũng khác với các chứng ngũ tâm phiền nhiệt, về chiều gò má đỏ của chứng Âm hư.

Trích dẫn y văn

– Hoàng để hỏi: Thế nào là âm hư sinh nội nhiệt? Kỳ Bá đáp: Cơ thể có phần nhọc mệt, hình khí giảm xút, không ăn thượng tiêu không lưu thông, vùng hạ quản cũng không thông, Vị khí nóng, nhiệt khí hun đốt trong ngực cho nên nội nhiệt (Điều Kinh luận – Tố Vấn)

– Nói âm hư tức là chân âm của Thận tinh bị hư, phát bệnh phần nhiều sốt cao, trách cứ ở chỗ không có thủy, phép chữa trong loại thuốc bổ huyết phải gia Tri mẫu, Hoàng bá hoặc Đại bổ âm hoàn, Tư âm đại bổ hoàn (Y học hoặc vấn – Y học chính truyền).

– Âm hư có chứng mửa, đó không phải chỉ riêng bệnh của Vị gia, nên mới nói không có âm là mửa là thế (Ầu thổ – Chứng trị vậng bổ)

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận