Adipiodone: thuốc cản quang để chiếu chụp X quang
Thuốc làm tăng hấp thụ tia X khi chiếu qua cơ thể, do đó hiện rõ cấu trúc của túi mật và đường dẫn mật, mức độ cản quang tỷ lệ thuận với nồng độ iod
Tên chung quốc tế: Adipiodone.
Loại thuốc: Thuốc cản quang có iod hướng gan mật, tan trong nước.
Dạng thuốc và hàm lượng
Thường dùng dạng meglumin adipiodon.
Dung dịch tiêm tĩnh mạch: 52%, lọ 20 ml.
Dung dịch truyền tĩnh mạch: 10,3%, lọ 100 ml.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Adipiodon là thuốc cản quang loại dime dạng ion chứa iod hữu cơ, mỗi phân tử có 6 nguyên tử iod với tỷ lệ iod chiếm 66,8%.
Trong y dược thường dùng loại adipiodon meglumin có hàm lượng iod 49,8%.
Adipiodon được dùng để chụp X quang kiểm tra túi mật và đường dẫn mật. Thuốc làm tăng hấp thụ tia X khi chiếu qua cơ thể, do đó hiện rõ cấu trúc của túi mật và đường dẫn mật. Mức độ cản quang tỷ lệ thuận với nồng độ iod.
Dược động học
Sau khi tiêm tĩnh mạch, thuốc phân bố nhanh vào dịch ngoài tế bào. Thuốc liên kết với protein huyết tương theo tỷ lệ rất cao. Sau khi tiêm 10 – 15 phút, thuốc xuất hiện trong đường mật, rồi đạt mức cản quang tối đa sau 20 tới 30 phút. Thuốc ngấm vào túi mật sau khoảng 1 giờ và đạt đỉnh về cản quang sau 2 giờ.
Thuốc được thải trừ dạng không biến đổi qua phân 80 – 95%. Một lượng nhỏ được thải qua nước tiểu. Nửa đời thải trừ cuối cùng khoảng 2 giờ.
Chỉ định
Adipiodon được dùng làm thuốc cản quang để chiếu chụp X quang túi mật và đường dẫn mật.
Chống chỉ định
Người mẫn cảm với các chế phẩm có iod và các thành phần có trong thuốc.
Thận trọng
Cẩn thận khi dùng cho người bệnh bị suy gan, suy thận (nhất là người bị mất cân bằng nước và điện giải).
Những người có nguy cơ: Tăng huyết áp, bệnh về tim, cường tuyến giáp, người già yếu hay trẻ em, hen phế quản và có tiền sử dị ứng. Xem thêm trong chuyên luận iobitridol.
Thời kỳ mang thai
Như mọi thủ thuật X quang khác, cần rất thận trọng khi dùng nhất là sau tháng thứ 3.
Thời kỳ cho con bú
Mẹ không nên cho con bú trong ít nhất 24 giờ sau khi dùng adipiodon.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Các thuốc cản quang có iod có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như: Buồn nôn, miệng có vị kim loại, nôn, chóng mặt, nhức đầu. Có thể xảy ra những phản ứng nặng hơn như: Thay đổi về tim – mạch, thần kinh, phù phổi, nhiễm độc thần kinh. Đã có trường hợp thuốc làm tăng enzym AST và gây độc với gan.
Tác dụng không mong muốn trên thận hay gặp và đáng lưu ý nhất, thường xảy ra muộn và tự mất đi trong 10 ngày. Hiếm thấy và cần điều trị tích cực nếu bị tắc ống thận, nghẽn động mạch thận. Những tai biến này dễ xảy ra hơn ở người bị đái tháo đường.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Thường chữa triệu chứng. Cần có phương tiện hồi sức cấp cứu thích hợp tại nơi làm thủ thuật X quang. Để phòng ngừa phản ứng quá mẫn, có thể dùng thuốc kháng histamin hoặc corticoid, nhưng không được trộn chung với adipiodon. Tuy nhiên, biện pháp này cũng không có tác dụng chắc chắn.
Bù nước đầy đủ. Thẩm phân máu ít có tác dụng vì thuốc liên kết mạnh với protein huyết tương.
Liều lượng và cách dùng
Theo hướng dẫn của hãng sản xuất cho từng loại chế phẩm.
Thường tiêm tĩnh mạch chậm 20 ml trong 10 phút dung dịch 52% (chứa tương đương 260 mg I/ml) hoặc truyền tĩnh mạch chậm trong 30 – 45 phút 100 ml dung dịch 10,3% (chứa tương đương 51 mg I/ml).
Liều trẻ em: Chụp đường mật và túi mật:
Tiêm tĩnh mạch: 0,3 – 0,6 ml/kg dung dịch chứa tương đương 260 mg iod/ml (dung dịch 52%) tiêm chậm (trong 10 phút), không được vượt quá 20 ml.
Tương tác thuốc
Thuốc chẹn beta không được dùng đồng thời với thuốc cản quang iod. Nếu cần làm thủ thuật X quang thì phải ngừng thuốc chẹn beta 24 giờ trước và phải có sẵn phương tiện cấp cứu thích hợp.
Thuốc lợi tiểu làm mất nước nên dễ bị suy thận cấp nếu không cho bù nước đủ.
Metformin có nguy cơ gây toan huyết nên phải ngừng 2 ngày trước và sau thủ thuật X quang.
Độ ổn định và bảo quản
Bảo quản trong bao bì kín, tránh ánh sáng, ở nhiệt độ khoảng 25 độ C.
Tương kỵ
Adipiodon tương kỵ với một số thuốc kháng histamin và nhiều thuốc khác. Vì vậy, không được trộn chung thuốc khác với adipiodon trong một bơm tiêm hoặc bộ tiêm truyền.
Series bài viết: Thuốc gốc và biệt dược theo vần A