Acid Ioxaglic: thuốc cản quang
Khi tiêm vào mạch máu, thuốc phân bố trong hệ mạch và khu vực gian bào, không làm tăng đáng kể thể tích máu lưu chuyển và không gây rối loạn cân bằng huyết động
Tên chung quốc tế: Ioxaglic acid.
Loại thuốc: Thuốc cản quang iod, tan trong nước, có nồng độ osmol/kg thấp.
Dạng thuốc và hàm lượng
Lọ 10, 50, 100 ml để tiêm, có các hàm lượng: 39,3% meglumin ioxaglat và 19,6% natri ioxaglat, tương ứng với 320 mg iod/ml; 24,6% meglumin ioxaglat và 12,3% natri ioxaglat, tương ứng với 200 mg iod/ml.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Acid ioxaglic là thuốc cản quang loại dime có 6 nguyên tử iod trong phân tử, ở dạng ion, có nồng độ osmol/kg thấp, tan trong nước. So với loại monome, loại dime này có cùng mật độ cản quang, nhưng nồng độ osmol/kg thấp hơn nên độ nhớt nhỏ hơn và ít gây phản ứng có hại hơn. Thuốc này có khả năng làm giảm nguy cơ tạo cục máu đông trong ống thông hay ống dẫn trong tái tạo mạch máu.
Acid ioxaglic thường được dùng dưới dạng dung dịch chứa một hỗn hợp các muối natri và meglumin ioxalat. Các dung dịch thường dùng chứa 39,1% meglumin ioxalat và 19,6% natri ioxalat (tương đương với 320 mg/ml iod) hoặc 24,6% meglumin và 12,3% natri ioxalat (tương đương với 200 mg/ml iod). Liều lượng và nồng độ dùng phụ thuộc vào thủ thuật và đường dùng.
Dược động học:
Khi tiêm vào mạch máu, thuốc phân bố trong hệ mạch và khu vực gian bào, không làm tăng đáng kể thể tích máu lưu chuyển và không gây rối loạn cân bằng huyết động. Thuốc cũng có thể được bơm tại chỗ. Thuốc rất ít liên kết với protein huyết tương (< 2%).
Ở nam giới, nửa đời thải trừ là 1,5 giờ và thể tích phân bố toàn bộ trung bình là 245 ml/kg.
Khoảng 90% liều tiêm thải trừ ở dạng không đổi vào nước tiểu trong vòng 24 giờ. Trong trường hợp suy thận, thuốc cũng thải trừ qua mật, mồ hôi và nước bọt.
Nửa đời thải trừ khoảng 90 phút và kéo dài hơn ở người suy thận.
Thuốc qua được hàng rào nhau thai và vào sữa mẹ.
Thuốc có thể thải trừ bằng thẩm phân máu hay màng bụng.
Chỉ định
Dùng cho trẻ em và người lớn.
Loại 320 mg iod/ml:
Chụp X quang đường niệu qua tĩnh mạch, chụp mạch các vùng (kể cả ở não và mạch vành), chụp khớp, chụp đường tiêu hóa, chụp tử cung – vòi trứng, chụp tuyến nước bọt.
Loại 200 mg iod/ml:
Chụp X quang tĩnh mạch.
Chụp mạch kỹ thuật số.
Chụp cắt lớp vi tính (xem hướng dẫn của nhà sản xuất để tuân thủ).
Chống chỉ định
Người mẫn cảm với acid ioxaglic hoặc các thành phần của thuốc.
Người có tiền sử sốc phản vệ hoặc phản ứng muộn ngoài da với thuốc tiêm iobitridol.
Người có tiền sử dị ứng.
Nhiễm độc tuyến giáp rõ.
Chụp tử cung – vòi trứng ở người mang thai.
Tiêm dưới màng nhện (hoặc ngoài màng cứng) vì có thể gây co giật dẫn đến tử vong.
Thận trọng
Như mọi thuốc cản quang chứa iod, acid ioxaglic có thể gây phản ứng từ nhẹ đến nặng thậm chí gây tử vong. Do đó, phải thận trọng khi dùng các thuốc này và luôn có sẵn sàng các phương tiện hồi sức cấp cứu ngay. Những phản ứng này xảy ra ngay (dưới 60 phút) hoặc chậm (tới 7 ngày), không dự báo trước được và thường gặp nhiều hơn ở những người bệnh có tiền sử dị ứng, tình trạng lo âu, hoặc có mẫn cảm ở lần xét nghiệm trước khi dùng sản phẩm có iod. Không thể phát hiện được phản ứng bằng test dùng iod.
Thận trọng khi dùng sản phẩm cản quang có iod với tuyến giáp, khi dùng cho người không dung nạp các sản phẩm cản quang có iod, người suy thận, người phải lọc máu, rối loạn chức năng tuyến giáp, rối loạn về TKTW (xem trong chuyên luận Iobitridol).
Trẻ sơ sinh: Khi dùng thuốc cho trẻ sơ sinh, nhất là trẻ đẻ thiếu tháng, do nguy cơ bị giảm năng tuyến giáp tạm thời do thừa iod, nên cần định lượng TSH và có thể cả T4 tự do 7 – 10 ngày và 1 tháng sau khi dùng thuốc.
Cần tránh mất nước trước khi xét nghiệm và duy trì bài niệu nhiều ở người suy thận, đái tháo đường, u tủy xương, tăng acid uric máu và cả ở trẻ nhỏ và người cao tuổi vữa xơ động mạch.
Thời kỳ mang thai
Acid ioxaglic qua nhau thai nên có thể làm suy tuyến giáp trạng của thai nhi khi dùng cho người mẹ đã có thai trên 14 tuần.
Giống như các thủ thuật X quang khác, hết sức thận trọng trên phụ nữ mang thai.
Chống chỉ định chụp tử cung – vòi trứng ở người mang thai.
Thời kỳ cho con bú
Tuy chưa có thông tin về tác hại, nhưng thuốc này có vào sữa mẹ, nên cần sử dụng rất thận trọng cho người đang cho con bú.
Nên ngừng cho con bú ít nhất 24 giờ sau khi mẹ phải dùng thuốc này.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Như mọi thuốc cản quang chứa iod khác, thuốc này có thể dẫn đến các phản ứng không dung nạp ở mức độ khác nhau, từ nhẹ đến nặng hoặc gây tử vong và không dự đoán trước được. Thường xảy ra nhiều hơn ở những người bệnh có tiền sử dị ứng, trạng thái lo âu hoặc nhạy cảm đặc biệt ở lần thử nghiệm trước với sản phẩm có iod.
Thường gặp, 1/100 ≤ ADR < 10/100
Tại chỗ: Đau và phù nhẹ, nhất thời, có thể xuất hiện ở nơi tiêm khi thuốc không tràn qua mạch máu. Khi tiêm động mạch, cảm giác đau vùng tiêm phụ thuộc vào áp lực thẩm thấu của thuốc. Khi thuốc tràn ra ngoài (< 0,01%) gây phản ứng viêm tại chỗ, hoại tử mô.
Đau khớp khi chụp khớp.
Đau vùng tiểu khung khi chụp tử cung – vòi trứng.
Ít gặp, 1/1 000 ≤ ADR < 1/100
Thận: Tăng nhất thời creatinin huyết, suy thận cấp kèm vô niệu rất hiếm.
Hiếm gặp, ADR < 1/1 000
Da, niêm mạc: Ngay lập tức: Ngứa, hồng ban, mày đay khu trú hoặc lan rộng, phù mặt, phù Quinck. Muộn hơn: Eczema, phát ban, đám sần, hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng Lyell.
Hô hấp: Cơn hắt hơi, ho, cảm giác co thắt cổ họng, khó thở, co thắt phế quản, phù thanh quản, ngừng thở.
Tim mạch: Hạ huyết áp, chóng mặt, khó chịu, tim đập nhanh, ngừng tim. Rối loạn thần kinh đối giao cảm, rối loạn nhịp, co thắt động mạch vành, nhồi máu cơ tim. Trụy tim mạch.
Thần kinh giác quan: Tiêm toàn thân: Cảm giác nóng, nhức đầu.
Khi các xét nghiệm sử dụng thuốc cản quang có iod nồng độ cao trong máu động mạch não: Kích thích, vật vã, lú lẫn, quên, rối loạn thị giác (sợ ánh sáng, mù tạm thời), rối loạn thính giác, run, dị cảm, co giật, buồn ngủ, hôn mê.
Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, đau bụng.
Hô hấp: Phù phổi cấp.
Tuyến giáp: Xem mục Thận trọng, Tương tác thuốc.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Đa số các ADR phụ thuộc vào đường dùng, tốc độ tiêm, khối lượng và nồng độ thuốc. Đa số ADR xảy ra trong vòng 5 – 10 phút nhưng cũng có thể muộn.
Các ADR thường nhẹ và không cần phải điều trị. Nhưng nguy hiểm nhất là sốc thường xuất hiện ngay, hầu như không liên quan đến số lượng thuốc, tốc độ tiêm. Sốc biểu hiện bằng huyết áp tụt và các biểu hiện về tiêu hoá, thần kinh, hô hấp, tim mạch … Không thể dự đoán trước được, làm test với iod cũng không cho biết trước được sốc. Mức độ nặng rất thay đổi, từ nhẹ, vừa, đến rất nặng, tử vong.
Do đó, luôn luôn phải sẵn sàng phương tiện cấp cứu.
Liều lượng và cách dùng
Liều lượng tùy theo thủ thuật và khu vực cần tạo cản quang, thể trọng và chức năng thận của người bệnh, đặc biệt ở trẻ em.
Loại 320 mg iod/ml:
Liều trung bình đường vào trong mạch hoặc vào khoang được khuyến cáo:
Chỉ định |
Liều trung bình |
Tổng thể tích (tối thiểu – tối đa)(ml) |
Chụp đường tiết niệu qua đường tĩnh mạch (phải nhịn ăn nhưng không hạn chế uống). Liều phụ thuộc vào cân nặng và chức năng thận |
1 mg/kg |
50 – 150 |
Chụp mạch: Tiêm vào mạch máu |
Liều tổng cộng không được quá 4 – 5 ml/kg; tiêm làm nhiều lần, không vượt quá 100 ml mỗi lần tiêm, tốc độ tiêm tuỳ thuộc từng thủ thuật. |
75 – 400 |
Chụp khớp: Tiêm trong khớp |
Liều phụ thuộc từng khớp |
5 – 20 |
Thăm khám đường tiêu hóa: Bơm trực tiếp vào ống tiêu hóa |
|
|
– Người lớn: Uống |
200 ml thuốc, thêm 250 ml nước |
< 500 |
– Người lớn: Đường trực tràng |
400 ml thuốc, thêm 400 nước |
< 1 500 |
– Trẻ em: Uống |
40 ml thuốc, thêm 10 ml nước |
< 100 |
– Trẻ em: Đường trực tràng |
30 ml đến 150 ml thuốc không pha |
< 200 |
Chụp cắt lớp vi tính toàn thân ở người lớn |
50 ml thuốc, thêm 950 ml nước |
< 1 300 |
Chụp tử cung – vòi trứng: Tiêm vào trong tử cung bằng đường dưới |
Phụ thuộc vào thể tích tử cung |
5 – 20 |
Chụp tuyến nước bọt: Tiêm vào ống tiết |
3 ml |
1 – 6 |
Loại 200 mg iod/ml:
Chụp X quang tĩnh mạch: Liều thường dùng từ 100 – 200 ml.
Chụp mạch kỹ thuật số: Liều dùng tùy theo vùng và kỹ thuật thực hiện.
Tương tác thuốc
Tương tác thuốc – thuốc:
Metformin: Nhiễm acid lactic có thể xảy ra do suy thận chức năng gây ra do thăm khám X-quang ở người bệnh đái tháo đường.
Phải ngừng điều trị metformin 48 giờ trước khi làm thủ thuật
X-quang và chỉ dùng lại 2 ngày sau thủ thuật này.
Các thuốc cản quang: Thuốc cản quang có iod làm rối loạn trong nhiều tuần mô tuyến giáp hấp thu iod phóng xạ, dẫn đến giảm một phần hiệu quả điều trị bằng iod 131. Khi dự kiến chụp tia nhấp nháy thận dùng thuốc tiêm có phóng xạ được ống thận tiết thì nên thực hiện trước khi tiêm thuốc cản quang iod.
Thuốc chẹn beta, thuốc co mạch, thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin, thuốc đối kháng thụ thể angiotensin: Các thuốc này làm giảm hiệu quả của cơ chế bù của tim mạch đối với rối loạn huyết áp. Thầy thuốc phải có thông tin trước khi tiêm thuốc cản quang iod và chuẩn bị sẵn phương tiện cấp cứu.
Thuốc lợi tiểu: Nguy cơ thiếu nước do thuốc lợi tiểu, phải tiếp nước để giảm nguy cơ suy thận cấp.Interleukin 2: Tăng nguy cơ phản ứng với các thuốc cản quang khi mới sử dụng interleukin 2 (đường tĩnh mạch), gây phát ban da, hiếm hơn là hạ huyết áp, đi tiểu ít, thậm chí suy thận.
Tương tác khác:
Nồng độ chất cản quang có iod cao trong huyết tương và nước tiểu làm nhiễu định lượng in vitro bilirubin, protein và các chất vô cơ (sắt, đồng, calci, phosphat). Khuyến cáo không nên định lượng nồng độ các chất này trong 24 giờ sau khi làm xét nghiệm.
Tương kỵ
Acid ioxaglic tương kỵ với với nhiều loại thuốc. Vì vậy, không trộn thuốc khác vào chung bơm tiêm với acid ioxaglic.
Quá liều và xử trí
Chỉ xảy ra khi dùng liều rất cao.
Cần bù nước và chất điện giải.
Theo dõi chức năng thận trong ít nhất 3 ngày.
Thẩm phân máu có thể được làm, nếu cần.
Điều trị triệu chứng và hỗ trợ.
Độ ổn định và bảo quản
Bảo quản ở nhiệt độ 25 độ C, tránh ánh sáng.
Series bài viết: Thuốc gốc và biệt dược theo vần A