Nguy cơ tái bùng phát HIV/AIDS

Sau hơn 30 năm đương đầu với đại dịch HIV/AIDS, dù dịch bệnh này có xu hướng giảm nhưng chưa bảo đảm tính bền vững và vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát trở lại.

Thay đổi đường lây

Tại Việt Nam, trong 10 tháng của năm 2016, cả nước phát hiện 8.059 người mới nhiễm HIV, chuyển sang giai đoạn AIDS gần 5.300 người và gần 1.600 người tử vong do AIDS. Ước tính, cả năm 2016 có khoảng 10.000 người nhiễm HIV mới được phát hiện, 6.500 người chuyển sang AIDS và khoảng 2.000 người tử vong. PGS-TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS – Bộ Y tế, cho biết trong số những trường hợp mới nhiễm HIV thì nam giới chiếm 69,8%, nữ giới 30,2%; lây nhiễm qua đường tình dục 56%, qua đường máu 34%, từ mẹ truyền sang con 2%, còn lại không rõ nguyên nhân. Số người xét nghiệm được phát hiện mới nhiễm HIV tiếp tục giảm nhưng không đáng kể so với cùng kỳ năm 2015. Số trường hợp tử vong ở mức 2.000 trường hợp mỗi năm và sẽ có xu hướng tăng lên ở các tỉnh có dịch lâu năm.

Thăm khám cho bệnh nhân HIV/AIDS tại một cơ sở y tế ở tỉnh Đồng Tháp

Ông Long cho biết 2016 là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam chọn chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS là “Hướng tới mục tiêu 90-90-90”. “Nghĩa là chúng ta phải phát hiện cho được 90% số người nhiễm HIV trong cộng đồng; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng ARV và 90% số người được điều trị bằng ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp (dưới ngưỡng ức chế) để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác” – ông giải thích. Dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tuy đã được khống chế ở mức dưới 0,3% trong cộng đồng dân cư nhưng số người mới phát hiện nhiễm hằng năm vẫn còn nhiều và dịch bệnh này vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Mặt khác, mô hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam thay đổi từ lây truyền chủ yếu qua đường máu (tiêm chích ma túy) sang đường quan hệ tình dục không an toàn. Điều đó có nghĩa là dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến khó lường và tiềm ẩn các yếu tố có thể gây bùng nổ dịch nếu không có những biện pháp ứng phó toàn diện và quyết liệt hơn. Mặt khác, những người nhiễm HIV mới không còn tập trung trong nhóm có hành vi nguy cơ cao như trước đây mà xuất hiện nhiều trong nhóm những người dễ bị tổn thương như vợ/bạn tình của người nhiễm HIV, vợ/bạn tình của người nghiện chích ma túy.

Cuộc chiến dai dẳng

Đáng chú ý là có sự đan xen giữa các hành vi của nhóm người nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam… trong khi mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS còn rất hạn chế. Bơm kim tiêm, bao cao su mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu và nay càng ít hơn do nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm. Điều trị methadone mới chỉ đạt được 57% chỉ tiêu Chính phủ giao; điều trị ARV mới đáp ứng được 49% nhu cầu; ở miền núi, vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận dịch vụ dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS.

Được thí điểm tại Việt Nam từ tháng 4-2008 ở Hải Phòng và TP HCM, tính đến tháng 9-2016, việc điều trị nghiện thay thế bằng methadone đã được triển khai tại 62 tỉnh/thành với 265 cơ sở và điều trị cho hơn 50.000 bệnh nhân.

PGS-TS Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, cho biết sau khi được điều trị thay thế bằng methadone, hành vi sử dụng ma túy cũng như các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị giảm đáng kể. Đa số bệnh nhân được cải thiện về mặt sức khỏe (thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống). Nhiều bệnh nhân tăng 10-12 kg sau 24 tháng điều trị. Tỉ lệ bệnh nhân có nguy cơ trầm cảm giảm từ 80% xuống còn 15% sau 12 tháng điều trị. Đáng khích lệ hơn, tỉ lệ bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật giảm từ 40,8% chỉ còn 13,4% sau 24 tháng tham gia.

Theo thống kê, trung bình 1 bệnh nhân tiêu tốn 230.000 đồng/ngày để mua heroin (khoảng 84 triệu đồng/năm); trong khi đó, chi phí điều trị trung bình cho 1 bệnh nhân điều trị methadone chỉ khoảng 15.000 đồng/người/ngày (gần 5,5 triệu đồng/năm).

Đến nay, đã có trên 110.000 bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc ARV (chiếm 48% tổng số người nhiễm HIV) tại hơn 400 cơ sở điều trị, tăng gần 4.000 người so với cuối năm 2015.

Khó kiểm soát dịch HIV vì kỳ thị

PGS Nguyễn Hoàng Long cho biết kỳ thị và phân biệt đối xử là một trong những rào cản khiến những người có hành vi nguy cơ cao và những người nhiễm HIV không dám tiếp cận các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS, từ chối điều trị hoặc không áp dụng các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV cho những người xung quanh. Đây là lý do việc phát hiện người nhiễm HIV trong cộng đồng trở nên khó khăn. HIV không lây qua các tiếp xúc thông thường, trong đó có việc ăn uống. Cần huy động người nhiễm HIV tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS để tiến tới bình thường hóa sự hiện diện của người nhiễm HIV trong cộng đồng.

Bài và ảnh: Ngọc Dung

Nguồn Người lao động

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận