Nhức nhối ô nhiễm làng nghề

Trước vấn đề “không đánh đổi kinh tế lấy môi trường”, các quan điểm thường xoay quanh những khu công nghiệp, các tập đoàn lớn đang gây ô nhiễm nghiêm trọng tại nhiều tỉnh, thành. Tuy nhiên, sự đánh đổi này cũng rất cần đặt vào bối cảnh tồn tại của hàng nghìn làng nghề cả truyền thống và tự phát lâu nay vẫn gây khốn đốn cho môi trường rải rác khắp cả nước. Chỉ khác rằng người dân làm nghề đang tự làm hại môi trường của chính mình nên họ đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”khiến vấn nạn tồn tại dai dẳng…

Ở đâu có làng nghề, ở đó có… ô nhiễm

Cái triết lý đáng buồn này tiếc thay lại đang là thực tế hiển hiện. Theo những thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có hơn 1.300 làng nghề được công nhận và 3.200 làng có nghề, trong đó có không ít các nhóm cơ sở sản xuất núp bóng làng nghề để “né” các loại phí, thuế, trốn tránh chế tài về bảo vệ môi trường. Đây cũng là những khu vực gây ô nhiễm rất nghiêm trọng và khó kiểm soát. Có đến 60% các làng nghề tập trung khu vực phía Bắc như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Ðịnh… Miền trung chiếm khoảng 23,6%, tập trung chủ yếu ở các tỉnh như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và miền Nam chiếm khoảng 16,6%, tập trung chủ yếu ở các thành phố Cần Thơ, tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương. Kết quả khảo sát tại các làng nghề điển hình trong cả nước, có đến 46% số làng nghề môi trường bị ô nhiễm nặng (đối với không khí, nước, đất hoặc cả ba dạng trên) và có 27% ô nhiễm vừa.

Làng nghề góp phần phát triển kinh tế nhưng cũng khiến ô nhiễm nghiêm trọng như con sông nước đen đầy mùi xú uế ven làng Cự Đà (Hà Nội). Ảnh: B.A
Làng nghề góp phần phát triển kinh tế nhưng cũng khiến ô nhiễm nghiêm trọng như con sông nước đen đầy mùi xú uế ven làng Cự Đà (Hà Nội). Ảnh: B.A

Ðối với nước thải, ô nhiễm chất hữu cơ các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ. Hàm lượng các chất ô nhiễm, nhất là COD và BOD5… vượt quá Quy chuẩn Việt Nam hàng chục lần. Ô nhiễm chất vô cơ bắt nguồn từ các làng nghề dệt nhuộm, thủ công mỹ nghệ và mây tre đan, tái chế giấy, nước thải có hàm lượng cặn lớn và chứa nhiều chất ô nhiễm như dung môi, dư lượng các chất trong quá trình nhuộm, đánh bóng…

Dưới đất thì vậy, “trên trời” là môi trường không khí ô nhiễm, chủ yếu từ sử dụng than làm nhiên liệu, sử dụng nguyên vật liệu và hóa chất trong dây chuyền công nghệ sản xuất do khí thải chứa các thành phần đặc trưng là bụi, CO2, CO, SO2…, chất hữu cơ bay hơi. Ngoài ra, quá trình tái chế và gia công cũng gây phát sinh các khí độc như hơi axít, kiềm, ôxít kim loại và ô nhiễm nhiệt. Hàm lượng bụi ở khu vực sản xuất vật liệu xây dựng tại một số địa phương vượt quá Quy chuẩn Việt Nam từ 3 – 8 lần, hàm lượng SO2 có nơi vượt 6,5 lần.

Đáng kể là thứ “hương vị” đặc trưng ở mỗi làng nghề, nơi chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi thì có mùi nồng của chất thải, đến các nơi sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ thì có mùi sơn. Mùi ở đây không phải chỉ gây khó chịu đơn thuần mà còn vô cùng độc hại, kết quả đo đạc chất lượng không khí tại làng nghề sơn mài cho thấy hàm lượng phun sơn gấp 16,7 lần Tiêu chuẩn Việt Nam so sánh trung bình ngày đêm và gấp 5 lần nồng độ tối đa cho phép.

Người dân tự gây hại chính mình

Hơn ai hết, người dân ở các làng nghề chính là nạn nhân của mình khi phải gánh chịu một môi trường ô nhiễm, độc hại do việc phát triển sản xuất bừa bãi gây ra. Do sự gia tăng ô nhiễm tại các làng nghề đã dẫn đến tỷ lệ người mắc bệnh tại khu vực này đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Các kết quả nghiên cứu trên thực tế cho thấy, tuổi thọ của người dân tại các làng nghề ngày càng giảm đi so với tuổi thọ trung bình của cả nước. Theo báo cáo môi trường quốc gia, tại các làng nghề sản xuất kim loại, tỷ lệ cao người dân mắc các bệnh liên quan đến thần kinh, hô hấp, điếc, ung thư… Trong khi đó, đối với các làng nghề tái chế giấy có số lượng cao người dân mắc các bệnh phổi, thần kinh do chịu sức ép từ khói bụi, tiếng ồn, ô nhiễm không khí, hóa chất và các khí độc… Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, tỷ lệ cao người mắc các bệnh về đường ruột, hô hấp.

Đặc biệt, các ô nhiễm về không khí do bụi và tiếng ồn thường khó xác định hơn cả và mang đầy cảm tính, bởi lẽ với những người dân bản địa quen với tiếng ồn thì mức độ cao đủ gây hại đối với họ lại thành… bình thường. Chính nguyên nhân này khiến người dân các làng nghề bị ô nhiễm “ru ngủ” lâu dài và vẫn “bình tĩnh” trước những nguy hại cận kề.

Làng nghề đúc đồng Đại Bái (xã Đại Bái, huyện Gia Bình, Bắc Ninh) chuyên đúc đồng, đúc nhôm và đồ mỹ nghệ… càng áp dụng máy móc, công nghệ vào sản xuất số lượng lớn, môi trường làng nghề càng ô nhiễm nghiêm trọng, do xử lý chất thải không theo kịp hoặc do các hộ dân không chú trọng khâu này. Rác thải từ đúc đồng, bã nhôm của các hộ làm nghề đổ bừa bãi ra môi trường, nước thải có hóa chất như axit, sút… đổ trực tiếp ra các lòng sông, ao hồ, mương máng. Con số thống kê của trạm y tế xã rằng 23 người chết do các bệnh ung thư ở xóm Trại từ năm 2001-2014 dường như chưa đủ thức tỉnh người dân về hiện trạng này.

Ô nhiễm môi trường cũng đang gây nhức nhối tại làng nghề truyền thống chế biến đồ gỗ Vân Hà (Đông Anh, Hà Nội) nhiều năm nay. Làng có hơn 1.000 hộ dân trực tiếp mở xưởng sản xuất gỗ, phần lớn sản xuất tự phát nên các cơ sở chế biến nằm xen lẫn khu dân cư đông đúc, thậm chí nhiều hộ gia đình lấy luôn sân nhà làm xưởng chế biến thủ công. Rồi làng nghề giấy dó thủ công Phong Khê (phường Phong Khê, TP. Bắc Ninh) vốn là “điểm sáng” phát triển kinh tế của tỉnh Bắc Ninh với gần 200 cơ sở sản xuất giấy, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 6.000 lao động và nộp ngân sách địa phương lên 50 – 60 tỷ đồng mỗi năm. Tỉ lệ thuận với đó là lượng lớn than, củi và các vật liệu phế thải khác được tiêu thụ tại đây gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Các cơ sở sản xuất vô tư chĩa ống khói đen kịt xả thẳng lên trời, khói bụi, rác thải bao trùm khiến chính người dân nơi đây vừa sản xuất vừa chống chọi ô nhiễm.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận