Suy thận vì tự ý dùng thuốc nam trị sỏi thận

GiadinhNet – Do tự ý chữa sỏi thận ở nhà điều trị bằng thuốc nam truyền miệng chưa được kiểm chứng, nhiều người đã phải lãnh hậu quả khi sỏi ngày càng to, thậm chí bị suy thận, phải lọc máu.

Tại khoa Thận tiết niệu (BV Bạch Mai) hầu như ngày nào cũng có vài ca cấp cứu vì suy thận do người bệnh sử dụng thuốc nam bừa bãi.

Bệnh nhân Nguyễn Văn K ở Đông Anh (Hà Nội) là một trường hợp suy thận vì dùng thuốc nam trị sỏi thận. Ông được gia đình đưa vào viện trong tình trạng đau thắt lưng 2 bên. Cách đây 3 năm, bệnh nhân đã phát hiện bị sỏi thận nhưng chỉ tự điều trị bằng thuốc nam ở nhà.

Phần vì ngại động vào dao kéo phần thấy nhiều người bị sỏi thận như ông uống thuốc nam cũng tiêu được sỏi nên ông đi cắt thuốc uống. Thời gian gần đây, khi xuất hiện tình trạng đau nhiều, dữ dội hơn nên mới đi bệnh viện khám. Kết quả, sỏi không tiêu mà lớn hơn và còn biến chứng suy thận. Để cứu vãn chức năng của thận trái, các bác sỹ đã phải tiến hành phẫu thuật cắt thận trái.

Việc tự ý điều trị sỏi thận bằng thuốc nam không rõ nguồn gốc rất dễ bị suy thận

10 năm trước bà Nguyễn Thị L (Hưng Yên) bị sỏi thận cũng đã tiến hành tán sỏi. Cách đây 1 năm, thấy bụng lại đau, bà đi kiểm tra bác sỹ nói sỏi thận tái phát. Về nhà, nghe lời mách dùng thuốc nam trị sỏi thận nhanh hơn, bà đi cắt thuốc về uống. Uống được gần nửa năm, đi siêu âm sỏi không hết, kích thước lại tăng lên. Mới đây, bà đã phải vào viện cấp cứu vì suy thận, biến chứng suy đa phủ tạng phải lọc máu.

PGS.TS Đỗ Gia Tuyển, Trưởng khoa Thận tiết niệu (BV Bạch Mai) cho biết, hàng ngày, khoa tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị biến chứng suy đang tạng, suy thận vì dùng thuốc nam trị sỏi thận. Y học cổ truyền cũng có bài thuốc có tác dụng trong việc tán sỏi nhưng cần có chỉ định bác sỹ chuyên khoa đông y có kinh nghiệm và những vị thuốc đã được nghiên cứu chứ không phải tạp nham các loại thảo dược.

Việc tự ý sử dụng mà không được xét nghiệm là rất nguy hiểm. Bài thuốc đấy có thể tốt nhưng đông dược hiện không rõ nguồn gốc nhiều, người dân có thể đi thu hái trong rừng nhầm lẫn cây nọ, cây kia. Đó là chưa kể khi sao tẩm các loại thuốc nam họ có thể sử dụng hóa chất bảo quản. Người bệnh sắc thuốc lên uống, lại trên cơ địa bệnh nhân thận đã kém sẽ bị nặng hơn.

PGS.TS Tuyển cho biết thêm, sỏi thận có nhiều nguyên nhân. Khi bị sỏi thận việc đầu tiên cần làm là thăm khám để biết sỏi ở mức độ nào, kích thước bao nhiêu, nằm ở vị trí nào, có gây biến chứng cho người bệnh hay không.

Biến chứng cấp tính bệnh nhân có thể đau quặn thận cấp tính, đái ra máu, nhiễm trùng hay gặp nhất là viêm bể thận, ứ mủ bể thận. Biến chứng mạn tính gây suy thận hay gặp nhất là suy thận do tắc nghẽn đường nước tiểu, bang quang. Trên cơ sở đó mới có phương pháp điều trị cụ thể, chứ không phải cứ thấy sỏi là uống thuốc nam.

Hiện nay, nhiều kỹ thuật mới được áp dụng dành cho phẫu thuật mổ lấy sỏi khá dễ dàng, an toàn như tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi, tán sỏi qua da, mổ mở…

Các chuyên gia khuyến cáo, sỏi thận diễn biến rất âm thầm nên không dễ nhận biết. Đồng thời, sỏi thận cũng rất hay tái phát. Trên thế giới đã thống kế 50% bệnh nhân có sỏi sau khi được can thiệp lấy sỏi thì 5 – 10 năm sau tái phát. Vì thế, với người đã được chuẩn đoán sỏi thận nên đi khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để kịp thời can thiệp, xử lý khi sỏi thận to lên.

Để phòng bệnh sỏi thận, cần có chế độ ăn uống cân đối, đặc biệt là cần phải uống đủ khoảng 2 lít nước mỗi ngày, tránh can thiệp không cần thiết vào đường tiết niệu. Ngoài ra cần giữ gìn vệ sinh, phòng tránh nhiễm khuẩn đường tiểu có thể gây viêm đường tiểu ngược dòng, ảnh hưởng đến thận.

Phương Thuận

Nguồn: giadinh.net.vn

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận