Phải biết điều này khi trong nhà có ấm điện siêu tốc

Chỉ trong tháng 9, trong số hơn 200 ca bỏng nhập viện điều trị tại Khoa Bỏng (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) đã có 100 ca là bệnh nhi, có trẻ chỉ mới 20-30 ngày tuổi. Gần 100% trường hợp này đều do sự bất cẩn của cha mẹ.
BS Nguyễn Thống thăm khám cho một bệnh nhi bị bỏng. Ảnh: LP

Một giây bất cẩn của cha mẹ, con bỏng toàn thân

Mới đây, tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cấp cứu và điều trị cho bé trai N.Q.H (13 tháng tuổi, ở huyện Đông Anh, Hà Nội) bị bỏng nước từ ấm siêu tốc. Theo lời kể của gia đình, bé H khá hiếu động, hay nghịch ngợm nên mẹ bé đã đặt bình đun nước siêu tốc vào góc phòng rồi mới cắm điện.

Nhưng mẹ vừa ra ngoài phơi quần áo khoảng 5 phút, bé H bỗng kêu khóc thất thanh trong nhà. Khi chạy vào, chị H thấy bình nước đã bị đổ lên người con. Ngay lập tức, bé được đưa lên viện cấp cứu. Kết quả, bé phải nhập viện điều trị với chẩn đoán bỏng độ 2.

Một trường hợp khác cũng bị bỏng nặng do ấm siêu tốc là bé N.C.K (11 tháng tuổi, ở xã Đức Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An). Chị Trần Thị Phú (mẹ bé K) cho hay, sự việc xảy ra vào chiều 30/9. Nước vừa đun sôi trong chiếc ấm siêu tốc đã đổ từ trên bàn xuống và dội toàn bộ vào người cháu bé. Theo chị Phú, bình thường, nhà chị vẫn để ấm nước siêu tốc trên kệ tivi. “Chủ quan nghĩ rằng ấm điện có chức năng tự ngắt nên tôi chủ quan không để ý trông con, chỉ mải nấu cháo. Đến khi nghe tiếng gào khóc thất thanh của con, tôi chạy ra nhưng đã quá muộn”, chị Phú nghẹn ngào nhớ lại.

Khi bị nạn, gia đình đã đưa cháu đi bệnh viện huyện, sau đó là bệnh viện tỉnh và cuối cùng là chuyển ra Viện Bỏng Quốc gia để cấp cứu. Sau gần một tháng chăm sóc, bé K tuy đã qua cơn nguy kịch nhưng do bỏng nặng nên thời gian điều trị sẽ còn dài. Bé phải cuốn băng từ đầu đến chân, mỗi lần cử động rất đau đớn. Bác sĩ cho biết, bé K sẽ còn phải trải qua nhiều ca phẫu thuật cấy ghép tốn kém mới mong có thể hồi phục lại sức khỏe.

Chia sẻ với PV Báo GĐ&XH về vấn đề này, BS Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho biết: Đa số những trường hợp bị bỏng (trong đó có bỏng nước sôi, do ấm siêu tốc hay nồi cơm điện) là các em nhỏ. Đặc biệt độ tuổi từ 1 -1,5 tuổi, chiếm tới 90%, có bé chỉ mới 20 – 30 ngày tuổi. Có thể khẳng định 100% trường hợp bệnh nhi bị bỏng là do sự bất cẩn của phụ huynh. Trẻ rất hiếu động, thích khám phá, tìm tòi và không ý thức được sự nguy hiểm.

Theo BS Nguyễn Thống, thông thường, số ca bệnh là trẻ em chiếm khoảng 40 – 60% tổng bệnh nhân trong Khoa. Trong tháng 9 vừa qua, có tới gần 100 trẻ bị bỏng phải nhập viện cấp cứu. Còn trong những ngày đầu tháng 10 này, dù chưa có số liệu tổng hợp hết nhưng số trẻ bị bỏng trong viện cũng tương đương tháng 9, chưa kể có khoảng 15 trẻ được cho điều trị ngoại trú.

Ngoài nguyên nhân bỏng do nồi cơm điện đang sôi, ấm siêu tốc, tại Khoa Bỏng (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn), hầu như phòng bệnh nào cũng có trẻ bị bỏng do phích nước. Một bà mẹ đang chăm con trai mới hơn 10 tháng tuổi bị bỏng chia sẻ: “Hôm đó, gia đình tôi sang nhà bà ngoại chơi, ông bà đi chợ, còn bố mẹ chủ quan để cháu bò chơi trong nhà, không ngờ bé với vào phích nước ở góc phòng, phải đưa đi cấp cứu. Cháu đã điều trị được gần một tuần, bị bỏng nặng nhất là ở hai chân, chắc phải 1 tuần nữa mới được ra viện…”.

Xử trí ban đầu khi trẻ bị bỏng

Theo các bác sĩ, người lớn phải hiểu hiểu tâm sinh lý của trẻ để hạn chế tối đa các tai nạn không đáng có. Bởi độ tuổi từ 1-1,5 tuổi (tuổi biết bò, tập đi) trẻ con rất thích khám phá thế giới xung quanh. Ví dụ như phích nước có các hình vẽ, hoa văn sặc sỡ, với trẻ sẽ là một “món đồ chơi bắt mắt”, bé không hề ý thức được sự nguy hiểm nên cứ cầm.

Chia sẻ về cách xử trí ban đầu khi trẻ bị bỏng, BS Nguyễn Thống cho hay, trước hết người lớn phải bình tĩnh, nhanh chóng cách ly trẻ khỏi nguồn gây bỏng. Sau đó, tưới rửa vùng bỏng dưới vòi nước sạch, phủ vùng bỏng bằng gạc sạch rồi nhanh chóng bé đưa tới cơ sở y tế bằng phương tiện tốt nhất, không cần thiết phải bôi thuốc vào vết bỏng. “Việc làm nguội vết thương bằng nước lạnh có tác dụng giúp vết thương không bị lan rộng, vết bỏng nhỏ lại và giảm cảm giác đau đớn cho người bị bỏng. Cần vặn vòi nước thật nhỏ và nhẹ nhàng tưới lên vết bỏng…”, BS Nguyễn Thống nói.

BS Nguyễn Thống cũng lưu ý, nếu vùng bỏng có dính quần áo thì cần nhẹ nhàng cởi bỏ trước khi vết thương phồng rộp thành bọng nước. Nếu quần áo dính vào vết thương thì tuyệt đối không được cố làm mọi cách để lôi ra. Nhiều trường hợp, dùng đá lạnh để chườm sẽ làm giảm thân nhiệt của trẻ. Tùy tình trạng nặng hay nhẹ, diện tích bỏng lớn hay nhỏ, phụ huynh cần đưa các bé đến cơ sở y tế ngay. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bỏng và có hướng xử trí thích hợp. Nếu bố mẹ chăm sóc bé tại nhà thì mỗi ngày cần thay băng, rửa vết thương với NaCl và bôi kem chữa bỏng. Vết thương cần được đắp gạc để giữ độ ẩm cho da. Sau 2 tuần, đa số vết bỏng độ 2 sẽ lành và ít để lại sẹo.

Xử trí khi trẻ bị bỏng bô xe máy:

– Ngay lập tức làm mát vùng da bị bỏng bằng cách đặt vết bỏng dưới vòi nước (hoặc dội nhiều nước sạch lên vết bỏng) trong vài phút.

– Nếu có sẵn, nên bôi phủ vết bỏng bằng thuốc mỡ đặc trị để làm dịu và giúp vết bỏng mau lành.

– Băng lại bằng gạc sạch. Thoa thuốc bôi vào bông băng trước khi băng sẽ giúp trẻ đỡ đau hơn.

– Thay băng sau 24 giờ và 2-3 ngày sau đó. Rửa vết thương bằng nước muối, bôi thuốc mỡ đặc trị phủ kín vết bỏng và băng lại bằng gạc sạch.

– Không nên chọc vỡ bóng nước, bôi đắp các loại thuốc không rõ (vì sẽ làm chậm lành vết thương và thêm nguy cơ nhiễm trùng).

– Đưa bé đến cơ sở y tế, nếu trong quá trình chăm sóc tại nhà, có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng, như da bị đỏ lên hoặc mất màu ở vùng da bình thường quanh vết bỏng, vết bỏng có mùi hôi làm bé đau hơn, vết bỏng sưng nhiều, bé sốt hoặc kèm ớn lạnh.

Xử trí khi trẻ bị bỏng lửa, nước sôi:

– Làm mát vết bỏng, tránh cho da khỏi bị rộp bằng cách mở vòi nước cho chảy chầm chậm lên vết bỏng khoảng 15 – 20 phút. Nước sạch vừa có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương. Không dùng nước lạnh, nước đá (trong tủ lạnh) để làm mát da cho trẻ.

– Nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giày, dép, vòng trước khi vết bỏng sưng nề.

– Che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn. Nếu không có gạc có thể dùng vải sạch.

– An ủi trẻ, cho uống nước và đặt trẻ ở tư thế nằm.

– Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, tổn thương có thể tự liền nhờ quá trình biểu mô hóa, thì sau khi sơ cứu có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu nặng hơn thì ngay sau khi sơ cứu, cần chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ điều trị kịp thời.

P.Bình

Thu Nguyên

Nguồn: giadinh.net.vn

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận