Châm cứu điều trị liệt nửa người (tai biến mạch máu não)
Liệt 1/2 người là mất vận động và cảm giác ở 1/2 mặt, 1/2 thân, một chân và một tay. Rối loạn vận động, rối loạn cảm giác chủ yếu do tổn thương ở bó tháp. Liệt 1/2 người do tai biến mạch máu não gây nên là chính.
Y học cổ truyền gọi là trúng phong. Phong là nguyên nhân đứng đầu trong các nguyên nhân gây bệnh, do nội phong là chính, có thể do ngoại phong (phong tà).
Bệnh có nông, có sâu nên người xưa phân ra 2 loại là chứng trúng phong tạng phủ và chứng trúng phong kinh lạc.
Nếu đến viện không thuận tiện bạn có thể gọi dịch vụ châm cứu tại nhà.
Nguyên nhân, cơ chế sinh bệnh liệt nửa người
Bệnh phần nhiều do chính khí hư suy, can phong nội động gây ra, chủ yếu do nội phong, có thể phối hợp với ngoại phong cùng gây bệnh, hiếm khi chỉ do ngoại phong gây ra. Cụ thể, người ta thường nói tới 3 loại nguyên nhân sau:
+ Tình chí tổn thương, sinh hoạt mất bình thường, âm dương trong người rối loạn, đặc biệt là thận âm thiếu, tâm hoả bốc mạnh sinh phong hỏa, can không được nuôi dưỡng, dương bốc lên trên, cuối cùng can phong bạo phát gây bệnh.
+ Ăn uống không điều độ, lao lực quá sức, tỳ không kiện vận, thấp tụ sinh đàm, đàm uất hoá nhiệt sinh phong, phong đàm quấy nhiễu bên trên, che kín thanh khiếu xuyên vào kinh lạc mà đột nhiên phát bệnh.
+ Cơ thể mỗi người khác nhau, cũng có thể do kinh lạc hư trống phong tà xâm nhập gây nên, do người vốn âm hư dương cang, đàm trọc quá thịnh, lại thêm ngoại cảm phong tà thúc đấy nội phong mà gây bệnh.
Như vậy, về cơ chế bệnh sinh thấy nổi lên sự tác động qua lại của các yếu tố: Phong (can phong); hoả (tâm hoả, can hoả), đàm (thấp đàm, phong đàm), khí (khí hư, khí nghịch), huyết (huyết ứ). Một số tài liệu khác cho rằng: 4 yếu tố chính là phong, hoả, đàm và sự tắc nghẽn (khí huyết ứ).
Các thể bệnh và điều trị liệt nửa người bằng châm cứu:
Trúng phong kinh lạc: (tai biến mạch máu não không có hôn mê).
Thể can phong (Âm hư hoả vượng):Thường gặp ở những người cao huyết áp (CHA) thể can, thận âm hư.
Triệu chứng: liệt 1/ 2 người; liệt mặt, có thể thoáng mất ý thức, hoa mắt chóng mặt, mạch huyền tế sác.
Pháp điều trị: tư âm tiềm dương, khứ phong thông lạc (trấn can, tức phong)
Phương huyệt:
Châm các huyệt bên liệt, châm xuyên huyệt, châm tả các kinh dương, bổ các kinh âm, thay đổi huyệt: Một ngày châm tư thế nằm thẳng, một ngày châm tư thế nằm nghiêng. Cụ thể:
+ Mặt: Châm giống liệt VII: Nhân trung, Thừa tương, Giáp xa xuyên Địa thương, Nghinh hương, Ế phong, Quyền liêu, Phong trì, Toản trúc xuyên Tình minh, Dương bạch xuyên Ngư yêu, Ty trúc không xuyên Đồng tử liêu
+ Tay: Kiên ngung xuyên Tý nhu, Khúc trì xuyên Thủ tam lý, Ngoại quan xuyên Nội quan, Dương trì, Hợp cốc xuyên Lao cung, Khúc trạch, Thần môn, Bát tà
+ Chân: Phục thỏ, Lương khâu, Túc tam lý, Dương lăng tuyền xuyên Âm lăng tuyền, Huyền chung, Côn lôn xuyên Thái khê, Giải khê, Túc lâm khấp, Trung đô, Huyết hải.
Lưng và mặt sau chân: Kiên tỉnh, Đại trữ, Thiên tông, Giáp tích, Can du, Thận du, Hoàn khiêu, Thừa phù, Ân môn, Uỷ trung, Thừa Sơn.
+ Toàn thân: Châm tả Thái xung, Hành gian, châm bổ Tam âm giao
– Liệu trình: Mỗi ngày châm một lần, lưu kim 30 phút, mỗi đợt điều trị 7-10 ngày, nghỉ 2-3 ngày lại châm đợt khác, kết hợp thủy châm: Vitamin nhóm B liều cao, Vitamin C nếu có nhiệt nhiều.
– Ý nghĩa của huyệt:
Các huyệt ở mặt, chi bên liệt để điều hòa kinh khí các kinh chủ yếu là kinh Dương minh, Thiếu dương.
Toàn thân châm tả Thái xung, Hành gian để trấn can tức phong.
Châm bổ Tam âm giao để tư dưỡng can, thận.
Phong đàm: “ thường gặp ở những người CHA thể đàm thấp”.
Triệu chứng: Liệt nửa người, liệt mặt, miệng nhiều dớt dãi, lưỡi cử động khó khăn, rêu lưỡi trắng dày, mạch huyền hoạt.
Pháp điều trị: Kiện tỳ trừ thấp thanh đàm, tức phong, thông lạc
Phương huyệt:
+ Châm bổ: Tỳ du.
+ Châm tả: các huyệt bên liệt thuộc các kinh dương, châm xuyên huyệt, thay đổi huyệt: Một ngày châm tư thế nằm thẳng, một ngày châm tư thế nằm nghiêng. Cụ thể:
+ Mặt: Châm giống liệt VII: Nhân trung, Thừa tương, Giáp xa xuyên Địa thương, Nghinh hương, ế phong, Quyền liêu, Phong trì, Toản trúc xuyên tình minh, Dương bạch xuyên Ngư yêu, Ty trúc không xuyên Đồng tử liêu.
+ Tay: Kiên ngung xuyên Tý nhu, Khúc trì xuyên Thủ tam lý, Ngoại quan xuyên Nội quan , Dương trì, Hợp cốc xuyên Lao cung, Khúc trạch, Thần môn, Bát tà.
+ Chân: Phục thỏ, Lương khâu, Túc tam lý, phong long, Dương lăng tuyền xuyên Âm lăng tuyền, Huyền chung, Côn lôn xuyên Thái khê, Giải khê, Túc lâm khấp, Thái xung, Hành gian, Tam âm giao xuyên Trung đô, Huyết hải.
Lưng và mặt sau chân: Kiên tỉnh, Đại trữ, Thiên tông, Giáp tích, Can du, Thận du, Hoàn khiêu, Thừa phù, ân môn, Uỷ trung, Thừa Sơn.
– Liệu trình: Mỗi ngày châm một lần, lưu kim 30 phút, mỗi đợt điều trị 7-10 ngày, nghỉ 2-3 ngày lại châm đợt khác, kết hợp thủy châm: Vitamin nhóm B liều cao, Vitamin C nếu có nhiệt nhiều.
– Ý nghĩa của huyệt:
Châm các huyệt bên liệt để điều hòa kinh khí các kinh chủ yếu là kinh Dương minh, Thiếu dương.
Châm bổ Túc tam lý để kiện tỳ trừ thấp tiêu đàm.
Thể lạc mạch hư trống, phong tà xâm nhập
Triệu chứng: Liệt ½ người, có thể liệt VII cùng bên hoặc bên đối diện, có thể thoáng vắng ý thức, cảm giác ù tai, hoa mắt chóng mặt, sợ gió, rêu lưỡi trắng, mạch huyền sác hoặc tế sác.
Pháp điều trị: Ích khí dưỡng huyết, khu phong thông lạc.
Phương huyệt:
Châm bình bổ bình tả huyệt nửa người bên liệt: chọn các huyệt trên kinh Thủ dương minh đại trường, Túc dương minh vị, Túc thiếu dương đởm, Túc thái dương bàng quang như các thể trên.
+ Châm tả các huyệt: Tứ thần thông, Phong trì, Ế phong, Thái uyên, Huyết hải.
+ Nếu có liệt mặt kèm theo: châm các huyệt Thừa tương, Địa thương, Giáp xa, Quyền liêu, Toản trúc, Thừa khấp, Ty trúc không, Hợp cốc.
+ Nếu ự tai châm các huyệt Nhĩ môn, Thính cung, Thính hội.
+ Nếu đau cứng cổ gáy châm tả Đại chùy, Đại trữ.
+ Nếu nói ngọng: châm Liêm tuyền, Thượng liêm tuyền, Á môn, Ngoại kim tân, Ngoại ngọc dịch.
+ Châm bổ: Túc tam lý, Cách du, Tam âm giao.
Liệu trình: Mỗi ngày châm một lần, lưu kim 30 phút, mỗi đợt điều trị 7-10 ngày, nghỉ 2-3 ngày lại châm đợt khác
Ý nghĩa của huyệt:
+ Các huyệt ở mặt, chi bên liệt để điều hòa kinh khí các kinh chủ yếu là kinh Dương minh, Thiếu dương.
+ Châm bổ Túc tam lý để kiện tỳ bổ khí, Cách du, Tam âm giao để dưỡng huyết.
Trúng phong tạng phủ:
Tai biến mạch máu não có hôn mê. Bệnh cảnh lâm sàng rất nặng, cần phải phối hợp các biện pháp hồi sức tích cực của YHHĐ. Đông y chia làm 2 loại là chứng bế và chứng thoát. Cần phân biệt rõ 2 chứng này để có pháp điều trị thích hợp: chứng bế là chứng thực cần gấp khử tà; chứng thoát là chứng hư cần gấp phù chính cứu thoát.
Chứng bế: hôn mê kèm liệt cứng.
Triệu chứng: Bệnh thể cấp tính, có hôn mê, liệt ½ người, có thể kèm theo liệt mặt cùng bên hoặc bên đối diện, thở khò khè, tiếng thở thô, miệng hôi, răng cắn chặt, cấm khẩu, chân tay nắm chặt, co giật, vật vã, đại tiểu tiện bế, chất lưỡi đỏ giáng, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác.
Pháp điều trị: Thanh nhiệt, hóa đàm, khai khiếu, tỉnh thần, tức phong.
Phương huyệt:
Nhân trung, Thập tuyền (chích nặn máu), châm tả: Hợp cốc, Thái xung, Bách hội có thể thêm Nội quan, Phong long, Dũng tuyền, Thiên đột.
Châm bình bổ bình tả các huyệt nửa người bên liệt: chọn các huyệt trên kinh Thủ dương minh Đại trường, Túc dương minh Vị, Túc thiếu dương Đởm, Túc thái dương Bàng quang.
Liệu trình: Mỗi ngày châm một lần, lưu kim 20-30 phút.
Chứng thoát: (hôn mê kèm liệt mềm)
Triệu chứng: Đột nhiên hôn mê, liệt ½ người, liệt mềm, có thể kèm theo liệt mặt, sắc mặt trắng bệch, mắt nhắm, miệng há, lưỡi rụt, vã mồ hôi lạnh, lượng nhiều, tứ chi lạnh, đại tiểu tiện không tự chủ, chất lưỡi trắng nhạt, rêu lưỡi nhớt, mạch trầm vi tế.
Pháp: Phù chính cố thoát, ích khí hồi dương
(Hồi dương cố thoát)
Phương huyệt: Cứu: Thần khuyết, Khí hải, Quan Nguyên (cứu đến khi chân tay có mồ hôi, đại tiểu tiện cầm lại mới thôi ).
Châm bình bổ, bình tả: Tố liêu, Thái uyên.
Đồng thời phải châm bổ: Túc tam lý, Tam âm giao, Trung quản, Dũng tuyền.
Nếu cấm khẩu châm tả Hợp cốc, Bách hội, Á môn, Giáp xa, Thượng liêm tuyền hoặc cứu Ế phong.
Liệu trình: Mỗi ngày châm một lần, lưu kim 20-30 phút.
Điều trị di chứng do tai biến mạch máu não:Điều trị những bệnh gây tai biến mạch máu não: Tăng HA, xơ cứng động mạch, kết hợp châm cứu, điện châm, có thể thủy châm các huyệt ở mặt, chi bên liệt để phục hồi chức năng. Động viên người bệnh luyện tập kiên trì, tránh bi quan.
Triệu chứng: liệt 1/2 người có thể liệt bên phải hay bên trái, có thể liệt cứng hay mềm; liệt mặt có thể cùng bên hay đối bên với liệt người, ù tai, đau cứng cổ gáy, nói ngọng, ăn nghẹn uống sặc, có thể đái ỉa không tự chủ…
Pháp điều trị: Thông kinh hoạt lạc hay hoạt huyết hóa ứ
Phương huyệt: Châm các huyệt bên liệt, châm xuyên huyệt, châm tả hay châm bình các kinh dương, với thể can phong do âm hư dương vượng thì thêm châm bổ các kinh âm. Một ngày châm tư thế nằm thẳng, một ngày châm tư thế nằm nghiêng. Cụ thể:
+ Mặt: Châm giống liệt VII: Nhân trung, Thừa tương, Giáp xa xuyên Địa thương, Nghinh hương, ế phong, Quyền liêu, Phong trì, Toản trúc xuyên Tình minh, Dương bạch xuyên Ngư yêu, Ty trúc không xuyên Đồng tử liêu…
+ Tay: Kiên ngung xuyên Tý nhu, Khúc trì xuyên Thủ tam lý, Ngoại quan xuyên Nội quan, Dương trì, Hợp cốc xuyên Lao cung, Khúc trạch, Thần môn, Bát tà…
+ Chân: Phục thỏ, Lương khâu, Túc tam lý, Dương lăng tuyền xuyên Âm lăng tuyền, Huyền chung, Côn lôn xuyên Thái khê, Giải khê, Túc lâm khấp, Thái xung Hành gian, Tam âm giao xuyên Trung đô, Huyết hải….
+ Lưng và mặt sau chân: Kiên tỉnh, Đại trữ, Thiên tông, Giáp tích, Can du, Thận du, Hoàn khiêu, Thừa phù, ân môn, Uỷ trung, Thừa Sơn…
+ Nếu ù tai châm các huyệt Nhĩ môn, Thính cung, Thính hội.
+ Nếu đau cứng cổ gáy châm tả Đại chùy, Đại trữ.
+ Nếu nói ngọng: châm Liêm tuyền, Thượng liêm tuyền, Á môn, Ngoại kim tân, Ngoại ngọc dịch.
+ Nếu đái ỉa không tự chủ: châm Trung cực, Đại trường du, Bàng quang du, Tam tiêu.