Suýt mất mạng vì thách nhau ăn mì cay cấp độ cao

Một cô gái ăn mì quá cay đã bị sốc và phải nhập viện cấp cứu. Các bác sĩ cho biết, ăn quá cay còn có thể gây ra nhiều hậu quả tai hại khác, thậm chí có thể tử vong.
Ăn cay quá nhiều, nếu bị độc cấp tính sẽ phải vào viện rửa ruột. Ảnh minh họa

Ngất xỉu khi ăn mì quá cay

Ngày 2/10, mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một cô gái nằm bất tỉnh trên phố trước cửa một quán mì cay Hàn Quốc trên đường Đặng Thái Thân, TP Vinh, Nghệ An. Theo chia sẻ của chủ nhân đoạn clip này, cô gái trên sau khi ăn thử món mì cay tại quán đã có biểu hiện bị sốc và ngã ra đường. Nhiều người có mặt tại hiện trường đã sơ cứu và nhanh chóng đưa nạn nhân đi cấp cứu. Nhân viên của quán mì cay cho biết, cô gái này ăn mì cay ở cấp độ 4/7.

Gần đây, mạng xã hội cũng đã lan truyền clip một thanh niên tên Vũ (30 tuổi, ở TP Rạch Giá, Kiên Giang) tham gia thử thách ăn tô mì cay cấp độ 7 ở một quán mì. Trong lúc ăn, mồ hôi anh Vũ đầm đìa, mặt đỏ au, nước mắt, nước mũi không ngừng chảy. Sau vài phút cố gắng “ăn lấy ăn để”, thanh niên này cũng đã chinh phục thử thách và nhận phần thưởng 500.000 đồng. Tuy nhiên, hậu quả thê thảm thì nhiều người không biết. Đó là khi vừa ăn xong tô mì, anh Vũ liên tục nôn ói, toàn thân nóng bừng khó chịu. Nghiêm trọng hơn, dạ dày anh đau thắt từng cơn, bạn bè đã tính tới chuyện đưa anh nhập viện.

Món mì cay 7 cấp độ được lấy cảm hứng từ món mì cay hải sản Jjamppong của Hàn Quốc. Những thử thách về độ cay của món mì này đang ngày càng thu hút mọi người đến tìm hiểu và thưởng thức. Với 7 cấp độ mì cay khác nhau (từ 0 – 7), những người bắt đầu ăn mì thường lựa chọn cấp độ 0,5. Đây là cấp độ cay vừa phải. Ở các mức độ sau, độ cay sẽ tăng dần đến đỉnh điểm ở cấp độ 7. Những người vượt qua thử thách mì cay cấp độ 6 trở lên đã được coi là “thánh ăn cay”. Có những quán ăn còn treo thưởng, nếu ăn hết tô mì cấp độ 7 sẽ được tặng 1 triệu đồng, hoặc 500.000 đồng.

Thời gian gần đây, giới trẻ Hà Nội cũng đang rộ lên trào lưu mì cay xứ kim chi như một thú vui. Có người tìm ăn vì tò mò, có người ăn vì thích ẩm thực Hàn Quốc, tuy nhiên, nhiều bạn trẻ lại sử dụng món này để thách đố khả năng ăn cay của nhau. Mỗi tô mì có giá từ 35.000 – 50.000 đồng gồm các loại như: Mì kim chi đặc biệt, mì kim chi hải sản, mì kim chi bò… với nhiều cấp độ cay khác nhau.

Anh Thế Hoàn (ở phố Phùng Hưng, Hà Nội) chia sẻ, bản thân anh là người ăn cay rất tốt. Dù nóng hay lạnh, bữa cơm nào anh cũng có thể “xơi” 2 -3 quả ớt tươi mà không hề hấn gì. Nhưng khi tới một quán mì cay ở phố Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy, Hà Nội) và ăn tới cấp độ 4 thì anh cảm thấy “bừng bừng” dù cố thì vẫn nuốt hết bát mì. “Với người không ăn được cay mà ăn tới cấp 4 thì sẽ thấy khủng khiếp. Tôi nghĩ nếu ăn tới cấp độ 5 – 6 sẽ “đánh bay” những khái niệm về vị cay tôi từng biết mất!”, anh Thế Hoàn chia sẻ.

Ăn cay, tự rước họa

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y Dược TPHCM), ớt được xem như một loại trái cây, chứa chất capsaicin, beta-caroten, nhiều loại vitamin, tinh chất cần thiết, nhất là ớt màu đỏ, màu cam, chống oxi hóa. Chất capsaicin trong ớt có thể dùng làm thuốc. Capsaicin còn có thể dùng làm thuốc rượu để xoa bóp, bôi ngoài da.

Vị cay có trong chất capsaicin này kích thích mạnh, khiến não bộ bài tiết ra chất hóa học làm giảm bớt đau đớn và sinh ra một chút khoái cảm. Trong ớt còn chứa một số chất giúp máu lưu thông tốt, tránh được tình trạng kết tụ tiểu cầu, ngừa tăng huyết áp, giảm béo. Tuy nhiên, ăn cay quá nhiều, quá với sức chịu đựng của cơ thể có thể khiến “khổ chủ” tự rước họa vào mình.

Còn BS Chu Thanh Hương, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho biết, khi ăn cay, cơ thể có cảm giác nóng, sau đó sẽ tăng tiết, vã mồ hôi. Lượng nước thoát ra ngoài làm cơ thể có cảm giác mát. Khi ăn quá cay, cơ thể cảm giác nóng, bồn chồn, nôn ói, tiêu chảy. Đó là cơ chế phản ứng tự bảo vệ cơ thể, để đưa độc tố ra vì khi không hấp thu được. Nếu sau khi nôn ói vẫn chưa hết, chất độc đã xuống dưới cơ thể, không nôn được nữa thì sẽ gây ra tiêu chảy để đẩy hết độc ra. Nếu nặng quá, tiêu chảy nhiều lần, gây rối loạn nhiều bộ phận trong cơ thể, bắt buộc bệnh nhân phải nhập viện để cân bằng lại.

Không phải đơn giản mà tất cả các bác sĩ tiêu hóa, dạ dày đều khuyên bệnh nhân kiêng tuyệt đối món cay. Đây là “kẻ thù” của hệ tiêu hóa. Đường tiêu hóa có một lớp tiết nhầy để bảo vệ, nếu ăn cay quá, có thể phá hủy lớp nhầy của niêm mạc, chất cay tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc ảnh hưởng đến dạ dày. Những người gặp vấn đề về đại tràng kích thích, vị cay có hại cho niêm mạc, gây tổn thương dạ dày, dẫn đến nguy cơ loét dạ dày. Khi ăn quá cay, quá chua, acid trong dạ dày tràn vào thực quản, gây ra chứng ợ nóng, cảm giác nóng ở ngực, sau xương ức gây đau rát ở ngực, thậm chí có thể gây ra đau tim. Đây có thể là nguyên nhân khiến có người bị ngất xỉu hoặc suýt ngất vì ăn cay quá nhiều.

Ăn cay còn có thể gây dễ nổi mụn, hôi miệng, mất ngủ, thậm chí, có thể khiến lưỡi mất vị giác tạm thời do vị giác tiếp nhận quá nhiều kích thích, mất khả năng phân biệt các vị. Đối với những người có vấn đề về tiêu hóa (như táo bón), các bác sĩ khuyên tuyệt đối không được ăn cay. Khi ăn quá cay, rất dễ bị sặc, dẫn đến ngưng thở do quá cay, có thể dẫn đến tử vong.

“Kẻ thù” của hệ tiêu hóa

Theo BS Chu Thanh Hương, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, các món ăn cay quá mức có thể gây cảm giác nóng rát khi đi ngoài ở người bị trĩ (do thành phần capsaicin không bị thoái hóa ở đường ruột), gây áp xe hậu môn. Bất cứ thứ gì ăn với liều lượng quá nhiều thì đều gây độc. Ăn cay quá cũng vậy, nếu như độc cấp tính thì phải vào bệnh viện rửa ruột. Mức độ chấp nhận cay tùy thuộc vào mỗi người, vì thế hãy dừng ăn khi cảm giác đau do cay quá nhiều, đó là tín hiệu cơ thể không chấp nhận được mức độ cay đó.

Thu Nguyên

Nguồn: giadinh.net.vn

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận