Khi thấy ho dai dẳng trên 3 tuần, khó thở, khản tiếng dài ngày, nhiều người chủ quan nghĩ đó chỉ là viêm phổi, viêm họng đơn thuần và tự mua thuốc về uống. Ít ai ngờ, đó là dấu hiệu khi đã tiến triển của bệnh ung thư phổi, căn bệnh đã và đang đe dọa mạng sống của nhiều người dân…
Các chuyên gia khuyến cáo, hút thuốc là nguyên nhân của 30% trong tổng số các loại ung thư ở người. Tranh minh họa.
Ho kéo dài trên 3 tuần, coi chừng ung thư phổi
Cách đây hơn 5 năm, khi thấy mình hay ho hắng, trong khi người vẫn khỏe mạnh, không đau đớn, bản thân lại không hút thuốc, ông Đ.Q.H (50 tuổi, ở Hà Nội) chỉ nghĩ đơn giản bị viêm họng, nhưng uống thuốc ho mãi vẫn không khỏi. Một lần đi đánh tennis, ông ho dữ dội và được đưa đi chụp kiểm tra thì phát hiện ung thư phổi. Khi vào Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), ông H được chỉ định chụp PET/CT quét toàn thân và bất ngờ phát hiện ung thư di căn từ đầu đến chân, khối u đã tràn lan khắp cơ thể. Bệnh của ông H nặng tới mức, các bác sĩ không xếp nổi giai đoạn ung thư bệnh nhân mắc là giai đoạn nào. Trên lý thuyết, lúc đó, bệnh nhân sẽ chỉ điều trị triệu chứng, chăm sóc giảm nhẹ, nâng cao thể trạng chứ không can thiệp được gì hơn.
Ông H là một trong nhiều bệnh nhân phát hiện ung thư phổi dù không hút thuốc lá và biểu hiện ban đầu chỉ là ho hắng kéo dài. Theo các bác sĩ, dù là loại ung thư đàn ông Việt hay mắc phải nhất, nhưng đại đa số các trường hợp ung thư phổi thường không được phát hiện sớm. 40% người bị ung thư phổi được chẩn đoán mắc bệnh khi bệnh đã phát triển và 1/3 trong số đó, bệnh nhân ung thư phổi khi được phát hiện đã chuyển sang giai đoạn 3 (trong số 4 giai đoạn của ung thư). Đó là bởi ung thư trong nhu mô phổi không gây đau đớn, thế nên khi bệnh diễn tiến xa mới có triệu chứng rõ ràng.
Chia sẻ với chúng tôi, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết, chỉ trong 10 năm, số ca mắc ung thư phổi ở đàn ông Việt Nam tăng từ gần 7.000 ca lên hơn 14.600 ca. Ước tính con số này vào năm 2020 sẽ khoảng gần 23.000 ca. Đây cũng là bệnh lý ung thư đàn ông Việt hay gặp phải nhất, xếp trên cả gan, dạ dày và đại trực tràng…
Yếu tố di truyền chỉ chiếm dưới 10%
Trước đây, mọi người thường nghĩ ung thư là do gene di truyền nhưng theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, yếu tố di truyền chỉ chiếm dưới 10%, còn lại phần lớn ung thư phát sinh do các thói quen không có lợi cho sức khỏe như: Hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chế độ dinh dưỡng không an toàn, không hợp lý, ít vận động thể lực, quan hệ tình dục không an toàn, ô nhiễm môi trường…
Đặc biệt, hút thuốc lá là nguyên nhân của 30% trong tổng số các loại ung thư ở người, bao gồm: Ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư thực quản, ung thư khoang miệng, ung thư bàng quang, ung thư tụy và ung thư dạ dày. Riêng với ung thư phổi, hút thuốc lá là nguyên nhân của trên 90% trường hợp mắc bệnh. Theo phân tích, dòng khói từ đầu điếu thuốc lá cháy có chứa các chất độc gây ung thư còn nhiều hơn dòng khói chính do người hút hít vào trong phổi của mình. Trong khói thuốc lá không chỉ có chất nicotin ảnh hưởng đến hệ tim mạch mà còn có trên 70 loại hóa chất độc hại khác nhau có thể gây ung thư. Đặc biệt, trong số này có tới 43 chất đã được chứng minh là gây bệnh ung thư như: Benzopyren, nitrosamine, cadmium, niken, urethane, toluidine.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, những người không hút thuốc lá nhưng sống cùng với người hút thuốc và hít phải khói thuốc thì cũng có nguy cơ mắc các loại bệnh liên quan đến hút thuốc, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Đó là nguyên nhân vì sao nhiều bệnh nhân dù không hút thuốc lá vẫn bị ung thư phổi.
Các chuyên gia khuyến cáo, ba loại xét nghiệm được đề cập nhiều nhất cho việc tầm soát bệnh ung thư phổi là chụp X-quang phổi, xét nghiệm tìm tế bào ung thư từ chất đờm, chụp cắt lớp điện toán ngực (CT Scan). Tuy nhiên, việc tầm soát cũng chỉ nhắm vào các đối tượng có nguy cơ cao. Theo các hướng dẫn từ Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo, nên CT Scan hàng năm cho các đối tượng như tuổi 55-74 tuổi, hút trên 30 gói thuốc lá/năm, hoặc đang hút thuốc hay đã ngưng hút thuốc trong vòng 15 năm trở lại.
Để phòng ngừa ung thư phổi, các chuyên gia khuyên, việc đầu tiên là hãy từ bỏ thuốc lá, tránh xa những làn khói thuốc xung quanh bởi tỷ lệ mắc ung thư phổi của người hút thuốc lá so với những người không hút cao hơn gấp 10 lần. Bên cạnh đó, cần phải tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn giàu rau xanh và hoa quả, tránh tiếp xúc với phóng xạ và kim loại nặng.
Ung thư phổi thường không được phát hiện sớm. Những dấu hiệu triệu chứng rõ rệt biểu hiện ở 10% bệnh nhân ung thư phổi:
– Ho (chiếm 70% các trường hợp) kéo dài trên 3 tuần, có đờm lẫn máu kèm đau ngực, viêm phổi tái diễn.
– Đau ngực, tức ngực, hơi thở ngắn, thở nông, thở khò khè, khó chịu trong lúc thở.
– Sụt cân, mệt mỏi, khàn giọng, khó nuốt, đau xương.
– Khoảng 13% bệnh nhân không biểu hiện bất cứ một triệu chứng nào như trên dù khối u đã được phát hiện.
Các triệu chứng của bệnh
Có đến trên 40% bệnh nhân mắc ung thư phổi phát hiện bệnh khi bệnh đã ở giai đoạn cuối. Ở giai đoạn này, các triệu chứng của bệnh mới biểu hiện rõ ràng và liên tục với những đặc điểm sau đây:
– Luôn cảm thấy đau đớn nhiều, khó thở, giọng khàn đặc, thở khò khè, ho ra máu nhiều, đờm lẫn máu, các cơn ho tới thường xuyên và liên tục hơn. Vùng ngực bị đau tức khiến bệnh nhân bị buồn nôn. Những triệu chứng này là do khối u đã phát triển khá lớn và làm tắc nghẽn đường thở.
– Khó nuốt hoặc đau đớn khi nuốt do các tế bào ung thư đã xâm lấn đến thực quản.
– Thở nhanh, thở gấp, thở dồn dập, hơi thở không đều, khi thở có cảm giác rin rít trong lồng ngực.
– Tràn dịch màng phổi: Có một lớp màng chứa chất lỏng bao quanh phổi. Khi chọc dịch màng phổi để đi xét nghiệm, sẽ phát hiện có tế bào ung thư ở chất lỏng này. Khi bệnh nhân hô hấp thì dịch ở màng phổi cũng có thể biến động. Nếu bị tràn dịch màng phổi trong thời gian dài thì bệnh nhân có thể bị xẹp phổi, khiến việc hô hấp càng trở nên khó khăn hơn. (BS Văn Thành- Bệnh viện K Trung ương)
Quỳnh An
Nguồn: giadinh.net.vn