[Chứng trạng] Chứng Tỳ Vị hư yếu ở trẻ em trong Đông y

Chứng Tỳ Vị hư yếu ở trẻ em là chỉ những chứng trạng do công năng của Tỳ vị giảm sút, cũng là nói sự vận hoá của Tỳ phân bố tinh vi thủy cốc, sự thu nạp ngấu nhừ thủy cốc của Vị, công năng thăng thanh giáng trọc bị giảm sút gây nên bệnh. Phần nhiều do ăn bú không điều độ, mệt nhọc tổn thương, hoặc mửa nhiều, tả kéo dài làm hao thương Tỳ Vị mà thành bệnh.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là kém ăn, sau khi ăn thì bụng đầy, đại tiện lỏng loãng, chân tay rã rời, thể trạng gầy còm, thiếu hơi biếng nói, sắc mặt úa vàng, lưỡi nhạt rêu lưỡi trắng, mạch Hoãn Nhược hoặc là chỉ văn nhạt trệ v.v…

Chứng Tỳ Vị hư yếu ở trẻ em thường gặp trong các bệnh Tích trệ, Tiết tả, Thoát giang, Niệu huyết, Tiện huyết, Cơ nục, Cơ nuy.

Cần chẩn đoán phân biệt với các chứng Tỳ Vị dương hư ở trẻ em, chứng Tâm Tỳ đều hư ở trẻ em, chứng Can Tỳ đều hư ở trẻ em, chứng Phế Tỳ đều hư ở trẻ em.

Phân tích

Tỳ chủ thăng thanh, lấy thăng làm thuận. Vị chủ giáng trọc, lấy giáng làm hoà, nếu Tỳ Vị hư yếu thăng giáng mất điều hoà, tất nhiên trên bệnh lý ảnh hưởng lẫn nhau, hơn nữa còn phát sinh nhiều tật bệnh.

– Nếu bệnh Tích trệ xuất hiện chứng Tỳ Vị hư yếu, đặc điểm chứng trạng là mặt vàng mình gầy, bụng trướng đau, không thiết ăn bú, ợ hăng nuốt chua, miệng khô khát nước, giấc ngủ không yên, hoặc thổ hoặc tả, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch Trầm Hoạt. Đây phần nhiều do ăn uống đọng lại ở Vị quản, uất kết Vị Trường, Tỳ vận hoá không mạnh, Tiêu hoá không tốt thuộc chứng trong hư kiêm thực, điều trị theo phép kiện Tỳ hoà Vị tiêu đạo; Nếu Hư nhiều Thực ít, cho uống bài kiện Tỳ hoàn(Y phương tập giải). Nếu thực nhiều hư ít thì dùng Chỉ thực tiêu bĩ hoàn (Lan thất bí tàng).

– Nếu trong bệnh Tiết tả mạn tính, phần nhiều tả hạ ra trong loãng hoặc ra đồ ăn không tiêu, sau khi ăn thì tả nặng hơn, tả lâu ngày thì mặt phù chân thũng, vả lại sắc mặt úa vàng, mỏi mệt yếu sức, bụng bĩ đầy, ăn kém, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Tế hoặc chỉ văn nhạt. Đây là vì Tỳ Vị hư yếu, thăng giáng thất thường, trong đục lẫn lộn gây nên; Điều trị nên kiện Tỳ lợi thấp sử dụng bài Sâm linh bạch truật tán (Hoà tễ cục phương).

– Lại như bệnh Thoát giang xuất hiện trong chứng Tỳ Vị hư yếu ở trẻ em, phần nhiều biểu hiện các chứng váng đầu hoa mắt, tiếng nói thấp khẽ, kém ăn, sau khi ăn vào trướng bụng nặng trệ, thân thể mỏi mệt, hụt hơi, có lúc tự ra mồ hôi, đại tiện nhiều lần, chất lưỡi non bệu có vết răng, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Hư Nhược, Đây là do Tỳ hư, trung khí bất túc, sức nâng lên vô lực gây nên, phép điều trị nên bổ trung ích khí, sử dụng bài Bổ trung ích khí thang (Tỳ Vị luận).

– Chứng Tỳ Vị hư yếu của trẻ em xuất hiện trong Huyết chứng, huyết dịch không lưu thông theo con đường bình thường, hoặc trào lên miệng mũi, hoặc dồn xuống đại, tiểu tiện, hoặc thấm ra ngoài da; Đây là do Tỳ hư không khả năng thống huyết, huyết không đi theo kinh, tràn ra ngoài mạch, nên mới thấy các chứng hậu xuất huyết; Điều trị nên kiện Tỳ, ích khí, nhiếp huyết, cho uống bài Qui tỳ thang (Tế sinh phương).

Lại như bệnh Teo cơ của trẻ em xuất hiện chứng Tỳ vị hư yếu, biểu hiện lâm sàng là chân tay thân mình mềm yếu, dễ mỏi mệt, da thịt teo gầy, kém ăn, tinh thần không mạnh, lưỡi nhạt ít rêu, mạch Tế Nhược; Đây là do Tỳ Vị hư yếu, khí huyết suy tổn, không có nguồn hoá sinh tân dịch khí huyết, cơ thịt gân mạch mất sự nhu dưỡng dần dần hình thành chứng này; Điều trị nên kiện Tỳ ích khí, sử dụng bài Sâm linh bạch truật tán.

Tỳ Vị là gốc của Hậu thiên, hoá sinh khí huyết để doanh dưỡng năm Tạng sáu Phủ tứ chi trăm khớp. Vì thế người bị chứng Tỳ Vị hư yếu, tất nhiên thể chất yếu ớt, diễn biến và phát triển của cơ chế bệnh khá phức tạp. Ví dụ công năng thụ nạp và vận hoá bị giảm sút đến nỗi khí huyết đều hư, gân mạch cơ bắp không được nuôi dưỡng, mất chức năng thống nhiếp, huyết lìa đường mạch, có các chứng trạng ăn uống kém, sau khi ăn vào chướng bụng, váng đầu hoa mắt, tâm hoang hồi hộp, đoản hơi tinh thần mỏi mệt, teo cơ, dễ mỏi mệt cho đến cả đại tiện ra huyết, tiểu tiện ra huyết.v.v. Lại như ốm lâu dương khí suy dần, Dương vi Âm thịnh, thấy chứng trạng bụng lạnh, ói mửa ra nước trong đại tiện lỏng loãng, tiểu tiện trong lợi, chân tay không ấm, thuỷ thấp không hoá.v.v. dần dần phát sinh hiện tượng Tỳ dương hư suy.

Chẩn đoán phân biệt

– Chứng Tỳ Vị dương hư ở trẻ em với chứng Tỳ Vị hư yếu ở trẻ em đều là Hư từ Tỳ vị; Nhưng loại trên chú trọng vào Trung dương, nguyên nhân bệnh và chủ chứng đều có chỗ khác nhau Chứng Tỳ Vị dương hư ở trẻ em có thể do tiên thiên bất túc, mệnh hỏa nhỏ nhoi, trung dương không mạnh; Tiểu nhi thuộc Trĩ dương, ham ăn thức sống lạnh, ngày hè buông thả ăn bừa dưa quả nước lạnh làm tổn hại Tỳ dương, Trĩ dương nhận lầm là Thuần dương, khi bệnh lại điều trị không thoả đáng, dùng quá nhiều thuốc đắng lạnh, bẻ gãy Trung dương, la liệt các nguyên nhân kể trên đều tập trung vào dương khí của Tỳ Vị bị tổn thương, dương khí không còn gì để sưởi ấm gây nên bệnh; Cho nên tuy cũng thấy kém ăn, sau khi ăn trướng đầy, đại tiện lỏng loãng, cũng như các chứng thấy ở Tỳ Vị hư nhược. Nhưng người tiên thiên bất túc phần nhiều có kèm theo chứng trạng sắc mặt trắng bệch, thể trạng bé nhỏ, chân tay lạnh sợ lạnh. Người ưa thích ăn đồ lạnh mát, thường lại sợ ăn đồ lạnh vào, gây đau bụng ỉa chảy; Người dùng thuốc đắng lạnh thương dương, thường không tha thiết gì mọi thức ăn, ăn chút ít là đầy trướng ngay, nếu đau bụng thì ưa xoa bóp chườm nóng, gặp nhiệt thì đỡ, vũng rốn và bụng sợ lạnh, cảm chút ít hơi lạnh là đi ỉa lỏng, không giống như trẻ em bị chứng Tỳ Vị hư nhược, sắc mặt thường là vàng lẫn trắng, ỉa lỏng mà không phải là lạnh đau mới đi ỉa lỏng, vì sự ma sát ở Vị không mạnh, Tỳ vận chuyển không khoẻ, biến hoá chủ yếu là ăn uống mà không làm tốt đẹp da thịt. Đó là một lẽ nguyên nhân Tỳ Vị dương hư nhìn thấy rất rõ, thời gian hình thành bệnh khá ngắn; Chứng Tỳ Vị hư nhược thì thường hình thành dần dần, hình thành bệnh khá chậm; Đó là lẽ thứ hai. Cho nên căn cứ vào đó mà có thể phân biệt.

– Chứng Tâm Tỳ đều hư ở trẻ em với chứng Tỳ Vị hư nhược ở trẻ em; Tỳ Vị là nguồn sinh hoá khí huyết; Tỳ Vị hư yếu, doanh huyết suy hư, huyết không nuôi Tâm, cho nên thấy Tâm hư. Vì thế, ngay trong chứng Tỳ Vị hư yếu, thường thấy kèm cả chứng Tâm Tỳ đều hư.

Yếu điểm để phân biệt hai chứng là: Loại trên có chứng trạng sắc mặt úa vàng, biếng ăn, sau khi ăn trướng bụng; Loại sau ngoài những chứng trạng cùng xuất hiện của Tỳ Vị hư yếu, còn có kèm các chứng đoản hơi thần khiếp, mất ngủ hay quên, hồi hộp chỉnh sung, mạch Tế Nhược vô lực.

– Chứng Can Tỳ không điều hoà ở trẻ emTỳ Vị hư ở trẻ em: Can khí sơ tiết là điều kiện duy trì công năng tiêu hoá bình thường của Tỳ Vị. Nếu quả là Can uất sẽ ảnh hưởng tới sự thu nạp của Vị và sự vận hoá của Tỳ, vả lại Tỳ Vị hư nhược, thấp tà uất nghẽn cũng có thể ảnh hưởng làm Can mất sơ tiết. Vì vậy hai tạng Can Tỳ trên nguyên nhân và cơ chế bệnh có ảnh hưởng lẫn nhau, lâm sàng có thể xuất hiện lẫn nhau, Đương nhiên trẻ em phần nhiều tự lự đơn thuần, vui buồn bộc lộ ra ở sắc chứ không thầm nén ở trong, nhưng cũng thường thấy mỗi khi tư lự quá, cảm tình nhạt nhẽo hay tình cảm hướng vào trong đối với trẻ em rất dễ hình thành chứng này. Chứng hậu phân biệt là: Chứng Tỳ Vị hư yếu thì kém ăn, trướng bụng, đại tiện nhão hoặc đại tiện không điều. Chứng Can Tỳ không điều hoà thì ngực sườn trướng đầy và đau không giống như sự vui vẻ của trẻ em nói chung mà thường tỏ vẻ tức giận tấm tức không vui, hay thở dài hoặc hơi có chút không vừa lòng là dễ giận dễ buồn, sôi bụng trung tiện, ợ hơi kém ăn hoặc đau bụng ỉa chảy, mạch có hiện tượng Huyền.

– Chứng Phế tỳ đều hư ở trẻ em với chứng Tỳ Vị hư yếu ở trẻ em: Tỳ là cái nguồn sinh ra đàm, Phế là dụng cụ chứa đờm, Tỳ không vận hoá thấp, thấp tụ thành đờm, thường là bệnh lý cơ chuyển Tỳ hư liên lụy đến Phế, hình thành hàn làm thương Phế; Chăm sóc không thích hợp, ho lâu không khỏi, trị tiết suy dần có thể biến thành bệnh ở Kim liên lụy đến Thổ gây nên chứng Phế Tỳ đều hư chứng trạng có đặc điểm là đoản hơi, tự ra mồ hôi, khái thấu nhiều đờm, thậm chí mặt phù chân thũng, hiện tượng Tỳ Phế đều hư đồng thời xuất hiện, có sự phân biệt với chứng Tỳ vị hư nhược rất rõ.

Trích dẫn y văn

– Tỳ khí bất túc, thì chân tay rã rời mà đại tiện lỏng, đồ ăn không tiêu hoá và ẩu nghịch, bụng trướng ruột sôi, đó là Tỳ khí hư vậy ( hậu – Chư bệnh nguyên hậu luận).

– Vị khí bất túc thì đói mà không thu nhận thủy cốc, ỉa lỏng ẩu nghịch, đó là Vị khí hư vậy (Vị bệnh hậu – Chư bệnh nguyên hậu luận).

– Nghĩ như ăn uống không điều độ thì Vị mắc bệnh. Vị mắc bệnh thì đoản hơi, tinh thần kém mà sinh đại nhiệt, có lúc bốc hoả lên nóng rát cả mặt. Sách Hoàng đế châm kinh viết: Vị nhiệt là thuộc Túc Dương minh. Vị đã mắc bệnh thì Tỳ không hấp thụ được cái gì. Tỳ là cõi tử âm, không chủ về thời gian cho nên cũng từ đó mà phát bệnh. Hình thể mệt nhọc thì Tỳ mắc bệnh, bệnh ở Tỳ là mệt mỏi hay nằm, chân tay không thu về, đại tiện tiết tả. Tỳ mắc bệnh thì Vị chẳng một mình chu lưu được tân dịch, cho nên cũng từ đó mà mắc bệnh(Tỳ Vị thắng suy luận -Tỳ Vị luận).

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận