Trích: Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của chuyên ngành Phục hồi chức năng 2014 của Bộ y tế: Số 3109/QĐ-BYT Ngày 19/8/2014
PHỤC HỐI CHỨC NĂNG CHO TRẺ BỊ CONG VẸO CỘT SỐNG
I. ĐẠI CƯƠNG
Cong vẹo cột sống là tình trạng cong của cột sống sang phía bên của trục cơ thể và vẹo (xoay) của các thân đốt sống theo trục của mặt phẳng ngang.
Cong vẹo cột sống có thể xảy ra đơn thuần hoặc phối hợp với các biến dạng khác của cột sống là gù ở vùng ngực hoặc ưỡn ở vùng thắt lưng.
II. CHẨN ĐOÁN
1. Các công việc chẩn đoán
– Hỏi bệnh: phát hiện cong vẹo cột sống từ bao giờ? đã điều trị những gì? ở đâu? Thói quen sinh hoạt, học tập, các bệnh lý liên quan…
– Khám lâm sàng và lượng giá chức năng
+ Cột sống cong vẹo sang phía bên hoặc ưỡn ra trước, gù ra sau so với trục giải phẫu của cột sống, có thể là một đường cong hoặc hai đường cong.
+ Xương bả vai 2 bên không cân đối.
+ Xuất hiện những ụ gồ ở vùng lưng, mà đỉnh các ụ gồ đó thường trùng với chỗ cong vẹo nhất của cột sống, thường thấy rõ nhất khi yêu cầu bệnh nhân đứng cúi lưng.
+ Đối diện với bên xuất hiện ụ gồ thường là vùng lõm, đây là hậu quả của tình trạng xoay của các thân đốt sống.
+ Hai vai mất cân xứng với đặc điểm một bên nhô cao và thường ngắn hơn bên đối diện do tình trạng co kéo của các nhóm cơ vùng lưng.
+ Khung chậu bị nghiêng lệch và cũng bị xoay.
+ Trên thân mình có thể xuật hiện những đám da đổi màu (màu bã cà phê)
+ Vùng lưng, đặc biệt là vùng thắt lưng có thể xuất hiện những đám lông
+ Có thể phát hiện thấy tình trạng chênh lệch chiều dài hai chân hoặc các dị tật khác của hệ vận động.
+ Thử cơ bằng tay: Phát hiện các cơ liệt.
+ Nghiệm pháp quả rọi: Thả quả rọi mà mốc là gai sau của đốt sống C7 sẽ phát hiện rõ độ cong của cột sống và xác định được vị trí đỉnh đường cong.
+ Đo bằng thước Scoliometer tại vị trí đỉnh đường cong.
– Chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng:
+ Chụp phim X quang cột sống thẳng và nghiêng: Để đánh giá độ cong vẹo cột sống, ngoài ra còn giúp đánh giá tuổi xương và các dị tật bẩm sinh vùng cột sống.
Trên phim thẳng: Đo góc COBB
Cách đo: Xác định đoạn cong, xác định đốt sống đầu tiên và cuối cùng của đoạn cong. Kẻ đường thẳng qua bờ trên của đốt sống trên và bờ dưới của đốt sống dưới. Kẻ hai đường vuông góc với hai dường thẳng trên. Đo góc tạo bởi hai đường vuông góc
+ Chụp X quang khớp háng hoặc các thân xương khi thấy có sự chênh lệch chiều dài chi và biến dạng tại các khớp.
+ Chụp cắt lớp vi tính điện toán khi nghi ngờ có sự chèn ép thân đốt sống hoặc đĩa đệm.
+ Chụp cộng hưởng từ khi nghi ngờ có khối chèn ép tuỷ.
+ Các xét nghiệm hỗ trợ khác như điện cơ đồ, men cơ, sinh thiết, công thức máu, lắng máu, Mantour… khi có nghi ngờ (theo nguyên nhân)
2. Chẩn đoán xác định: Lâm sàng và dấu hiệu Xq (góc Cobb)
3. Chẩn đoán phân biệt
– Phân biệt với gù cột sống ngực ( hyper Kyphosis) thường gặp trong lao cột sống.
– Phân biệt với ưỡn cột sống vùng thắt lưng ( hyper Lordosis)
4. Chẩn đoán nguyên nhân
– Cong vẹo cột sống tự phát là nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất (trên 80%), còn gọi là cong vẹo cột sống vô căn (idiopathic scoliosis)
– Bẩm sinh: Mất nửa đốt sống, xẹp đốt sống.
– Mắc phải: Do tư thế ngồi sai, u xơ thần kinh, di chứng bại liệt, di chứng lao cột sống, bệnh cơ – thần kinh, bệnh đường hô hấp (tràn dịch, dầy dính màng phổi)…
III. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc phục hồi chức năng và điều trị
– Can thiệp sớm ngay khi phát hiện ra cong vẹo cột sống.
– Hướng dẫn cho mẹ bệnh nhân hoặc bệnh nhân tập luyện tại nhà.
– Khám thường quy sau 3, 6 tháng/lần.
* Mục tiêu:
– Nắn sửa các biến dạng vùng cột sống, khung chậu, lồng ngực…
– Duy trì và tăng cường tầm vận động và khả năng vận động của cột sống.
– Phòng ngừa sự phát triển của các biến dạng.
– Phòng ngừa các bệnh thứ phát của hệ vận động, hệ hô hấp, hệ tim mạch…
2. Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng
2.1. Vận động trị liệu
Chỉ định cho cong vẹo cột sống ở mọi lứa tuổi và độ nặng nhẹ khác nhau
Bài tập 1: Tăng tầm vận động của cột sống lưng
Mục tiêu:
– Gia tăng tầm vận động gập của cột sống lưng.
– Kéo dãn nhóm cơ duỗi lưng.
Kỹ thuật:
– Tư thế bệnh nhân: Ngồi, 2 chân duỗi thẳng và áp sát, 2 tay đưa ra phia trước
– Tư thế KTV: Ngồi cạnh và làm mẫu.
– Tiến hành: Bệnh nhân duỗi thẳng 2 chân áp sát. Hai tay đưa ra trước lưng gập, càng gần các ngón càng tốt.
Bài tập 2: Tăng cơ lực nhóm cơ gập và xoay thân
Mục tiêu:
– Tăng cơ lực nhóm cơ gập và xoay thân.
– Tăng cường linh hoạt của cột sống. Kỹ thuật:
– Tư thế bệnh nhân: Nằm ngửa, 2 tay đan sau gáy, 2 chân duỗi thẳng.
– Tư thế KTV: Đứng hoặc quỳ bên cạnh, 1 tay cố định trên 2 đùi và 1 tay cố định trên 2 cẳng chân.
– Tiến hành: KTV cố định 2 chân, bệnh nhân 2 tay đan sau gáy, gập thân và xoay thân, khuỷu sang bên đối diện.
Bài tập 3: Kéo dãn cơ ở phần lõm của đường cong
Mục tiêu:
– Kéo dãn các nhóm cơ phía lõm của đường cong thắt lưng trái.
– Phòng ngừa co rút cột sống thắt lưng.
Kỹ thuật:
– Tư thế bệnh nhân: Nằm sấp, 2 tay bám chặt 2 bên cạnh bàn.
– Tư thế KTV: Đứng cạnh bệnh nhân và đỡ 2 tay mặt trước đùi bệnh nhân
– Tiến hành: Bệnh nhân giữ thân trên của mình cố định. KTV kéo dãn đốt sống vùng thắt lưng sang trái.
Bài tập 4: Kéo dãn cơ ở phần lõm của đường cong
Mục tiêu:
– Kéo dãn phía lõm của đường cong ngực phải
– Tăng tính linh hoạt và duy trì tầm vận động của cột sống lưng.
Kỹ thuật:
– Tư thế BN: Nằm nghiêng sang phía có đường cong, thả người xuống mép bàn
– Tư thế KTV: Đứng và giữ hông bệnh nhân.
– Tiến hành: Bệnh nhân thả người xuống mép bàn, tay phía trên duỗi thẳng qua đầu, cuộn 1 khăn tắm kê vào đỉnh đường cong. Giữ tư thế này 3 đến 5 phút.
Bài tập 5: Kéo dãn cột sống
Mục tiêu:
– Kéo dãn cột sống.
– Tăng cường tính đàn hồi của thân mình. Kỹ thuật:
– Tư thế bệnh nhân: Đứng 2 tay gập 1800, duỗi thẳng.
– Tư thế KTV: Đứng cạnh.
– Tiến hành: Hai tay bệnh nhân bám vào xà ngang, gắng cho gót chân rời khỏi sàn.
Bài tập 6:
Mục tiêu:
– Tập mạnh nhóm cơ nghiêng thân.
– Kéo dãn phía lồi của đường cong ngực phải. Kỹ thuật:
– Tư thế bệnh nhân: Nằm nghiêng.
– Tư thế KTV: Đứng sau.
– Tiến hành: Bệnh nhân nằm nghiêng về phía trái và nhấc thân lên khỏi
sàn để kéo dãn phía lồi của đường cong ngực phải.
Bài tập 7:
Mục tiêu:
– Cải thiện chức năng hô hấp và tim mạch.
– Tăng cường độ giãn nở của lồng ngực. Kỹ thuật:
– Tư thế bệnh nhân: Nằm ở tư thế nửa nằm nửa ngồi.
– Tư thế KTV: Đứng cạnh.
– Tiến hành: Bệnh nhân thở sâu và hít ra từ từ. Hai tay bệnh nhân đặt dưới cơ hoành.
Bài tập 8:
Mục tiêu:
– Cải thiện tư thế cột sống
– Tăng cường chức năng phổi. Kỹ thuật:
– Tư thế bệnh nhân: Ngồi, người cúi về phía trước.
– Tư thế KTV: Ngồi sau, 2 bàn tay đặt sau lưng và đáy phổi.
– Tiến hành: Bệnh nhân hít vào thật sâu và thở ra từ từ, đảm bảo có sự giãn nở của lồng ngực.
Bài tập 9: Tập bơi.
Bài tập 10: Luyện tập thể thao
2.2. Kéo dãn cột sống
– Kéo dãn cột sống bằng dụng cụ (như xà đơn và khung kéo tay) hoặc bằng máy kéo dãn.
– Kéo dãn cột sống bằng máy dựa trên nguyên lý cơ học có điều chỉnh, lực
kéo tác động lên cơ, dây chằng và khoang liên đốt cột sống.
– Quy trình:
+ Cố định đai kéo tùy theo vùng điều trị
+ Bật máy, thử tét máy
+ Đặt các thông số trên máy tùy theo yêu cầu, thông thường lực kéo không quá 2/3 trọng lượng cơ thể đối với kéo cột sống lưng, 10-15 kg đối với kéo cột sống cổ.
+ Mỗi lần kéo dài từ 10-20 phút
+ Bấm nút kéo
+ Kết thúc điều trị: tháo bỏ đai cố định, để người bệnh nằm nghỉ tại chỗ từ 5-10 phút, ghi chép hồ sơ bệnh án.
3. Các điều trị khác
3.1. Điều trị bằng máng nẹp chỉnh hình
– Chỉ định:
+ Tuổi: ở trẻ trai < 18 tuổi và trẻ gái < 17 tuổi. + Góc COBB > 25 độ và < 60 độ .
+ 8 độ < độ xoay của cột sống < 25 độ đo trên thước đo độ xoay (Scoliometer)
+ Góc COBB < 25 độ nhưng độ cong vẹo tiến triển nhanh trong 3 tháng (5 độ) – Có loại áo nẹp chỉnh hình: + Boston + Minwauker + Chêneau + Lyon + Mieder… – Theo dõi: 3 tháng đến khám lại 1 lần, 6 tháng chụp Xquang 1 lần – Chống chỉ định: Khi trẻ đã trưởng thành > 22- 25 tuổi, nẹp chỉnh hình không có hiệu quả, độ cong không tồi đi, độ vẹo > 60 độ, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý.
3.2. Phẫu thuật chỉnh hình
– Chỉ định:
+ Góc COBB > 45 độ
+ Khi sự cong vẹo ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan khác.
– Phục hồi chức năng trước và sau phẫu thuật.
a) Trước khi mổ:
– Tập ho, tập thở, chú trọng thở vùng ngực.
– Tập các chi còn lại. b) Sau khi mổ:
– Cho nằm bất động khoảng 3 tháng, trong thời gian đó xoay trở toàn khối, để tránh loét da.
– Tập ho, thở, khuyến khích thở bằng lồng ngực để tránh xẹp phổi.
– Tập vận động có lực kháng cho hai tay.
– Tập chủ động trợ giúp tiến tới tập chủ động và đề kháng cho hai chân.
– Tập gồng cơ bụng, cơ lưng.
– Sau thời gian bất động, tập cho trẻ ngồi, đứng và đi.
IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM
– Đối với điều trị bằng máng nẹp chỉnh hình: 3 tháng đến khám lại 1 lần, 6 tháng chụp Xquang 1 lần
– Theo dõi đến khi hết tuổi trưởng thành.
Chào bác sĩ !
E năm nay 23 tuổi, e bị vẹo cột sống lúc 16 tuổi do ngồi sai tư thế khi học. Dấu hiệu đầu tiên là xương ngực bên trái nhô lên, e có đi khám ở bệnh viện thì được cho biết là bị vẹo cột sống. Lúc đó bác sĩ không nói phương pháp và tư vấn cách điều trị bệnh. Gia đình e nghĩ bệnh nhẹ, không ảnh hưởng gì tới sức khỏe nên cứ để tình trạng đó cho tới giờ. Hiện tại thì sức khỏe không tốt, cột sống bị vẹo nặng hơn, nghiêng hoàn toàn sang một bên (bên trái). Xương lồng bên trái càng gồ cao hơn trước, khung xương chậu cũng bị biến dạng (bên mông to, mông nhỏ). Ảnh hưởng tới sức khỏe rất nhiều gây khó thở, mất ngủ, đau lưng…
Bác sĩ cho e hỏi liệu trường hợp như trên của e thì phương pháp và cách điều trị như thế nào ạ? Có cần phải phẫu thuật ko? Thời gian và chi phí điều trị như thế nào?
Bác sĩ gửi qua mail giúp e nhé: [email protected]
Mong sớm được nhận phản hồi từ bác sĩ !
E cảm ơn !!!
Chào bạn. Bạn cần phải đến bác sỹ khám để kiểm tra xem hiện tại góc lệch ra sao, và ảnh hưởng đến bạn ra sao, lúc đó bác sỹ mới tư vấn được cho bạn. Theo tôi bạn nên đến bệnh viện tỉnh hoặc bệnh viện tuyến cao hơn có khoa phẫu thuật cột sống để được khám đúng chuyên khoa, lời khuyên của bác sỹ đó sẽ chuyên sâu hơn, đôi khi bạn khám nhưng không đúng bác sỹ, thì dù họ có là giáo sư thì cũng không tốt bằng bác sỹ chuyên khoa theo đúng bệnh của bạn. Thân ái
Em bị đau lưng ko rõ nguyên nhân, chụp phim cộng hưởng từ ko phát hiện thoái hóa hay các vấn đề về xương. Hiện giờ lưng của e hơi bị gù, gây mất tự tin e muốn điều trị để phục hồi như bình thường được ko?
Mong được tư vấn ah?
Chào bạn. Gù vẹo cột sống trên trục của xương sẽ kéo theo lệch cơ, có nhóm cơ căng, phát triển mạnh hơn nhóm còn lại. Nếu mức độ lệch trục ít bạn có thể tập vận động và điều trị bằng tác động cột sống. Một số có thể phải sử dụng áo nẹp cột sống. Một số trường hợp lệch trục nhiều có thể phải can thiệp phẫu thuật, do vậy bạn nên gửi hình phim chụp và tuổi của bạn hiện tại, chúng tôi tư vấn tốt hơn. Thân ái