Alzheimer – căn bệnh có thể phòng tránh được

SKĐS – Alzheimer là căn bệnh ngày càng phổ biến không chỉ trên thế giới mà cả ở Việt Nam, trong tương lai không xa, chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số và sự thờ ơ của nhiều người về căn bệnh nguy hiểm này.

Hội Thầy thuốc trẻ vừa tổ chức cuộc thi “Giải pháp sáng tạo y tế cộng đồng năm 2016”. Một trong những giải pháp sáng tạo được hội đồng giám khảo đánh giá cao bởi tính thực tiễn và mới mẻ của ý tưởng là bài dự thi “Chung tay hành động vì bệnh nhân Alzheimer”. Phóng viên báo Sức khỏe và đời sống đã có cuộc trò chuyện với Ths. BSCKII La Đức Cương- Phó chủ tịch Hội tâm thần học Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện tâm thần TW, một trong những thành viên Ban giám khảo về căn bệnh phổ biến nhưng ít người quan tâm đúng mức và về ý tưởng y tế vì cộng đồng này.

La Duc Cuong
La Duc Cuong
Ths.BS CKII La Đức Cương- Phó chủ tịch Hội tâm thần học Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện tâm thần TW

 

Phóng viên: Thưa ông với tư cách là thành viên hội đồng giám khảo cuộc thi “Giải pháp sáng tạo y tế cộng đồng năm 2016” ông đánh giá thế nào về chất lượng các ý tưởng sáng tạo của các y, bác sĩ, sinh viên y dược để giải quyết vấn đề y tế cộng đồng hiện nay?

Ths. BSCKII La Đức Cương : Các bài dự thi tập trung vào 5 chủ đề. Các ý tưởng sáng tạo đều nhằm chung tay góp sức giải quyết những vấn đề mang tính thời sự về y tế cộng đồng hiện nay. Mỗi tác giả có nét sáng tạo riêng, tập hợp các ý tưởng vẽ nên bức tranh sinh động, sáng tạo các giải pháp giải quyết và phát triển y học cộng đồng hiện tại và trong tương lai

 

Phóng viên: Với tư cách là Phó Chủ tịch Hội tâm thần học Việt Nam, theo ông giải pháp “Chung tay hành động vì bệnh nhân Alzheimer” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Thủy của Đại học Y dược Tp Hồ Chí Minh có ý nghĩa thực tiễn thế nào và giải quyết vấn đề y tế cộng đồng đang rất bức thiết hiện nay?

Ths. BSCKII La Đức Cương : Bài dự thi của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thanh Thuỷ đã đưa ra một loạt các giải pháp sáng tạo truyền thông sâu rộng, có tính thực thi và kinh tế cao, giúp cộng đồng nhận biết sớm và hành động nâng đỡ có hiệu quả đối với người bệnh Alzheimer. Alzheimer là bệnh phổ biến ở người cao tuổi, bệnh tiến triển từ từ, sau 5 đến 10 năm mới biểu hiện rõ, cộng đồng thường nhầm hiểu rằng đấy là “tất yếu” đối với người cao tuổi. Chính vì vậy, người bệnh thường bị cộng đồng bỏ rơi, xa lánh, họ từ chối được chăm sóc hay chữa bệnh, hậu quả là sớm dẫn đến bệnh tật và thời gian chữa bệnh kéo dài, làm “giai đoạn cuối” thêm nặng nề, gia đình và xã hội tốn nhiều thời gian và chi phí kinh tế.

Alzheimer Can Benh Co The Phong Tranh Duoc1468418224
Alzheimer Can Benh Co The Phong Tranh Duoc1468418224

Phóng viên: Khi tuổi thọ con người càng tăng, tỷ lệ người mắc bệnh mất trí nhớ cũng tăng theo. Đáng chú ý là số người mắc bệnh Alzheimer và các chứng mất trí nhớ chưa được phát hiện rất lớn, theo ông, chúng ta cần phải làm gì để người dân hiểu hơn nữa về căn bệnh này và phòng tránh nguy cơ mắc bệnh?

Ths. BSCKII La Đức Cương: Tuổi càng cao xác suất mắc bệnh Alzheimer càng lớn. Nhiều người mắc bệnh Alzheimer nhưng không được phát hiện sớm là do cộng đồng chưa hiểu biết về bệnh. Một trong những giải pháp hữu hiệu để cộng đồng hiểu rõ bệnh hơn, phòng chống bệnh tốt hơn là tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về bệnh cho nhân dân. Thực tế cho thấy nếu người dân được tuyên truyền phòng bệnh tốt, người bệnh Alzheimer sớm được điều trị và được nâng đỡ đúng khoa học thì tỷ lệ mắc bệnh thấp, bệnh biểu hiện nhẹ nhàng hơn, ít dẫn đến hậu quả xấu hơn.

 

Phóng viên: Xin ông có thể cho biết những dấu hiệu ban đầu nào mà người dân cần nghĩ tới bệnh mất trí nhớ, Alzheimer?

Ths. BSCKII La Đức Cương : Triệu chứng sớm của bệnh Alzheimer là biểu hiện giảm từ từ từng phần trí nhớ, nhớ nhầm, bịa chuyện. Người bệnh không tin vào trí nhớ của bản thân, thường phải sử dụng sổ tay để trợ giúp trí nhớ. Giai đoạn về sau, ngoài triệu chứng mất trí nhớ nặng nề xuất hiện nhiều triệu chứng đa dạng về suy giảm các mặt hoạt động tâm thần, kèm theo có các rối loạn tâm thần khác, như quên tên người hay đồ vật, quên lối đi về, quên việc vừa xảy ra (không nhớ vừa ăn xong, không nhớ vừa nói gì); suy giảm nhận thức; suy giảm khả năng suy luận, phán đoán và tiếp thu các kiến thức mới; rối loạn trầm cảm; hoang tưởng là bị theo dõi, bị lấy cắp hay ghen tuông.

Quan niệm phổ biến trong nhân dân cho rằng người già quên, lẫn lộn, trái tính, sợ lấy trộm ngay cả đối với con cháu là quy luật bình thường. Đó là quan niệm chưa đúng, từ đó con cháu xa lánh người già, càng làm cho người già tăng cảm giác bị cô đơn, hậu qủa là tăng quá trình tiến triển xấu của bệnh.

 

Phóng viên: Được biết bệnh mất trí nhớ là một căn bệnh của tuổi già, vậy xin ông cho biết, bệnh này có thể phòng tránh được không và chúng ta cần làm gì để tránh mắc bệnh?

Ths. BSCKII La Đức Cương: Mất trí là nhóm các bệnh gồm mất trí trong bệnh Alzheimer, mất trí trong bệnh mạch máu, mất trí trong bệnh Parkinson và một số mất trí khác.

Bệnh Alzheimer gặp ở người cao tuổi, chiếm tỷ lệ cao trong các loại mất trí, thường được gọi là mất trí tuổi già. Mất trí tuổi già có thể phòng tránh hữu hiệu bằng chế độ ăn uống, luyện tập, lao động hợp lý và xử lý phù hợp các tình huống gây stress trong cuộc sống. Sự gần gũi, chăm sóc về thể chất và tinh thần tốt với người cao tuổi sẽ làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và giảm mức độ trầm trọng của bệnh.

 

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận