Cứ đến mùa hè là cả hai bé nhà tôi đều có nhiều rôm sảy. Rôm sẩn màu đỏ hồng, tạo thành đám, thành mảng lớn ở ngực, lưng, trán, nách, bẹn… khiến các bé rất khó chịu, bứt rứt.
Những lúc bé khó chịu quá, tôi có giết rôm cho bé thì thấy chúng có vẻ dễ chịu chút chút nhưng sau đó tình trạng ngứa ngáy lại quay lại. Mong chuyên mục tư vấn có nên giết rôm cho trẻ? Làm cách nào để hạn chế bé bị rôm trong mùa hè?
Thu Uyên (Đồng Nai)
Khi bị rôm sảy, trẻ sẽ rất ngứa ngáy, bứt rứt. Vì vậy, bạn “giết rôm” cho con ngay lúc trẻ ngứa ngáy sẽ khiến chúng rất dễ chịu. Tuy nhiên, đây là hành động rất không tốt cho sức khỏe của trẻ vì trẻ có thể cảm thấy dễ chịu lúc đó, nhưng hậu quả có thể gây biến chứng, trong đó có biến chứng nặng như: Viêm cầu thận, nhiễm trùng lan rộng. Vì vậy, khi trẻ ngứa chỉ nên xoa nhẹ để làm dịu cơn ngứa.
Để rôm lặn, bạn cần phải tạo điều kiện để cơ thể trẻ mát mẻ, thoáng khí, hạn chế mồ hôi tiết ra, chống viêm da. Bạn nên cho trẻ ở nơi thoáng mát, thông gió, tránh những nơi đông đúc, ngột ngạt, nơi nóng bí gió. Quần áo, tã lót dùng loại vải sợi, mỏng, rộng thoáng, thấm mồ hôi, không dùng các loại sợi tổng hợp, bí mồ hôi. Bạn cũng nên tắm thường xuyên cho trẻ để giúp cơ thể mát, da sạch sẽ, các lỗ chân lông không bị bịt kín. Nên tắm bằng thuốc tím pha loãng, sữa tắm cho trẻ hoặc một số loại lá, quả dùng tắm rất tốt như mướp đắng, rau má, sài đất, vỏ dưa hấu, lá đào, lá dâu… sẽ giúp trẻ nhanh chóng lặn rôm. Không nên sử dụng loại xà phòng hay sữa tắm có độ pH không phù hợp với da.
Trong trường hợp da trẻ bị viêm nhiều, lâu khỏi bạn cần bôi kem có corticoid nhẹ cho con bởi trong kem có thể có kháng sinh chống nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, bạn nên đưa con đi khám bác sĩ để được chỉ định đúng, tránh các biến chứng xảy ra và đặc biệt không nên lạm dụng thuốc. Bôi các loại thuốc mỡ kháng sinh không những làm cho da bị bít mà còn có thể gây dị ứng. Khi bị rôm sâu có nguy cơ gây hủy hoại tuyến mồ hôi làm mất khả năng tiết mồ hôi, có thể dùng isotretinoin dưới sự chỉ định chặt chẽ của bác sĩ. Khi có nhiễm trùng nang lông với biểu hiện các mụn mủ, mụn to cần bôi cồn iod hữu cơ như Betadin nhiều lần trong ngày. Ngoài ra nên uống đủ nước, có thể uống nước sắn dây, nước sài đất, đỗ đen, quả cam, chanh… và vitamin C liều cao để giúp giảm bệnh và giảm tổn thương tuyến mồ hôi.
Chuyên gia tư vấn Kim Mai/Báo Gia đình & Xã hội
Nguồn: giadinh.net.vn