Công dụng của dầu dừa không như lời đồn thổi

Dầu dừa là sản phẩm quen thuộc trong việc làm đẹp của nhiều chị em. Không những thế, nhiều người còn cho rằng, dầu dừa còn có tác dụng trong việc điều trị một số loại bệnh, trong đó có xơ gan. Vậy thực hư của thông tin này ra sao?
Các chuyên gia khuyến cáo, không nên lạm dụng dầu dừa để chữa bệnh xơ gan vì có thể gây hại cho cơ thể. Ảnh minh họa

Đầy bụng, tiêu chảy vì uống nhiều dầu dừa

Khoảng một tuần gần đây, chị Nguyễn Thị Hoàng (ở Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội) thực hiện “chiến dịch” dùng dầu dừa chữa bệnh xơ gan cho chồng. Chị Hoàng cho biết, chồng chị mới ngoài 40 tuổi nhưng đã mắc bệnh xơ gan do anh dùng quá nhiều rượu bia. Ban đầu, chỉ là cảm giác buồn nôn và hay đau bụng, nhưng gần đây, sức khỏe của chồng chị “xuống dốc” trầm trọng với các biểu hiện như: Vàng da, báng bụng và chân có dấu hiệu bị phù. Lo lắng cho sức khỏe của chồng, chị Hoàng đã mua thuốc giải độc gan cho chồng uống nhưng chưa thấy có hiệu quả. Mới đây, nghe người bạn mách việc uống dầu dừa đều đặn vào mỗi ngày có thể hỗ trợ điều trị bệnh xơ gan, chị quyết định thuyết phục chồng áp dụng.

Chị kể: “Tôi hay dùng dầu dừa để bôi lên da chữa nẻ, nhất là vào mùa đông, thấy da cũng mịn màng hẳn lên. Còn dùng dầu dừa để uống chữa bệnh thì tôi mới nghe đến lần đầu. Tuy nhiên, bạn tôi quả quyết rằng, cứ cho chồng tôi uống dầu dừa đều đặn, sẽ giúp anh ấy khống chế được bệnh xơ gan vì người thân của chị ấy đã áp dụng và có hiệu quả (?!). Nói thật, tôi cũng bán tín bán nghi nhưng nghĩ rằng, dầu dừa lành tính, lại rẻ, chi phí không đáng là bao nên một tuần nay, ngày nào tôi cũng cho chồng uống. Mỗi lần một chén con, chia làm hai lần, vào sáng sớm và chiều tối, trước mỗi bữa ăn”.

Chị Hoàng cho biết thêm, mới đầu, chồng chị thấy ngậy không muốn uống, nhưng vì bị chị ép nên anh cũng “nhắm mắt” uống hết “tiêu chuẩn”. Tuy nhiên, sau 2 ngày đầu uống dầu dừa, chồng chị bị khó chịu ở bụng và bắt đầu bị tiêu chảy. Thấy vậy, chị Hoàng phải cho anh ngừng, đến khi bụng trở lại bình thường mới tiếp tục uống. “Chưa biết công dụng thực sự ra sao nhưng tôi bị anh ấy trách vì khiến anh phải “canh” nhà vệ sinh mất một ngày. Tôi cố thuyết phục anh ấy uống dầu dừa thêm một thời gian nữa. Nếu không có tác dụng thì tôi sẽ ngừng sử dụng”, chị Hoàng chia sẻ.

Khác với trường hợp của vợ chồng chị Hoàng, chị Vũ Thị Vân Anh (quê Nam Định) cho biết, vài năm trước, chị bị viên gan, sau dẫn đến xơ gan. Do kinh tế khó khăn, không có nhiều tiền mua thuốc điều trị, chị được biết đến phương pháp uống dầu dừa mỗi ngày qua lời của một người trong làng. Sau khoảng 3 tháng áp dụng, chị Vân Anh thấy người bớt mệt mỏi, bụng không còn cảm giác chướng như trước và ăn uống ngon miệng hơn. Cho đến nay, chị cũng không lý giải được tác dụng “thần kỳ” của bài thuốc này.

Công dụng không như lời đồn

Trao đổi với PV về công dụng của dầu dừa, Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, trong y học cổ truyền, dầu dừa được biết đến là một trong những thực phẩm có tác dụng rất tốt trong việc làm đẹp, đặc biệt là hỗ trợ điều trị một số vấn đề về da như xóa mờ nếp nhăn, tăng cường độ đàn hồi cho da, giúp da căng bóng, chữa nứt nẻ trên da, trị mụn trứng cá… Ngoài ra, nhiều người còn sử dụng dầu dừa để massage làm dịu đi sự mệt mỏi và giảm đau nhức cho các cơ bắp. Còn đối với thông tin, uống dầu dừa có thể chữa một số loại bệnh như xơ gan, Lương y Vũ Quốc Trung khẳng định, hiện nay chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào kiểm chứng cho vấn đề trên. Riêng cá nhân ông cũng không ủng hộ việc uống dầu dừa thường xuyên vì nó có thể gây “phản tác dụng” cho người dùng.

Lương y Vũ Quốc Trung phân tích: “Trong dầu dừa chứa hàm lượng acid béo rất cao, đã bão hòa, khó tan trong nước. Vì vậy, khi vào trong cơ thể, chúng sẽ gây đầy bụng, khó tiêu. Thậm chí có các tác dụng phụ không mong muốn đối với nhiều người, nhất là những người có tiền sử bị các bệnh về đường tiêu hóa. Do đó, nếu cơ thể phải hấp thụ lượng dầu dừa lớn trong một khoảng thời gian dài sẽ gây tác hại khôn lường đối với cơ thể”.

Ngoài ra, theo Lương y Vũ Quốc Trung, do có hàm lượng chất béo cao nên nhiều người còn có thói quen lạm dụng dầu dừa trong việc nấu nướng, nhất là chiên, rán. Điều này không được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng vì dầu dừa có khả năng chịu nhiệt thấp, khi đun ở nhiệt độ cao, dầu dừa có thể biến đổi chất, không tốt đối với sức khỏe người dùng. Hơn nữa, bên cạnh việc gây đầy bụng, khó tiêu, dầu dừa không được khuyến khích đối với những người thừa cân, béo phì hoặc đang trong thời kỳ ăn kiêng. Do vậy, trong trường hợp dùng dầu dừa để nấu ăn, chỉ nên nhỏ một vài giọt dầu vào các món nấu hoặc xào để tăng độ thơm, hạn chế đun dầu dừa ở nhiệt độ quá cao.

Mặt khác, trong thành phần của dầu dừa còn có chất bôi trơn, do vậy, trước đây dầu dừa được dùng trong công nghệ chế tạo xà phòng. Xét một cách khách quan, dầu dừa là thực phẩm tương đối lành tính và có nhiều công dụng, nhưng không vì thế mà người dùng “nhầm tưởng” chúng sẽ không gây hại cho sức khỏe. Vì thế, Lương y Vũ Quốc Trung khuyến cáo, tuyệt đối không nên lạm dụng dầu dừa để chữa bệnh, nhất là việc uống trực tiếp quá nhiều dầu dừa để tránh “rước” họa vào người.

Chia sẻ với PV về phương pháp điều trị bệnh xơ gan, ThS.BS Nguyễn Ngọc Đại Lâm, Phó Trưởng khoa Gan mật (Bệnh viện E) cho biết, hiện nay, chưa có thông tin chính thống nào xác minh việc uống dầu dừa có tác dụng chữa bệnh xơ gan. Đó là bài thuốc được lưu truyền trong dân gian, có thể có tác dụng với người này nhưng đôi khi lại gây hại cho người khác. Do vậy, người dùng nên cẩn trọng trước khi áp dụng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo: Để phòng chống bệnh xơ gan, mọi người, nhất là nam giới phải hạn chế uống rượu bia và các chất kích thích khác. Khi thấy có dấu hiệu của việc đầy bụng, khó tiêu hoặc chức năng tiêu hóa kém, cần đến các cơ sở y tế để được các bác sỹ khám và lên phác đồ điều trị kịp thời.

Với những trường hợp bị viêm gan do virus dẫn đến xơ gan, cần phải dùng thuốc kháng virus. Để điều trị xơ gan hiệu quả, cần tuân thủ theo hướng dẫn của các bác sỹ có chuyên môn, tuyệt đối không tùy tiện áp dụng các bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc và chưa được kiểm chứng để chữa bệnh vì có thể khiến bệnh ngày càng trầm trọng thêm.

Mai Thùy/Báo Gia đình & Xã hội

Nguồn: giadinh.net.vn

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận