Phục hồi chức năng cho trẻ giảm thính lực

1. Nghe kém, giảm thính lực là gì?

Trẻ có khó khăn về nghe (nghĩa là bị nghe kém hoặc điếc) là trẻ bị giảm ít nhiều hoặc toàn bộ sức nghe, khiến trẻ không nghe được ở khoảng cách và với cường độ âm thanh bình thường.

2. Những khó khăn của trẻ bị nghe kém

Giao tiếp

Trẻ nghe kém thường không bắt kịp vào các cuộc nói chuyện đang diễn ra xung quanh. Do nghe không rõ ràng và hiểu không thấu đáo ý nghĩa của cuộc nói chuyện, trẻ thường ngơ ngác khi được hỏi. Trẻ hay hỏi lại người đối thoại. Nếu bị điếc, trẻ hoàn toàn phải sử dụng dấu và cử chỉ để giao tiếp. Đây là khó khăn đối với mọi người xung quanh vì phải học dấu để giao tiếp với trẻ.

Học hành

Vì trẻ không nghe được như bình thường nên việc nghe giảng rất khó khăn, dẫn tới các trở ngại trong học tập. Mặc dù trẻ bị giảm thính lực có thể học lớp hoà nhập với các trẻ bình thường khác, nhưng giáo viên, các trẻ khác cũng cần học giao tiếp bằng dấu và chữ cái ngón tay với trẻ. Các môn học như văn học, Tiếng Việt, Sử, Địa… cần nghe nói và viết nhiều nên trẻ thường gặp khó khăn. Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, không có đủ giáo viên và giáo viên cũng không đủ thời gian để kèm thêm cho trẻ. Những điều này càng gây khó khăn cho trẻ trong học tập. Để các trẻ em khác có thể giao tiếp tốt hơn với trẻ, giáo viên cần làm một bảng chữ cái ngón tay treo ở một bên cạnh bảng đen. Mọi người trong lớp học và trong gia đình trẻ cần học cách giao tiếp này.

Xã hội

Trẻ bị giảm thính lực thường bị hạn chế trong quan hệ xã hội và kết bạn, giao lưu do khó khăn về giao tiếp. Cộng tác viên nên lưu ý cha mẹ trẻ về điều này, hãy để một vài bạn khác hỗ trợ trẻ trong các hoạt động chơi nhóm. Đối với trẻ muốn tham gia chơi nhóm cần hiểu được luật chơi và những quy định thưởng phạt. Cần để vài bạn giải thích kỹ cho trẻ về việc này.

Việc hướng nghiệp cho trẻ cần lưu tâm tới những nghề ít cần giao tiếp. Những trẻ bị giảm thính lực có khả năng quan sát bằng mắt tốt, thực hành bằng tay chân khéo léo. Do vậy, trẻ học dễ dàng hơn nhưng nghề thủ công, may thêu đan, sản xuất đồ mỹ nghệ… Trẻ cũng có thể học các nghề múa, kịch câm, nhào lộn, nặn, ảo thuật… Triển vọng học nghề đối với những trẻ này rất đa dạng và khá dễ dàng.

Tâm lý

Đối với trẻ bị giảm thính lực ở độ tuổi nhỏ, những trở ngại tâm lý chủ yếu liên quan đến giao tiếp. Do khó thể hiện được nhu cầu hoặc vì bất lực không hiểu những điều người xung quanh mong muốn, trẻ có thể cáu gắt, hay nổi khùng, dễ gây gổ… Trẻ em ở độ tuổi thiếu niên còn có thể bị mặc cảm, tự ti, ngại giao tiếp, tránh chỗ có người lạ… Cha mẹ và giáo viên cần tìm hiểu những thay đổi và những biểu hiện tâm lý của trẻ để giúp trẻ.

3. Nguyên nhân khó khăn về nghe/ đề phòng

Gồm các nguyên nhân xảy ra trước, trong và sau khi sinh:

Untitled

Khi trẻ bị mắc các bệnh kể trên, nếu thấy các dấu hiệu nghe kém, chảy mủ tai hoặc đau trong tai cần đưa trẻ đến khám và chữa ở chuyên khoa tai mũi họng.

4. Các dấu hiệu phát hiện sớm trẻ nghe kém

  • Trẻ không bị giật mình, không quay đầu về phía tiếng động.
  • Trẻ học nói muộn, hoặc dửng dưng trước mọi âm thanh.
  • Trẻ ngơ ngác khi nghe nói chuyện.
  • Nói ngọng.
  • Nhìn miệng để đoán từ.

Nếu nghi ngờ trẻ bị nghe kém, hãy thử kiểm tra khả năng nghe của trẻ theo một số cách sau:

Cách kiểm tra khả năng nghe của trẻ 6 tháng đến 3 tuổi

  • Để trẻ nằm ngửa trên giường, người thử đứng ở phía đầu trẻ, cách nửa mét.
  • Vỗ tay, hoặc lắc xúc xắc… để phát ra tiếng động. Xem trẻ có quay đầu về hướng đó không.
  • Làm lại 3 lần.

Kiểm tra khả năng nghe của trẻ trên 3 tuổi

Để trẻ ngồi quay lưng lại người thử, lần lượt bịt từng bên tai và hướng về bên đối diện nói từng từ đơn, cường độ nói bình thường để trẻ nhắc lại. Nếu trẻ nhắc lại 4 – 5 lần đều đúng có thể coi sức nghe bình thường. Làm lại với tai bên đối diện.

Nếu phát hiện trẻ nói sai, hoặc không nhắc lại được các âm thanh lời nói, cần cho trẻ đến Bệnh viện Tỉnh hoặc Bệnh viện Tai mũi Họng Trung ương để đo thính lực.

Đo thính lực

Mục đích

  • Đánh giá sức nghe của trẻ một cách chính xác.
  • Tìm hiểu nguyên nhân giảm thính lực của trẻ.
  • Chọn lựa phương pháp khắc phục: cho trẻ đeo máy trợ thính hay phẫu thuật.
  • Chọn lựa loại máy trợ thính cho phù hợp.

5. Giúp đỡ trẻ nghe kém

5.1 Nguyên tắc chung

Phải tiếp tục giao tiếp với trẻ như bình thường ngay cả khi bạn biết rằng trẻ nghe kém hoặc điếc hoàn toàn.

5.2. Dạy trẻ nghe kém mức độ nhẹ

  • Nếu trẻ nghe kém (điếc nhẹ), cần sắp xếp cho trẻ ngồi vị trí thuận lợi trong lớp. Vị trí đó ở phía đầu lớp học, hướng tai nghe tốt hơn về phía giữa lớp. Giáo viên cần nói to và rõ hơn khi giao tiếp với trẻ, để trẻ có thể quan sát miệng cô rõ hơn…
  • Vị trí của người nói đến trẻ: càng gần càng tốt. Tai nghe tốt hơn của trẻ nên hướng về phía người nói. Đặc biệt ở trong lớp học, nên cho trẻ ngồi đầu lớp để nghe được lời nói của giáo viên tốt hơn. ở nhà hay ở lớp học hoà nhập, giáo viên cần nói chuyện với trẻ kết hợp với ra hiệu, dùng nét mặt và để trẻ quan sát miệng người đối thoại.

5.3. Cách dạy trẻ nghe kém và điếc nặng giao tiếp

Trẻ nghe kém đeo máy trợ thính vẫn có thể học nói được. Tuy nhiên, các hình thức giao tiếp không lời vẫn quan trọng hơn. Người lớn cần dạy trẻ giao tiếp bằng các hình thức không lời: như dùng ánh mắt, nét mặt, tư thế cơ thể, hình miệng…

Hình miệng: là các tư thế và cử động cuả miệng khi nói. Đọc hình miệng rất quan trọng đối với trẻ điếc. Nó giúp trẻ đoán được nội dung phát ngôn khi nói chuyện. Do vậy, người lớn khi nói với trẻ cần nói chậm hơn, dùng câu ngắn hơn để trẻ quan sát được mặt người đối thoại. Nên bắt đầu dạy trẻ bằng những từ đơn có các âm môi, và cử động miệng rõ. Chẳng hạn: “bố”, “mẹ”, “bóng”, “mũ”…

Chọn hai vật có từ mà cử động môi khác nhau như: “áo” và “bánh”. Lần lượt giới thiệu từng vật cho trẻ. Sau đó chỉ nói mà không nhìn vào vật, để trẻ chỉ hoặc cầm lấy vật đó. Làm lại vài lần và đổi các vật khác.

Đặt tay trẻ lên miệng người lớn để trẻ cảm nhận được hơi từ miệng và mũi thở ra khi nói. Chẳng hạn hai từ “ má” và “bà” có cử động miệng giống nhau. Cần để trẻ đặt tay lên gần miệng, mũi người lớn để trẻ phân biệt được hơi qua miệng và hơi qua mũi như thế nào.

Dùng dấu: là dùng cử động của hai bàn tay, các ngón tay để giao tiếp. Cả trẻ và người lớn đều cần học dấu để có thể giao tiếp với nhau.

– Cách dạy trẻ dùng dấu:

  • Để hai vật cạnh nhau.
  • Lần lượt chỉ vào từng vật và làm dấu về vật đó.
  • Yêu cầu trẻ đưa một vật cho bạn khi bạn làm dấu về vật đó. Rồi để trẻ làm dấu, bạn đưa trẻ vật trẻ muốn.

– Dấu có thể chia thành nhiều bộ khác nhau theo các chủ đề:

  • Dấu về đại từ nhân xưng: mẹ, bố, anh, chị, em trai, em gái…
  • Dấu về thức ăn: cơm, bún, phở, cháo, mì, bánh mì, mì tôm…
  • Các đồ dùng: bàn, ghế, giường, tủ, tivi, quạt, đèn, bát, đĩa, chậu…
  • Các con vật trong nhà: mèo, chó, gà, vịt, ngỗng, trâu, dê, bò…

Các dấu được mô tả bằng hình vẽ hoặc được quay video. Gia đình trẻ, giáo viên và những người xung quanh cần học theo theo dấu đó và sử dụng dấu khi giao tiếp với trẻ.

Ví dụ về một số dấu được mô tả bằng hình vẽ:

untitled

– Chữ cái ngón tay: là những cử động của các ngón tay để mô tả các chữ cái Việt. Khi giao tiếp, trẻ dùng các ngón tay để ghép chúng lại thành câu. Chữ cái ngón tay tiếng Việt, được dùng để dạy trẻ giảm thính lực khi chúng bắt đầu tới trường và học chữ.

Cách dạy chữ cái ngón tay cho trẻ đang học chữ

– Viết một chữ cái.

– Làm dấu ngón tay thể hiện chữ cái đó.

– Yêu cầu trẻ làm dấu ngón tay.

– Rồi yêu cầu trẻ viết chữ cái đó.

– Sau cùng, làm dấu chữ cái ngón tay để trẻ viết.

Huấn luyện trẻ nghe:

Dù trẻ bị nghe kém, giao tiếp chủ yếu bằng kỹ năng không lời, nhưng việc học nghe và nói vẫn cần được duy trì như một phương pháp giao tiếp quan trọng. Việc luyện nghe cho trẻ cần được tiến hành qua các bước sau:

– Tập nghe để phát hiện ra âm thanh: Nên để trẻ không nhìn thấy nơi phát ra âm thanh. Dùng xúc xắc, chuông hoặc kèn… tạo ra tiếng động. Khi ấy, khuyến khích trẻ quay về phía có tiếng động.

Có thể chơi trò “tìm tiếng động” với trẻ. Để trẻ đứng giữa, đội mũ hoặc trùm khăn kín đầu. Xung quanh trẻ có 3-4 người, 1 người trong số đó lắc vật, đố trẻ tìm xem ai phát ra âm thanh? Có thể thưởng cho trẻ khi trẻ tìm đúng. Đổi chỗ cho trẻ.

Khi trẻ đã dễ dàng tìm đúng vị trí nơi phát ra âm thanh, có thể tạo âm thanh nhỏ hơn, ngắn hơn để trẻ tìm. Thay đổi các vật có âm thanh khác nhau.

– Phân biệt âm thanh khác nhau: Dùng vài thứ như xúc xắc, ống bơ có hòn sỏi, chuông… Để 3 thứ trước mặt trẻ. Lần lượt giới thiệu âm thanh khi lắc các vật đó gây nên. Để trẻ chỉ vào vật khi ta lắc vật đó. Sau đó che mắt trẻ bằng tấm bìa. Lắc vật và bảo trẻ chỉ vào vật đó. Đổi lượt chơi với trẻ. Nếu trẻ làm đúng vài lần, có thể thưởng cho trẻ chơi gì đó mà trẻ thích; chẳng hạn: búp bê, xếp hình…

– Phân biệt lời nói: Để vài vật trước mặt trẻ, ví dụ: bát, thìa, cốc… Che miệng và nói tên một vật. Chú ý không nhìn vào vật đó khi nói. Yêu cầu trẻ chỉ vào vật đó.

– Đổi lượt với trẻ. Để trẻ nói, người lớn chỉ tay vào vật.

– Lúc đầu nói to, sau có thể nói nhỏ hơn. Cố gắng không quát lên khi nói với trẻ.

Huấn luyện trẻ nói

– Dạy trẻ tạo âm thanh khác nhau: Trẻ em dưới 1 tuổi có thể bắt đầu bằng tạo các âm thanh khác nhau. Dùng các nguyên âm như: “a” hay “i” kết hợp với các thanh ngang, thanh huyền, sắc trước, sau đó tới thanh nặng, hỏi, ngã.

Để trẻ bắt chước các âm đó. Làm lại nhiều lần. Hãy biến hoạt động này thành trò chơi, chơi và tạo âm thanh khác nhau một cách hứng thú. Lần lượt người lớn nói rồi đến lượt trẻ nói.

– Dạy trẻ nói các từ đơn Khi trẻ được khoảng 1 tuổi nên bắt đầu dạy trẻ nói các từ đơn. Bắt đầu nên chọn từ dễ, là các từ kết thúc bằng nguyên âm như: ba, mẹ, vào, đi… Những từ dễ bắt chước đối với trẻ là những từ có cử động môi rõ, kéo dài được. Nên dạy những từ mà trẻ thường dùng hàng ngày thì càng tốt. Ví dụ: tên của người thân, của các con vật trong nhà, tên gọi món ăn yêu thích của trẻ…

– Dạy cho trẻ càng nhiều từ đơn càng tốt. Sau đó, dạy các từ khó hơn, từ bắt đầu bằng các âm “t, đ, s,x ch…”. Ví dụ: “chó, tủ, dao, gà… ” Muốn dạy trẻ học nhiều từ, cần sử dụng đồ vật hoặc tranh để dạy. Khi dạy, hãy kết hợp 1tranh với 1dấu gắn với1 từ đơn. – Dạy nói câu ngắn rồi câu dài hơn: Khi trẻ có vốn từ khá hơn, có thể nối các từ thành câu ngắn 2-3 từ. Nên nói chậm vừa phải để trẻ quan sát cử động miệng. Nhưng không nói chậm quá, khiến trẻ không nối được thành câu. Trong trường hợp trẻ điếc nặng, đeo máy trợ thính và các biện pháp hỗ trợ kể trên có thể ít hiệu quả trong việc giúp trẻ nói nhưng vẫn là phương pháp giao tiếp rất tốt. Trẻ sẽ giao tiếp chủ yếu bằng các kỹ năng không lời. Một số trường hợp có điều kiện kinh tế cao có thể cho trẻ cấy điện cực ốc tai ngay từ nhỏ và luyện nghe nói. Khi ấy trẻ vẫn có cơ hội giao tiếp bình thường như các trẻ khác.

5.3 Phương tiện tiếp cận

Máy trợ thính

Trẻ điếc vẫn cần được đeo máy trợ thính thường xuyên và ngay từ nhỏ để tiếp tục học nghe nói. Máy trợ thính có nhiều loại khác nhau: máy đeo sau tai hoặc máy trong vành tai, máy trong ống tai…

Cấu tạo của máy trợ thính

Máy trợ thính trong ống tai Máy trợ thính về mặt cấu tạo lần lượt gồm 4 phần chính: micro, bộ phận khuyếch đại âm, bộ phận nhận âm và pin. Gần với màng nhĩ nhất là micro. Khoang chứa pin ở phía ngoài cùng.

Sử dụng máy trợ thính

Sử dụng tương đối đơn giản. Trên máy có núm bật- tắt, có thể xoay núm để tắt hoặc bật máy. Có một cửa sổ nhỏ để mở lấy pin ra hoặc thay pin. Ngoài ra, một số máy còn có núm điều chỉnh cường độ âm. Khi cần có thể tăng hoặc giảm cường độ âm thanh.

Lắp máy trợ thính

Để lắp máy trợ thính, việc đầu tiên cần làm là làm núm tai theo khuôn ống tai người bệnh. Người ta đặt một chút bông vào ống tai người bệnh để vật liệu khuôn không tiếp xúc với màng nhĩ. Sau đó, bơm vật liệu dẻo, mềm vào ống tai. Đợi vài phút cho vật liệu đó khô, cứng lại thì rút ra. Khuôn tai đó được đưa tới xưởng để làm núm tai hoặc máy trong tai theo kích thước có sẵn.

Mục đích đeo máy trợ thính đối với người điếc

Máy trợ thính sẽ giúp tăng cường chức năng nghe cho người bị điếc. Mặt khác, cường độ âm thanh của máy trợ thính không được gây hại hoặc khó chịu thêm cho người sử dụng. Âm thanh có cường độ lớn có thể gây hại cho tai.

Bảo dưỡng máy

Hàng ngày, người đeo máy cần kiểm tra lại nguồn xem pin còn đủ mạnh không. Có thiết bị để đo, thuận tiện cho người sử dụng. Ngoài ra, cần làm sạch ráy tai bám ở bên ngoài của máy. Máy được giữ khô ráo, không được để ẩm hoặc nhúng vào nước. Nếu có trục trặc của máy nghe, cần đưa cho chuyên gia thính học để sửa lại.

5.4 Can thiệp về phương diện xã hội

– Vui chơi: trẻ có khó khăn về nghe nói cần có nhiều cơ hội giao tiếp thông qua vui chơi với trẻ khác. Các hoạt động chơi đóng vai, chơi nhóm là hết sức cần thiết giúp trẻ hoà nhập cộng đồng.

– Câu lạc bộ/Hội người khuyết tật/Hội khác: Sinh hoạt của người lớn bị điếc câm trong tổ chức của họ là một hoạt động không thể thiếu được. Nhờ đó, trẻ em và người lớn có khả năng trao đổi thông tin, giao tiếp bằng ngôn ngữ tổng hợp, dấu. Hội người điếc câm có tiếng nói đại diện và bảo vệ quyền lợi cho họ trước cộng đồng và xã hội.

 

 

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận