KỸ THUẬT BĂNG NẸP BẢO VỆ BÀN TAY CHỨC NĂNG TRONG LIỆT TỨ CHI
I.ĐẠI CƯƠNG
– Bàn tay chức năng: Duỗi thụ động hoặc chủ động cổ tay đưa đến căng thụ động của các cơ gập các ngón do đó đưa đến bàn tay nắm lại dưới dạng nắm tay.
– Tác dụng cuả bàn tay chức năng: Giúp người bệnh nắm được vật thô và kẹp bên.
– Bàn tay chức năng thụ động (C5)
+ Cổ tay duỗi (thụ động; thông qua động tác sấp/ngửa cẳng tay/nhờ trọng lực) làm cho các ngón tay gấp lại.
+ Cổ tay gấp (thụ động; nhờ trọng lực) làm cho bàn tay mở ra.
– Bàn tay chức năng chủ động (C6/C7)
+ Cổ tay duỗi (chủ động) làm cho các ngón tay gập lại.
+ Cổ tay gấp (thụ động) làm cho bàn tay mở ra.
– Hình dạng bàn tay chức năng (bàn tay sinh hoạt) là một bàn tay mà các ngón gập lại và bụng ngón cái đặt sát vào ngón trỏ
– Băng nẹp để tạo ra bàn tay chức năng là điều rất cần thiết giúp bảo vệ bàn tay
II.CHỈ ĐỊNH
Tùy theo mức thử cơ của người bệnh liệt tứ chi do tổn thương tủy
1.Băng bàn tay chức năng với nẹp
– C4: Nếu dự đoán có phục hồi cơ nhị đầu. Chắc chắn là có thể tạo bàn tay chức năng theo thời gian (mặc dù rất hiếm)
– C5: Cơ nhị đầu bậc 1 trở lên, liệt hoặc yếu cơ duỗi cổ tay, không có chi phối thần kinh cơ ngón tay
– C6: Cơ duỗi cổ tay nhỏ hơn 3 (nếu bậc cơ 3-4, chỉ cần đeo nẹp ban đêm), không có chi phối thần kinh của ngón tay
2.Băng bàn tay chức năng không có nẹp
– C6: Cơ duỗi cổ tay 3-4, không có chi phối thần kinh ngón tay
– C7: Không có chi phối các cơ gấp ngón tay
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Người bệnh tổn thương tủy từ C8 trở xuống
IV.CHUẨN BỊ
1.Người thực hiện: Bác sĩ, kỹ thuật viên hoạt động trị liệu hiểu và giải thích được cho người bệnh rõ về cách sử dụng băng, nẹp.
2.Phương tiện
Băng chun, băng keo, nẹp nhựa cổ tay phù hợp với người bệnh.
3.Người bệnh
– Được giải thích về mục đích, phạm vi, mức độ, thời gian, kỹ thuật đeo băng nẹp.
– Người bệnh phải đồng ý sử dụng dụng cụ và hiểu cách sử dụng.
4.Hồ sơ bệnh án: chẩn đoán bệnh, chẩn đoán chức năng, phát hiện đánh giá và theo dõi kết quả tập.
V.CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1.Băng bàn tay chức năng với nẹp
1.1.Tư thế
– Cổ tay: Duỗi 30 độ
– Ngón cái: khớp bàn ngón 0-30 độ, khớp liên đốt 0 độ
– Các ngón dài: Khớp bàn ngón 90 độ, khớp liên đốt gần 90 độ, liên đốt xa 0 độ
1.2. Thời gian đặt tư thế
Đặt tư thế cho các ngón tay thường được thực hiện 3 tháng sau khi bị chấn thương, 24giờ/24.
2.Băng bàn tay chức năng không có nẹp
2.1. Tư thế
– Cổ tay: tự do
– Ngón cái: Khớp bàn ngón gấp 0-30 độ, khớp liên đốt 0 độ. Ngón cái phải chạm gần với khớp liên đốt gần ngón chỏ.
– Các ngón dài: Khớp bàn ngón, liên đốt gần gấp 90 độ. Khớp liên đốt xa 0 độ
– Ngón cái: Nếu ngón cái không tự động chạm vào ngón trỏ, dùng băng keo dán lại.
2.2.Thời điểm: Khoảng 3 tháng đầu sau chấn thương
VI.THEO DÕI
– Nếu thấy đỏ da, đau ở các điểm tỳ đè thì cần kiểm tra, chỉnh sửa lại cho phù hợp.
– Nếu đeo băng nẹp không đúng có thể xuất hiện co rút cơ.
VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
– Đỏ da, loét do tì đè, đau giữa dụng cụ và vùng da tiếp xúc: Tránh tiếp tục tì đè lên vết đỏ da, loét do tì đè. Chỉnh sửa lại cho phù hợp.
– Co rút cơ: tập kéo giãn, đeo lại băng nẹp cho đúng vị trí.