Betaloc làm giảm hoặc ức chế tác động giao cảm lên tim của các catecholamine. Điều này có nghĩa là sự tăng nhịp tim, cung lượng tim, co bóp cơ tim và huyết áp do tăng nồng độ các catecholamine sẽ giảm đi bởi metoprolol.
Thuốc Betaloc: thuốc điều trị huyết áp đau ngực và rối loạn nhịp tim
Thành phần
Mỗi viên: Metoprolol tartrate 50mg.
Mô tả
Viên nén Betaloc 50mg có màu trắng hoặc trắng nhạt, hình tròn, đường kính 8 mm, có rãnh ở hai mặt và khắc A/BB ở một mặt.
Đường khắc rãnh giúp dễ bẻ để thuận tiện nuốt khi uống thuốc và không phải để chia thành các liều bằng nhau.
Dược lực học
Metoprolol là chất ức chế bêta chọn lọc bêta-1, nghĩa là ức chế các thụ thể bêta-1 ở liều thấp hơn nhiều so với liều cần thiết để ức chế các thụ thể bêta-2.
Metoprolol có hoạt tính ổn định màng không đáng kể và không có hoạt tính giao cảm nội tại từng phần.
Metoprolol làm giảm hoặc ức chế tác động giao cảm lên tim của các catecholamine (các chất này được phóng thích khi có chấn động (stress) về tâm sinh lý). Điều này có nghĩa là sự tăng nhịp tim, cung lượng tim, co bóp cơ tim và huyết áp do tăng nồng độ các catecholamine sẽ giảm đi bởi metoprolol. Khi nồng độ adrenaline nội sinh cao thì metoprolol ít ảnh hưởng đến sự kiểm soát huyết áp hơn so với các thuốc ức chế bêta không chọn lọc.
Khi bắt buộc, Betaloc có thể dùng kết hợp với một thuốc chủ vận bêta-2 cho các bệnh nhân có các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn. Khi dùng chung với thuốc chủ vận bêta-2, Betaloc ở liều điều trị ít tác động lên sự giãn phế quản do thuốc chủ vận bêta-2 hơn so với các chất ức chế bêta không chọn lọc.
Metoprolol ít ảnh hưởng lên sự phóng thích insulin và chuyển hóa carbohydrat so với các thuốc ức chế bêta không chọn lọc.
Metoprolol cũng ít ảnh hưởng đến sự đáp ứng của tim mạch đối với hạ đường huyết so với các thuốc ức chế bêta không chọn lọc.
Những nghiên cứu ngắn hạn cho thấy metoprolol có thể làm tăng nhẹ triglyceride và giảm axít béo tự do trong máu. Trong vài trường hợp, tỉ lệ lipoprotein tỉ trọng cao (HDL) có thể giảm nhẹ, tuy nhiên ở mức độ ít hơn khi dùng chất ức chế bêta không chọn lọc. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu thực hiện qua nhiều năm cho thấy sau khi điều trị bằng metoprolol thì nồng độ cholesterol toàn phần trong huyết thanh giảm đáng kể.
Trong suốt thời gian điều trị bằng Betaloc, chất lượng cuộc sống được duy trì và cải thiện.
Sự cải thiện chất lượng cuộc sống được ghi nhận sau khi điều trị với metoprolol cho các bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim.
Dược động học
Hấp thu và phân bố
Betaloc được hấp thu hoàn toàn sau khi uống. Ở khoảng liều điều trị, nồng độ thuốc trong huyết tương tăng tuyến tính theo liều dùng. Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được sau khoảng 1,5-2 giờ. Mặc dù nồng độ thuốc trong huyết tương sẽ thay đổi theo từng cá nhân, chúng vẫn chứng tỏ tính tương tự cho mỗi cá nhân.
Do tác dụng chuyển hóa lần đầu qua gan mạnh, sinh khả dụng toàn thân của metoprolol sau khi uống liều duy nhất khoảng 50%. Sau khi dùng liều lặp lại, sinh khả dụng toàn thân tăng đến khoảng 70%. Thức ăn có thể làm tăng sinh khả dụng toàn thân của liều uống khoảng 30-40%. Metoprolol kết hợp với protein huyết tương thấp, khoảng 5-10%.
Chuyển hóa và đào thải
Metoprolol chuyển hoá ở gan bằng sự oxi hoá chủ yếu bởi isoenzyme CYP2D6. Ba chất chuyển hóa chính đã được xác định và không có chất nào có hoạt tính ức chế bêta quan trọng về mặt lâm sàng.
Trên 95% liều dùng được tìm thấy trong nước tiểu. Khoảng 5% liều dùng bài tiết qua nước tiểu dưới dạng không đổi, tỉ lệ này tăng lên 30% trong vài trường hợp. Thời gian bán thải của metoprolol trong huyết tương trung bình là 3,5 giờ (từ 1-9 giờ). Độ thanh thải toàn phần khoảng 1 lít/phút.
Không có sự thay đổi đáng kể về mặt dược động học của metoprolol ở người lớn tuổi so với người trưởng thành. Sinh khả dụng toàn thân và sự đào thải metoprolol không đổi ở bệnh nhân giảm chức năng thận. Tuy nhiên, sự bài tiết các chất chuyển hoá giảm. Các chất chuyển hoá tích lũy đáng kể ở những bệnh nhân có độ lọc cầu thận (GFR) <5 mL/phút. Tuy nhiên, sự tích lũy các chất này không làm tăng tác dụng ức chế bêta.
Do kết hợp với protein thấp, dược động học của metoprolol ít bị ảnh hưởng bởi sự giảm chức năng gan. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân xơ gan nặng và có thông nối tĩnh mạch cửa chủ, sinh khả dụng của metoprolol có thể tăng và độ thanh thải toàn phần giảm.
Ở những bệnh nhân thông nối tĩnh mạch cửa chủ có độ thanh thải toàn phần khoảng 0,3 lít/phút và diện tích dưới đường cong biểu diễn nồng độ trong huyết tương (AUC) tăng lên gấp 6 lần so với người khỏe mạnh.
Chỉ định và công dụng
Tăng huyết áp: làm giảm huyết áp, giảm tỉ lệ bệnh và giảm nguy cơ tử vong do tim mạch và bệnh mạch vành (kể cả đột tử).
Điều trị dự phòng cơn đau thắt ngực.
Điều trị một số rối loạn nhịp tim nhanh: nhịp nhanh trên thất (nhịp nhanh, rung nhĩ và cuồng động nhĩ, nhịp nhanh bộ nối) hoặc nhịp nhanh thất (nhịp nhanh thất, nhịp nhanh thất kịch phát).
Điều trị duy trì sau nhồi máu cơ tim.
Điều trị rối loạn chức năng tim có kèm đánh trống ngực.
Liều lượng và cách dùng
Nuốt nguyên viên, uống thuốc cùng hoặc ngay sau khi ăn, uống cùng bữa ăn làm tăng sinh khả dụng của thuốc.
Tăng huyết áp
Liều khuyến cáo cho bệnh nhân tăng huyết áp là 100-200 mg/ngày, một lần vào buổi sáng hoặc chia làm 2 lần sáng và tối. Nếu cần, có thể tăng liều hoặc kết hợp với các thuốc điều trị tăng huyết áp khác.
Điều trị tăng huyết áp dài hạn với Betaloc ở liều hàng ngày 100-200 mg đã chứng tỏ giảm tỷ lệ tử vong gồm cả tử vong do tai biến tim mạch, đột quỵ và biến cố mạch vành trên bệnh nhân tăng huyết áp.
Điều trị dự phòng cơn đau thắt ngực
Liều khuyến cáo là 100-200 mg/ngày, chia làm hai lần sáng và tối. Nếu cần, có thể kết hợp với các thuốc chống đau thắt ngực khác.
Rối loạn nhịp tim
Liều khuyến cáo là 100-200 mg/ngày, chia làm hai lần sáng và tối. Nếu cần, có thể kết hợp với các thuốc chống loạn nhịp tim khác.
Điều trị duy trì sau nhồi máu cơ tim
Điều trị đường uống dài hạn với Betaloc ở liều 200 mg/ngày, chia làm 2 lần sáng và tối đã chứng tỏ làm giảm nguy cơ tử vong (kể cả đột tử) và giảm nguy cơ tái nhồi máu cơ tim (kể cả bệnh nhân đái tháo đường).
Rối loạn chức năng tim kèm đánh trống ngực
Liều khuyến cáo là 100 mg, ngày 1 lần vào buổi sáng. Nếu cần, liều có thể tăng lên 200 mg.
Suy chức năng thận: Không cần điều chỉnh liều cho bệnh nhân suy thận.
Suy chức năng gan: Thường không cần điều chỉnh liều cho các bệnh nhân xơ gan vì metoprolol gắn kết với protein thấp (5-10%). Khi có các dấu hiệu suy chức năng gan trầm trọng (ví dụ: bệnh nhân có shunt nối) nên xem xét việc giảm liều.
Người cao tuổi: Không cần điều chỉnh liều cho các bệnh nhân cao tuổi.
Trẻ em: Kinh nghiệm dùng Betaloc cho trẻ em còn giới hạn.
Thận trọng lúc dùng
Ngừng thuốc đột ngột
Tránh ngưng thuốc đột ngột, đặc biệt trên những bệnh nhân bệnh tim thiếu máu cục bộ. Nên giảm liều từ từ trong khoảng thời gian một đến hai tuần. Nên bắt đầu áp dụng phương pháp điều trị thay thế cùng thời điểm (trong suốt thời gian ngừng thuốc từ từ), nếu cần, để ngăn ngừa cơn đau thắt ngực trầm trọng hơn.
Hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẹn mãn tính
Chỉ dùng thuốc ức chế bêta trong trường hợp nhẹ bằng cách lựa chọn thuốc ức chế chọn lọc bêta-1 với liều khởi đầu thấp. Trước khi bắt đầu điều trị, khuyến cáo nên thực hiện các thử nghiệm về chức năng hô hấp. Trường hợp xuất hiện cơn hen ác tính và đợt cấp bệnh phổi tắc nghẹn mãn tính trong quá trình điều trị, có thể sử dụng thuốc giãn phế quản đồng vận bêta.
Suy tim
Ở bệnh nhân suy tim được kiểm soát bằng điều trị và trong những trường hợp cần thiết, có thể dùng metoprolol với liều tăng từ từ dưới sự giám sát y khoa chặt chẽ.
Nhịp tim chậm
Nên giảm liều nếu nhịp tim <50-55 nhịp/phút lúc nghỉ ngơi và bệnh nhân có những triệu chứng của nhịp tim chậm.
Blốc nhĩ thất độ 1
Thận trọng dùng thuốc ức chế bêta cho bệnh nhân blốc nhĩ thất độ 1 vì làm giảm vận tốc dẫn truyền của nút nhĩ-thất.
Đau thắt ngực Prinzmetal
Các thuốc chẹn bêta có thể làm tăng số lần và khoảng thời gian của cơn đau thắt ngực trên bệnh nhân đau thắt ngực Prinzmetal. Ở dạng phối hợp và quy mô nhỏ, có thể dùng đồng thời thuốc ức chế bêta 1 chọn lọc lên tim với một thuốc giãn mạch.
Rối loạn động mạch ngoại biên
Ở bệnh nhân rối loạn động mạch ngoại biên (hội chứng hay bệnh Raynaud, viêm động mạch hay bệnh tắc động mạch chi dưới mãn tính), thuốc ức chế bêta có thể làm nặng thêm những rối loạn này. Trong những trường hợp này, nên dùng thận trọng thuốc ức chế bêta chọn lọc lên tim có hoạt tính chủ vận một phần.
Bệnh nhân bị u tế bào ưa crôm của tủy thượng thận
Cần phải theo dõi chặt chẽ huyết áp khi sử dụng thuốc ức chế bêta trong điều trị tăng huyết áp do quá trình điều trị u tế bào ưa crôm của tủy thượng thận gây ra.
Người cao tuổi
Tuyệt đối tuân thủ chống chỉ định của thuốc. Khởi đầu điều trị với liều thấp và đảm bảo kiểm soát chặt chẽ.
Suy chức năng gan
Không có dữ liệu về dược động học của metoprolol trên bệnh nhân suy gan hay suy thận bị suy tim mãn tính. Vì vậy, cần tuyệt đối thận trọng khi tăng liều ở những bệnh nhân này.
Xơ gan
Sinh khả dụng của metoprolol có thể tăng do độ thanh thải giảm. Trong thực tế, nhịp tim sẽ được kiểm soát để giảm liều nếu nhịp tim chậm xảy ra quá mức (<50-55 nhịp/phút lúc nghỉ ngơi).
Đái tháo đường
Bệnh nhân nên tự kiểm soát lượng đường trong máu để ngăn chặn và duy trì ở giai đoạn đầu của quá trình điều trị.
Một số triệu chứng của hạ đường huyết có thể bị che lấp như: nhịp tim nhanh, hồi hộp và đổ mồ hôi.
Bệnh vẩy nến
Đã có báo cáo về bệnh trở nên nặng hơn khi điều trị với thuốc ức chế bêta, vì vậy, nên cân nhắc cẩn thận khi chỉ định dùng thuốc trên những bệnh nhân này.
Phản ứng dị ứng
Ở những bệnh nhân có nguy cơ xảy ra phản ứng phản vệ nghiêm trọng, bất kể lý do, đặc biệt khi dùng floctafenin hay trong suốt quá trình điều trị giảm mẫn cảm, điều trị với thuốc chẹn bêta có thể làm nặng thêm phản ứng phản vệ và gây ra đề kháng khi điều trị bằng adrenalin với liều thông thường.
Gây mê tổng quát
Thuốc ức chế bêta làm giảm nhịp tim nhanh phản xạ và tăng nguy cơ hạ huyết áp. Tiếp tục điều trị với thuốc ức chế bêta sẽ làm giảm nguy cơ loạn nhịp tim, thiếu máu cục bộ cơ tim và tăng huyết áp. Bệnh nhân nên báo cho bác sĩ gây mê biết đang sử dụng thuốc ức chế bêta.
Nếu cần thiết phải ngừng điều trị với metoprolol, ngưng dùng thuốc 48 giờ trước khi gây mê được coi là đủ cho sự tái xuất hiện tính nhạy cảm đối với catecholamin.
Không được ngưng điều trị với thuốc ức chế bêta trong một số trường hợp sau:
Bệnh nhân bị suy mạch vành nghiêm trọng nên tiếp tục điều trị đến khi phẫu thuật vì có thể xuất hiện rủi ro khi dừng đột ngột thuốc ức chế bêta.
Trường hợp khẩn cấp hay không thể ngưng dùng thuốc, để bảo vệ bệnh nhân khỏi sự kiểm soát của thần kinh phế vị, cần tái sử dụng đủ atropin khi tiền mê nếu cần. Khi gây mê nên sử dụng thuốc ức chế cơ tim càng ít càng tốt và nên bù lại lượng máu đã mất.
Cân nhắc đến rủi ro về phản ứng quá mẫn.
Nên tránh điều trị khởi đầu ngay với metoprolol cho bệnh nhân sắp được phẫu thuật ngoài tim (non-cardiac surgery). Thực tế, trong một số thử nghiệm điều trị đã quan sát thấy có sự gia tăng nguy cơ chậm nhịp tim, hạ huyết áp và đột quỵ bao gồm các nhân tố đe dọa đến tính mạng ở bệnh nhân có yếu tố nguy cơ tim mạch.
Nhiễm độc tuyến giáp
Thuốc ức chế bêta có thể che lấp một số dấu hiệu của hệ tim mạch.
Thể thao
Từ thực tế cho thấy thuốc có chứa hoạt chất có thể gây ra phản ứng dương tính với các thử nghiệm doping, vì vậy vận động viên cần chú ý.
Ảnh hưởng trên khả năng lái xe và vận hành máy móc
Bệnh nhân nên tự nhận biết phản ứng của họ đối với Betaloc trước khi lái xe hoặc sử dụng máy vì thuốc có thể gây choáng váng và mệt mỏi.
Cảnh báo
Không đột ngột ngừng điều trị ở bệnh nhân đau thắt ngực: việc dừng thuốc đột ngột có thể gây ra rối loạn nhịp tim nặng, nhồi máu cơ tim hoặc đột tử.
Thuốc có chứa lactose. Bệnh nhân bị bệnh di truyền hiếm gặp không dung nạp galactose, thiếu hụt enzym Lapp lactase hoặc kém hấp thu glucose-galactose không nên dùng thuốc này.
Không khuyến cáo dùng thuốc này phối hợp với diltiazem, fingolimod và verapamil và trong thời kỳ đang cho con bú.
Quá liều
Độc tính
Trên người trưởng thành, dùng liều 7,5 g sẽ gây ra nhiễm độc tử vong. Trên trẻ em 5 tuổi, liều 100 mg không gây triệu chứng nhiễm độc sau khi rửa dạ dày. Liều 450 mg ở trẻ 12 tuổi và 1,4 g ở người trưởng thành gây ra nhiễm độc trung bình. Liều 2,5 g gây ra nhiễm độc nghiêm trọng và liều 7,5 g gây nhiễm độc rất nghiêm trọng ở người trưởng thành.
Triệu chứng
Triệu chứng trên tim mạch là quan trọng nhất, nhưng trong một vài trường hợp, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên, triệu chứng trên thần kinh và hô hấp có thể chiếm ưu thế. Nhịp tim chậm, blốc nhĩ thất độ I-III, kéo dài quãng thời gian QT (trong vài trường hợp ngoại lệ), vô tâm thu, giảm huyết áp, tưới máu ngoại biên kém, suy tim, sốc tim. Suy hô hấp, ngưng thở. Triệu chứng khác: mệt mỏi, lú lẫn, hôn mê, run, chuột rút, đổ mồ hôi, dị cảm, co thắt phế quản, buồn nôn, ói mửa, có thể co thắt thực quản, hạ đường huyết (đặc biệt là ở trẻ em) hoặc tăng đường huyết, tăng kali máu. Ảnh hưởng trên thận. Hội chứng nhược cơ thoáng qua. Sử dụng đồng thời với rượu, thuốc điều trị tăng huyết áp, quinidin hoặc barbiturat có thể làm trầm trọng thêm tình trạng của bệnh nhân. Biểu hiện sớm của quá liều xảy ra từ 20 phút đến 2 giờ sau khi dùng thuốc.
Điều trị
Cần thực hiện chăm sóc bệnh nhân ở các cơ sở y tế có đầy đủ các thiết bị hỗ trợ phù hợp, theo dõi và giám sát.
Nếu thích hợp, có thể rửa dạ dày và/hoặc dùng than hoạt tính.
Atropin, thuốc kích thích hệ thần kinh giao cảm hoặc máy tạo nhịp tim dùng điều trị triệu chứng nhịp tim chậm và rối loạn dẫn truyền.
Đặt nội khí quản và thở máy nên được thực hiện với chỉ định rất rộng. Máy tạo nhịp tim là liệu pháp tùy chọn. Nếu ngưng tuần hoàn do quá liều, có thể cứu chữa bằng các biện pháp hồi sức trong vài giờ.
Hạ huyết áp, suy tim cấp tính và sốc được điều trị bằng việc tăng thể tích dịch cơ thể thích hợp, tiêm glucagon (nếu cần thiết, truyền tĩnh mạch glucagon sau đó), tiêm tĩnh mạch các thuốc kích thích hệ thần kinh giao cảm như dobutamin, và bổ sung thuốc chủ vận thụ thể α1 khi xảy ra giãn mạch. Có thể xem xét sử dụng dung dịch ion Ca2+ tiêm tĩnh mạch.
Điều trị triệu chứng co thắt phế quản bằng thuốc làm giãn phế quản.
Chống chỉ định
Hen suyễn nặng và bệnh phổi tắc nghẹn mãn tính nặng,
Bệnh suy tim không được kiểm soát khi điều trị,
Sốc do tim,
Blốc nhĩ thất độ 2 hoặc độ 3,
Cơn đau thắt ngực Prinzmetal (dạng đơn thuần và đơn trị liệu),
Hội chứng nút xoang bệnh lý (bao gồm blốc nút xoang),
Nhịp tim chậm (<45-50 lần/phút),
Hiện tượng Raynaud nặng và bệnh động mạch ngoại vi nặng,
U tế bào ưa crôm của tủy thượng thận không điều trị,
Hạ huyết áp,
Nhạy cảm với metoprolol,
Có tiền sử bị phản ứng phản vệ,
Không khuyến cáo dùng thuốc cho phụ nữ đang cho con bú.
Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú
Phụ nữ có thai
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy thuốc không có gây quái thai. Do không có tác dụng gây quái thai trên động vật, không xảy ra nguy cơ gây dị tật khi sử dụng trên người.
Trên thực tế, cho đến nay, trong các nghiên cứu được thực hiện cho thấy các thuốc gây dị tật khi dùng trên người đều là những thuốc gây quái thai khi sử dụng cho động vật.
Về mặt lâm sàng, không có báo cáo về tác dụng gây quái thai cho đến hiện nay, kết quả các nghiên cứu tiền cứu có kiểm chứng trên một số thuốc ức chế bêta không cho thấy có dị tật khi sinh.
Nói chung, thuốc ức chế bêta làm làm giảm tưới máu nhau thai, mà có liên quan đến sự chậm phát triển, thai chết lưu, sẩy thai và chuyển dạ sớm. Do đó, cần theo dõi cẩn thận người mẹ và thai nhi ở phụ nữ mang thai đang điều trị với metoprolol.
Đối với trẻ sơ sinh từ người mẹ trước đây đã điều trị với thuốc ức chế bêta, hoạt tính ức chế bêta vẫn tồn tại vài ngày sau khi sinh và có thể dẫn đến nhịp tim chậm, suy hô hấp, hạ đường huyết, nhưng thường thì sự tích lũy này không gây hậu quả về mặt lâm sàng.
Tuy nhiên, có thể tránh được các trường hợp suy tim cần nhập viện điều trị tích cực bằng cách giảm các phản ứng bù trừ của hệ tim mạch khi bị suy tim và đồng thời tránh truyền dịch quá mức (nguy cơ phù phổi cấp).
Vì vậy, ở điều kiện dùng thuốc bình thường, có thể dùng thuốc trong suốt thời kỳ mang thai nếu cần thiết. Trường hợp người mẹ cần phải điều trị đến khi sinh, cần phải theo dõi chặt chẽ trẻ sơ sinh (nhịp tim và đường huyết trong 3-5 ngày đầu từ khi sinh).
Phụ nữ cho con bú
Thuốc ức chế bêta được bài tiết qua sữa
Hạ đường huyết và chậm nhịp tim xuất hiện khi dùng các thuốc ức chế bêta, ít liên quan đến protein huyết thanh. Vì vậy, phụ nữ đang cho con bú không nên dùng thuốc trừ khi việc sử dụng là cần thiết.
Tương tác
Metoprolol là chất nền chuyển hóa của Cytochrome P450 isoenzyme CYP2D6. Những thuốc hoạt động như chất kích ứng men hoặc chất ức chế men có thể làm ảnh hưởng đến nồng độ metoprolol trong huyết tương. Nồng độ metoprolol trong huyết tương có thể tăng khi phối hợp với các chất chuyển hóa qua CYP2D6 như: thuốc chống loạn nhịp, kháng histamin, đối kháng thụ thể histamin-2, chống trầm cảm, thuốc an thần và ức chế COX-2. Nồng độ metoprolol trong huyết tương giảm khi dùng rifampicin và có thể tăng do rượu và hydralazine.
Cần theo dõi khi sử dụng đồng thời với các thuốc ức chế hạch giao cảm, các thuốc ức chế thụ thể bêta khác (ví dụ: thuốc nhỏ mắt) hoặc các thuốc ức chế men MAO.
Khi ngưng liệu pháp phối hợp với clonidine, nên ngưng thuốc ức chế bêta vài ngày trước khi ngưng clonidine.
Nên theo dõi tác dụng ức chế co bóp tim và làm chậm nhịp tim khi dùng kết hợp metoprolol với các thuốc chẹn kênh canxi thuộc nhóm verapamil và diltiazem và/hoặc thuốc chống loạn nhịp. Khi bệnh nhân đang dùng thuốc ức chế thụ thể bêta thì không nên tiêm tĩnh mạch thuốc chẹn kênh canxi thuộc nhóm verapamil.
Thuốc ức chế bêta có thể làm tăng tác dụng ức chế co bóp cơ tim và chậm dẫn truyền của thuốc chống loạn nhịp (nhóm quinidine và amiodarone).
Điều trị phối hợp thuốc ức chế bêta với Digitalis glycosides có thể làm tăng thời gian dẫn truyền nhĩ thất và gây chậm nhịp tim.
Ở bệnh nhân điều trị với thuốc ức chế bêta, thuốc mê đường thở làm tăng tác dụng ức chế tim.
Điều trị phối hợp với indomethacin và các thuốc ức chế men tổng hợp prostaglandin có thể làm giảm hiệu quả hạ áp của thuốc ức chế bêta.
Trong một số trường hợp khi dùng adrenaline cho các bệnh nhân được điều trị bằng thuốc ức chế bêta thì những thuốc ức chế bêta chọn lọc trên tim ít ảnh hưởng lên việc kiểm soát huyết áp hơn so với các thuốc ức chế bêta không chọn lọc.
Có thể phải chỉnh liều của thuốc điều trị tiểu đường dạng uống ở những bệnh nhân dùng thuốc ức chế bêta.
Tác dụng ngoại ý
Tóm tắt dữ liệu dung nạp thuốc
Những tác dụng không mong muốn thường nhẹ và có thể hồi phục.
Các tác dụng được báo cáo thường gặp nhất sau khi dùng thuốc là: suy nhược, chóng mặt, nhức đầu buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, táo bón, chậm nhịp tim, hạ huyết áp tư thế, hồi hộp, lạnh và khó thở.
Tác dụng không mong muốn
Những tác dụng không mong muốn quan sát thấy sau khi dùng thuốc trong các nghiên cứu lâm sàng và/hoặc sau khi thuốc lưu hành trên thị trường.
Những tác dụng này được phân loại theo hệ cơ quan và theo tần suất sử dụng quy ước như sau: rất thường gặp (≥1/10), thường gặp (≥1/100, <1/10); ít gặp (≥1/1000, <1/100); hiếm gặp (≥1/10 000, <1/1000); rất hiếm gặp (<1/10000), chưa biết (không thể ước tính từ dữ liệu có sẵn). Trong mỗi nhóm tần suất, tác dụng không mong muốn được trình bày theo thứ tự mức độ giảm dần.
Báo cáo tác dụng không mong muốn khi có nghi ngờ
Báo cáo tác dụng không mong muốn khi có nghi ngờ sau khi thuốc lưu hành là rất quan trọng. Điều này giúp tiếp tục kiểm soát sự cân bằng giữa lợi ích/rủi ro của thuốc. Nhân viên y tế được yêu cầu phải báo cáo bất kỳ nghi ngờ tác dụng không mong muốn thông qua hệ thống báo cáo quốc gia.
Bảo quản
Không bảo quản ở nhiệt độ trên 30 độ C.
Trình bày và đóng gói
Viên nén: hộp 3 vỉ x 20 viên.
Series bài viết: Thuốc gốc và biệt dược theo vần B