Adenosine


Adenosine

Adenosin khi tiêm tĩnh mạch bị mất nhanh khỏi tuần hoàn do thuốc xâm nhập vào tế bào, chủ yếu vào hồng cầu và tế bào nội mô mạch máu.

Tên chung quốc tế: Adenosine.

Loại thuốc: Thuốc chống loạn nhịp tim.

Dạng thuốc và hàm lượng

Lọ 6 mg/2 ml, 12 mg/4 ml để tiêm tĩnh mạch.

Lọ 30 mg/ml để truyền tĩnh mạch.

Dược lý và cơ chế tác dụng

Adenosin là chất chủ vận purin, tác động trên các thụ thể P1 và P2 (mặc dù thụ thể P1 nhạy với adenosin hơn). Tiêm tĩnh mạch nhanh adenosin làm chậm sự dẫn truyền qua nút nhĩ thất và làm mất nhịp nhanh kịch phát trên thất do mạch vào lại ở nút nhĩ thất (một khi mạch vào lại đã mất, nhịp nhanh ngừng và nhịp xoang bình thường sẽ phục hồi). Tác dụng dược lý của thuốc gồm giãn mạch vành, giãn mạch ngoại biên, giảm lực co cơ tim, ức chế nút xoang và dẫn truyền nút nhĩ thất. Trong nhịp nhanh trên thất, nhịp xoang phục hồi ở 85 – 95% người bệnh. Thuốc cũng có ích trong nghiên cứu điện sinh lý học để xác định vị trí của blốc nhĩ thất. Do tác dụng đặc hiệu trên nút nhĩ – thất, adenosin cũng có ích trong xác định nguyên nhân nhịp nhanh có phức bộ QRS giãn rộng.

Dược động học

Adenosin khi tiêm tĩnh mạch bị mất nhanh khỏi tuần hoàn do thuốc xâm nhập vào tế bào, chủ yếu vào hồng cầu và tế bào nội mô mạch máu. Adenosin trong tế bào chuyển hóa nhanh do phosphoryl hóa thành adenosin monophosphat nhờ adenosinkinase hoặc do khử amin thành inosin nhờ adenosin desaminase trong bào tương. Adenosin ngoài tế bào bị mất nhanh do xâm nhập vào tế bào với nửa đời dưới 10 giây trong máu toàn phần. Vì adenosin không cần có sự tham gia của chức năng gan hoặc thận để hoạt hóa hoặc bất hoạt, cho nên suy gan hoặc suy thận không có ảnh hưởng đến tính hiệu quả hoặc tính dung nạp của thuốc.

Chỉ định

Nhịp nhanh kịch phát trên thất, bao gồm cả hội chứng Wolff – Parkinson – White để chuyển nhanh về nhịp xoang.

Thuốc hỗ trợ trong kỹ thuật hiện hình tưới máu cơ tim: Adenosin dùng để làm giãn động mạch vành cùng với chụp hiện hình tưới máu cơ tim hoặc siêu âm 2 chiều để phát hiện các khiếm khuyết trong tưới máu hoặc co bóp bất thường cục bộ do bệnh động mạch vành.

Chống chỉ định

Người đã có từ trước hội chứng suy nút xoang hay blốc nhĩ thất độ hai hoặc ba mà không cấy máy tạo nhịp, do nguy cơ ngừng xoang kéo dài hoặc blốc nhĩ thất hoàn toàn.

Bệnh hen và bệnh phế quản phổi tắc nghẽn, vì có thể gây thêm co thắt phế quản.

Mẫn cảm với adenosin.

Thận trọng

Trong quá trình cắt rung nhĩ có đường dẫn truyền nhĩ thất phụ, vì có thể xung động dẫn truyền qua đó làm tim đập nhanh hơn.

Do có khả năng làm tăng nhất thời rối loạn dẫn truyền hoặc loạn nhịp tim trong cơn tim nhanh kịch phát trên thất, nên khi dùng adenosin cần có bác sĩ theo dõi điện tim và có phương tiện hồi sức tim và hô hấp.

Truyền nhỏ giọt tĩnh mạch adenosin phải thận trọng đối với người dễ bị hạ huyết áp như có rối loạn thần kinh thực vật, viêm màng ngoài tim hoặc hẹp van tim.

Thời kỳ mang thai

Adenosin là chất có sẵn ở một dạng nào đó trong tất cả các tế bào của cơ thể, do đó không có tác hại trên thai; dù sao, chỉ nên dùng khi có thai nếu thật cần thiết.

Thời kỳ cho con bú

Adenosin chỉ được dùng tiêm tĩnh mạch trong tình huống cấp tính, và nửa đời trong huyết thanh rất ngắn, vì vậy có thể không có phần thuốc nào vào sữa.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Khi tiêm adenosin vào, trước khi về hẳn nhịp xoang bình thường ổn định, loạn nhịp tim cũng có thể lại xảy ra nhưng nhất thời, như ngoại tâm thu thất, nhịp chậm xoang, blốc nhĩ thất, rung nhĩ và nhịp nhanh trên thất trở lại nhanh, thậm chí có cả đợt ngừng tim ngắn.

Các tai biến khác chỉ nhẹ và ngắn (dưới 1 phút), vì nửa đời của adenosin rất ngắn (dưới 10 giây).

Thường gặp, ADR > 1/100

Toàn thân: Nhức đầu (2%).

Tim mạch: Nóng bừng mặt (18%).

Hô hấp: Khó thở (12%), cảm giác ngực bị ép (7%).

Tiêu hóa: Buồn nôn (3%).

Thần kinh trung ương: Hơi choáng váng (2%), hoa mắt chóng mặt (1%), tê cóng (1%).

Hiếm gặp, ADR < 1/1000

Toàn thân: Khó chịu, ra mồ hôi, lo âu, cảm giác rát bỏng, có vị kim loại.

Tim mạch: Ðánh trống ngực, nhịp tim chậm, hạ huyết áp.

Hô hấp: Thở sâu nhanh, đau ngực.

Mắt: Nhìn mờ.

Xương – cơ: Ðau tay, đau chân, đau cổ và đau lưng.

Liều lượng và cách dùng

Dùng adenosin phải có bác sĩ theo dõi và có sẵn phương tiện hồi sức tim và hô hấp.

Với nhịp nhanh trên thất hoặc để chẩn đoán: Tiêm nhanh thẳng vào tĩnh mạch trong 1 – 2 giây hoặc vào dây truyền tĩnh mạch, sau đó truyền nhanh nước muối sinh lý. Liều khởi đầu là 6 mg (3 mg nếu tiêm vào tĩnh mạch trung tâm). Nếu không có hiệu quả, sau 2 phút, lại tiêm 12 mg và lặp lại nếu cần. Liều tối đa 20mg đã được dùng nhưng liều cao hơn không được khuyến cáo. Liều trung bình có hiệu quả là 1 mg khi người bệnh dùng phối hợp với dipyridamol.

Liều trẻ em: 0,05 mg/kg tiêm tĩnh mạch, cứ sau 2 phút lại tăng 0,05 mg/kg nếu cần cho đến liều tối đa 0,25 mg/kg.

Tương tác thuốc

Dipyridamol phong bế adenosin vào tế bào, nên làm tăng tác dụng của adenosin. Nếu cần phối hợp phải giảm liều adenosin.

Theophylin và các xanthin khác là những chất ức chế mạnh adenosin. Khi cần phối hợp, phải tăng liều adenosin.

Nicotin có thể tăng tác dụng tuần hoàn của adenosin.

Ðộ ổn định và bảo quản

Ðể thuốc nơi mát 15 – 300C. Tránh ánh sáng. Không để đông lạnh. Cần kiểm tra thuốc bằng mắt xem có vẩn đục hoặc biến màu trước khi dùng.

Quá liều và xử trí

Chưa thấy xảy ra trường hợp nào quá liều. Vì nửa đời của adenosin trong máu rất ngắn, nên thời gian tai biến nếu có do quá liều cũng hạn chế. Nếu tai biến kéo dài, nên dùng methylxanthin như cafein hoặc theophylin là những chất đối kháng cạnh tranh với adenosin.

Thông tin qui chế

Thuốc phải được kê đơn và bán theo đơn.

 

Series bài viết: Thuốc gốc và biệt dược theo vần A

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận