Bệnh học thoái hóa khớp

HƯ KHỚP VÀ HƯ CỘT SỐNG
Bệnh thấp khớp – NXB Y học – 2002
GS.TS. Trần Ngọc Ân

(Thoái hóa khớp)

ĐẠI CƯƠNG
A. Định nghĩa:
Hư khớp hay thoái hóa khớp là những bệnh của khớp và cột sống mạn tính, đau và biến dạng, không có biểu hiện viêm. Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa của sụn khớp và đĩa đệm (ở cột sống), phối hợp với những thay đổi ở phần xương dưới sụn và màng hoạt dịch. Nguyên nhân chính của hư khớp là quá trình lão hóa và tình trạng chịu áp lực quá tải kéo dài của sụn khớp (và đĩa đệm).
B. Tên bệnh:
Hư khớp được biết đến và mô tả từ lâu nhưng mãi đến thế kỷ XX bệnh mới được nghiên cứu đầy đủ. Bệnh có nhiều tên gọi tùy theo từng nước và từng tác giả.
– Viêm xương khớp (Osteoarthritis) hiện quen dùng ở các nước nói tiếng Anh (tên gọi do BS người Anh A.E.Garrod đề xuất 1907).
– Bệnh xương khớp thoái hóa hay hư xương khớp (Osteoarthrose), thấp khớp thoái hóa (Rhumatisme dégénératif).
– Bệnh hư khớp hay thoái khớp.
C. Tổn thương giải phẫu bệnh:osteoarthritics
Những thay đổi về giải phẫu của hư khớp mang tính cách đặc trưng, phân biệt rõ ràng với các bệnh khớp khác.
1. Sụn khớp và đĩa đệm bình thường: có màu trắng ánh xanh, nhẵn bóng, ướt, rất cứng và chịu đàn hồi mạnh, thành phần cấu tạo gồm tế bào sụn, các sợi Collagen và chất cơ bản.
– Các tế bào sụn với số lượng ít, có nhiệm vụ tổng hợp các sợi Collagen và chất cơ bản. Các sợi collagen là những phân tử lớn acid amin có cấu tạo chuỗi dài tạo nên các sợi đan móc vào nhau thành một màng lưới dày đặc.
– Chất cơ bản có thành phần chủ yếu là Mucopolysaccharite gắn với 1 protein và gọi là Chondromucoprotein (Chondroitin và Kerato sulfat).
– Các sợi collagen vả chất cơ bản có đặc tính hút và giữ nước rất mạnh, có tác dụng điều chỉnh sự đàn hồi và chịu lực của đĩa đệm và sụn khớp.
2. Khi bị tổn thương thoái hóa: sụn khớp và đĩa đệm có màu vàng nhạt, mờ đục, khô, mềm, mất dần tính đàn hồi, mỏng và nứt rạn, có thể xuất hiện những vết loét, tổ chức sụn mất đi để lộ cả phần xương dưới sụn, nhân nhầy của đĩa đệm mất tính chất căng phồng (khi cắt ngang) mà trở nên mềm xẹp.
Về mặt vi thể thấy tế bào sụn thưa thớt, các sợi collagen gãy, đứt nhiều chỗ, cấu trúc lộn xộn, có những phần xương dưới sụn xơ hóa dày lên và có một số hốc nhỏ (do sự đứt gãy của bè xương) trong chứa chất hoạt dịch, phần diềm xương và sụn mọc những gai xương. Những thay đổi giải phẫu bệnh này được thể hiện trên hình ảnh X quang của hư khớp.
D. Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh:
1. Nguyên nhân: Tình trạng thoái hóa của sụn khớp và đĩa đệm do nhiều nguyên nhân gây nên mà chủ yếu là do sự lão hóa của tế bào và tổ chức, ngoài ra còn một số yếu tố khác thúc đẩy quá trình này nhanh hơn và nặng thêm.
a. Sự lão hóa:
Theo quy luật của sinh vật, các tế bào sụn với thời gian lâu dần sẽ già, khả năng tổng hợp các chất tạo nên sợi collagen và mucopolysacaride sẽ giảm sút và rối loạn, chất lượng của sụn sẽ kém dần, tính chất đàn hồi và chịu lực giảm, hơn nữa tế bào sụn ở người trưởng thành không có khả năng sinh sản và tái tạo.
b. Yếu tố cơ giới: là yếu tố quan trọng, nó thúc đẩy quá trình thoái hóa tăng nhanh. Yếu tố cơ giới thể hiện bằng sự tăng bất thường lực nén trên một đơn vị diện tích của mặt khớp và đĩa đệm, hay còn gọi là hiện tượng quá tải. Là yếu tố chủ yếu trong thể hư khớp thứ phát, nó gồm có:
– Các dị dạng bẩm sinh làm thay đổi diện tỳ nén bình thường của khớp và cột sống.
– Các biến dạng thứ phát sau chấn thương, viêm, u loạn sản lảm thay đổi hình thái, tương quan của khớp và cột sống.
– Sự tăng trọng tải: tăng cân quá mức do béo, do nghề nghiệp, thói quen …
c. Các yếu tố khác:
– Di truyền: cơ địa già sớm.
– Nội tiết: mãn kinh, đái tháo đường, loãng xương do nội tiết.
– Chuyển hóa: bệnh thống phong, bệnh da xạm nâu.
2. Hư khớp nguyên phát và thứ phát:
Theo nguyên nhân ta phân biệt 2 loại hư khớp.
a. Nguyên phát: nguyên nhân chính là sự lão hóa, xuất hiện muộn, thường ở người sau 60 tuổi, tiến triển chậm, tăng dần theo tuổi, mức độ không nặng.
b. Thứ phát: phần lớn là do các nguyên nhân cơ giới, gặp ở mọi lứa tuổi (thường trẻ dưới 40), khu trú một vài vị trí, nặng và tiến triển nhanh.
3. Các giai đoạn của hư khớp:
Có thể chia hư khớp thành 2 giai đoạn: tiền lâm sàng và lâm sàng.
a. Giai đoạn tiền lâm sàng: mặc dù có những tổn thương thoái hóa về mặt sinh hóa và giải phẫu bệnh, nhưng phần lớn bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng. Khi những tổn thương giải phẫu bệnh ở mức tiến triển hơn, ta thấy những dấu hiệu đặc trưng của hư khớp trên X quang, ngay cả khi này thì đa số bệnh nhân cũng không có dấu hiệu lâm sàng. Có thể coi giai đoạn này như là một tình trạng: “tình trạng hư khớp”, chưa thể coi đây là bệnh lý thực sự, vì phần lớn những người trên 40 tuổi ít nhiều đều có dấu hiệu hư khớp trên X quang.
b. Giai đoạn lâm sàng: bệnh nhân có các biểu hiện đau, hạn chế vận động, biến dạng ở nhiều mức độ khác nhau, giai đoạn này thường xuất hiện sớm ở thể hư khớp thứ phát, xuất hiện muộn hoặc không xuất hiện ở thể hư khớp nguyên phát.
E. Dịch tễ học:
Hư khớp gặp ở mọi chủng tộc, dân tộc, mọi điều kiện khí hậu, địa lý, kinh tế. Nam và nữ mắc bệnh ngang nhau. Người châu Âu có tỷ lệ hư khớp háng nhiều hơn châu Á, tuổi càng tăng tỷ lệ bệnh càng tăng.
Ở Mỹ 80% những người trên 55 tuổi có dấu hiệu X quang hư khớp, có khoảng 40.000.000 người có biểu hiện hư khớp háng và gối, số người được ghép khớp háng nhân tạo mà nguyên nhân chủ yếu là thoái hóa khoảng 5 triệu người.
Ở Pháp, các bệnh hư khớp chiếm 28,6% các bệnh về xương khớp, mỗi năm có khoảng 50.000 người được ghép khớp háng nhân tạo.
Ở Việt Nam, đau xương khớp (chủ yếu là thoái hóa) chiếm 20% người đi khám bệnh. Ở bệnh viện Bạch Mai trong 10 năm ở khoa Cơ xương khớp thấy các bệnh về thoái hóa chiếm 10,41% (2/3 thoái hóa cột sống, 1/3 thoái hóa các khớp).
Các vị trí của hư khớp theo thứ tự nhiều ít là:

– Hư cột sống thắt lưng 31%
– Hư cột sống cổ 14%
– Hư nhiều đoạn cột sống  7%
– Gối 13%
– Háng  8%
– Ngón tay  6%
– Các khớp khác 20%.

NHỮNG DẤU HIỆU CHUNG CỦA HƯ KHỚP
A. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG:
1. Đau: đau kiểu “cơ giới”, đau khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi.
– Vị trí: thường đối xứng hai bên, đau ở vị trí của khớp hoặc đoạn cột sống bị thoái hóa, ít lan xa (trừ khi có chèn ép rễ và dây thần kinh).
– Tính chất: đau âm ỉ, có thể có cơn đau cấp (ở cột sống) xuất hiện và tăng khi vận động, thay đổi tư thế, đau nhiều về buổi chiều (sau một ngày lao động) giảm đau về đêm và khi nghỉ ngơi.
– Đau diễn biến thành từng đợt, dài ngắn tùy trường hợp, hết đợt có thể hết đau, sau đó tái phát đợt khác. Có thể đau liên tục tăng dần (hư khớp thứ phát).
– Đau không kèm theo với các biểu hiện như viêm, sưng to, đỏ, sốt …
2. Hạn chế vận động: các động tác của khớp và các đoạn cột sống bị thoái hóa hạn chế một phần, khi hạn chế nhiều thường do các phản ứng co cơ kèm theo. Bệnh nhân không làm được một số động tác (quay cổ, cúi sát đất, ngồi xổm …), một số bệnh nhân có dấu hiệu “phá gỉ khớp” vào buổi sáng hoặc lúc bắt đầu vận động.
3. Biến dạng: không biến dạng nhiều như các bệnh khớp khác, biến dạng trong hư khớp do mọc các gai xương, do lệch trục khớp hoặc thoát vị màng hoạt dịch. Ở ngón tay khi bị thoái hóa, các gai xương tạo nên hình hạt lồi lên ở khớp ngón xa (hạt Heberden).
4. Các dấu hiệu khác:
– Teo cơ: do ít vận động, các cơ chi phối vận động của khớp tổn thương bị teo.
– Tiếng lạo xạo khi vận động: ít có giá trị vì có thể thấy ở người bình thường hoặc ở các bệnh khác.
– Tràn dịch khớp: đôi khi thấy ở khớp gối do phản ứng xung huyết và tiết dịch của màng hoạt dịch.
5. Dấu hiệu toàn thân: các bệnh hư khớp không bao giờ có biểu hiện toàn thân.
B. DẤU HIỆU X QUANG:
Có 3 dấu hiệu cơ bản:
1. Hẹp khe khớp: khe không đồng đều, bờ không đều, ở cột sống biểu hiện bằng chiều cao đĩa đệm giảm. Hẹp nhưng không bao giờ dính khớp.
2. Đặc xương dưới sụn: phần đầu xương, hõm khớp, mâm đốt sống có hình đậm đặc, cản quang nhiều, trong phần xương đặc thấy một số hốc nhỏ sáng hơn.
3. Mọc gai xương: gai mọc ở phần tiếp giáp giữa xương, sụn và màng hoạt dịch, ở rìa ngoài của thân đốt sống. Gai xương có hình thô và đậm đặc, một số mảnh rơi ra nằm trong ổ khớp hay phần mềm quanh khớp.
Một số phương pháp chụp đặc biệt có thể phát hiện sớm các tổn thương của sụn khớp và đĩa đệm như cắt lớp, chụp cắt lớp vi tính (CT scanner), chụp bơm thuốc cản quang vào ổ khớp, vào đĩa đệm.
Những dấu hiệu X quang của khớp và cột sống không có ý nghĩa về mặt bệnh học vì phần lớn không có biểu hiện lâm sàng, hoặc rất lâu sau này mới xuất hiện các triệu chứng lâm sàng, “không thể chỉ dựa vào dấu hiệu X quang đơn thuần để chẩn đoán bệnh hư khớp”.
C. CÁC XÉT NGHIỆM KHÁC:
1. Xét nghiệm máu và sinh hóa: toàn thân không có gì thay đổi.
2. Dịch khớp:
Dịch khớp kiểu cơ giới: vàng chanh, độ nhớt bình thường, có 1.000 – 2.000 tế bào/mm3, 50% là BCĐNTT, không có tế bào hình nho, lượng Protein, mucin và bổ thể bình thường.
Phản ứng tìm yếu tố dạng thấp, tinh thể urat (-).
3. Nội soi khớp: thấy những tổn thương thoái hóa của sụn khớp, phát hiện các mảnh xương rơi trong ổ khớp, kết hợp sinh thiết màng hoạt dịch để chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác.
4. Sinh thiết màng hoạt dịch: thường dùng để chẩn đoán phân biệt khi những dấu hiệu lâm sàng và X quang không rõ ràng.
HƯ KHỚP Ở MỘT SỐ VỊ TRÍ
HƯ KHỚP ĐỐT SỐNG THẮT LƯNG
Hư đốt sống thắt lưng chủ yếu là hư đĩa đệm vì các dấu hiệu lâm sàng phần lớn do những tổn thương của đĩa đệm gây nên.
1. Triệu chứng lâm sàng: có 3 thể lâm sàng của hư khớp đốt sống thắt lưng, tùy thuộc vào mức độ tổn thương của đĩa đệm.
a. Đau thắt lưng cấp:
– Gặp ở lứa tuổi 30 – 40, nam giới.
– Cơn đau xuất hiện sau một động tác mạnh, quá mức, đột ngột và trái tư thế (bưng, bê, vác, đẩy, ngã …).
– Đau với cường độ cao, hạn chế vận động, đứng với tư thế vẹo vì một bên cơ cạnh cột sống co mạnh. Đau nhiều phải nằm ở tư thế đặc biệt, rất ngại vận động.
– Nằm nghỉ và điều trị vài ngày thì đau giảm dần, khỏi sau 1 – 2 tuần. Có thể tái phát.
Cơ chế sinh bệnh của đau thắt lưng cấp là do đĩa đệm bị căng phồng nhiều, đẩy và kích thích vào các nhánh thần kinh ở vùng dây chằng dọc sau cột sống.
b. Đau thắt lưng mạn tính:
– Thường thấy ở lứa tuổi trên 40.
– Đau âm ỉ vùng thắt lưng, không lan xa, đau tăng khi vận động nhiều, thay đổi thời tiết hoặc nằm lâu bất động, đau giảm khi nghỉ ngơi. Cột sống có thể biến dạng một phần và hạn chế một số động tác.
– Đau thắt lưng mạn tính là do đĩa đệm bị thoái hóa nhiều, sức căng phồng kém, đàn hồi kém, chiều cao giảm, do đó khả năng chịu lực giảm sút nhiều, đĩa đệm có phần lồi ra sau kích thích các nhánh thần kinh.
c. Đau thắt lưng hông:
– Đau thắt lưng phối hợp với đau dây thần kinh hông một hay hai bên.
– Gặp ở nam, tuổi 30 – 50 trên cơ sở một đau thắt lưng mãn tính, sau một động tác quá mức, đột ngột, sai tư thế, đau xuất hiện đột ngột nhanh chóng.
– Đau ở một vùng thắt lưng, lan xuống một bên mặt sau đùi, xuống cẳng chân, đau tăng khi ho, hắt hơi, rặn, thay đổi tư thế. Thường nằm ở một tư thế đặc biệt để tránh đau.
– Khám: cột sống vẹo, cơ cạnh cột sống co cứng, hạn chế các động tác nhiều, dấu hiệu Lasèque, Valleix, kéo dây chuông (+) bên chân đau, giảm hoặc mất phản xạ gân xương, rối loạn cảm giác, teo cơ và giảm cơ lực, có thể có rối loạn cơ tròn.
Trên cơ sở đĩa đệm thoái hóa, dưới tác động của các áp lực quá cao, nhân nhầy bị đẩy ra phía sau, lồi lên hoặc thoát ra vào ống sống, gây nên tình trạng thoát vị đĩa đệm, đè ép vào các rễ thần kinh, gây nên dấu hiệu đau thần kinh hông.
2. Dấu hiệu X quang: Chụp thông thường chỉ thấy các dấu hiệu chung của hư khớp. Muốn biết rõ trạng thái thoái hóa và thoát vị của đĩa đệm cần chụp bằng các phương pháp đặc biệt như chụp bao rễ cản quang, đĩa đệm cản quang và cắt lớp vi tính (CT scanner), MRI.
3. Chẩn đoán: Chẩn đoán hư đốt sống thắt lưng dựa vào:
– Điều kiện phát bệnh (tuổi, tác nhân cơ giới, tiền sử …).
– Dấu hiệu lâm sàng.
– Dấu hiệu X quang.
– Loại trừ các nguyên nhân khác gây đau thắt lưng.
– Không chẩn đoán bệnh chỉ dựa vào dấu hiệu X quang đơn thuần.
HƯ ĐỐT SỐNG CỔ
Về mặt giải phẫu, cột sống cổ vận động với sự tham gia của ba khớp: đĩa đệm cột sống, khớp mỏm móc, khớp liên mỏm gai sau, khi bị tổn thương thoái hóa các khớp này ảnh hưởng tới tủy cổ, rễ thần kinh vùng cổ và động mạch sống, do đó những biểu hiện lâm sàng của hư đốt sống cổ rất đa dạng.
1. Đau vùng gáy cấp tính: hay vẹo cổ cấp sau một lao động nặng, mệt mỏi, căng thẳng, lạnh, đau xuất hiện ở vùng gáy một bên, đau lan lên vùng chẩm, đầu quẹo về một bên không quay được. Thường khỏi sau vài ngày. Dễ tái phát.
2. Đau vùng gáy mạn tính: đau âm ỉ khi tăng khi giảm, lan ít, khó vận động một động tác vì đau (cúi xuống dưới và ra ngoài), đôi khi thấy lạo xạo khi quay cổ.
3. Nhức đầu: nhức từ vùng chẩm, lan ra thái dương ra trán hay sau hố mắt, xuất hiện vào buổi sáng, kết hợp với đau và hạn chế vận động cổ, không có dấu hiệu thần kinh.
4. Hội chứng đau thần kinh cổ cánh tay:
– Đau vùng gáy âm ỉ, tăng từng cơn, nhất là về đêm, lan lên vùng chẩm, lan xuống vai và cánh tay.
– Tê một vùng ở cánh tay, cẳng tay và ngón tay. Định khu của hiện tượng giảm cảm giác tùy thuộc vào rễ thần kinh bị chèn ép (C4, C5, C6, C7 …). Làm các nghiệm pháp căng dây thần kinh của đám rối cánh tay thì đau và tê tăng.
5. Hội chứng chèn ép tủy cổ: một số trường hợp gai xương mọc ở phía sau thân đốt, chèn ép vào phần trước tủy, bệnh nhân có dấu hiệu liệt cứng nửa người hoặc tứ chi tăng dần.
Chẩn đoán chủ yếu dựa vào hình ảnh chụp X quang cắt lớp vi tính.
6. Hội chứng giao cảm cổ Barré – Liéou:
– Nhức đầu.
– Chóng mặt.
– Ù tai.
– Hoa mắt, mờ mắt.
– Loạn cảm thành sau họng, nuốt vướng.
– Về X quang: hư cột sống cổ trên hình ảnh X quang thường gặp ở những người lớn tuổi, phần lớn không có biểu hiện lâm sàng. Những hình ảnh mọc gai xương ở thân đốt sống phía trước hoặc hẹp đĩa đệm ít có giá trị bệnh lý. Người ta khuyên nên chú ý các tổn thương thoái hóa ở khớp mỏm móc và liên mỏm gai sau.
HƯ KHỚP GỐI
Nữ chiếm 80% trường hợp, tuổi 40 – 50, thường béo, 30% phối hợp với các bệnh giãn tĩnh mạch cẳng chân, viêm da loạn sắc tố chân …
1. Triệu chứng lâm sàng:
a. Dấu hiệu cơ năng:
– Đau: ở mặt trước hoặc trong gối: đau tăng khi đi lại, lên xuống dốc, ngồi xổm. Có thể có dấu hiệu “phá gỉ khớp”, khi khởi động thường đau cả hai bên gối.
– Hạn chế vận động: không đi xa được vì đau, có tiếng lạo xạo trong khớp. Có thể hạn chế nhiều phải chống gậy, nạng …
b. Thăm khám:
– Khớp sưng to do các gai xương và phì đại mỡ quanh khớp. Khớp có nước (dấu hiệu bập bệnh xương bánh chè), một số trường hợp có thoát vị màng hoạt dịch ở vùng khoeo. Không bao giờ có dấu hiệu viêm nặng như sưng to và nóng đỏ.
– Hạn chế các động tác, nhất là gấp.
– Tìm điểm đau ở khe bánh chè – ròng rọc, chày – ròng rọc. Gõ mạnh vào bánh chè đau.
– Dấu hiệu bào gỗ: di động bánh chè trên ròng rọc như kiểu bào gỗ thấy tiếng lạo xạo.
– Teo cơ: nếu tổn thương kéo dài có teo các cơ ở đùi.
2. X quang:Các dấu hiệu X quang thấy ở trên khớp chày – ròng rọc (thẳng) và bánh chè – ròng rọc (nghiêng).
– Hẹp khe khớp.
– Đặc xương dưới sụn.
– Mọc gai xương và hình ảnh dị vật trong khớp hay quanh khớp.
Chụp khớp gối cản quang tìm hình ảnh thoát vị màng hoạt dịch.
3. Nguyên nhân: Phần lớn hư khớp gối là thứ phát, cần tìm nguyên nhân để phòng bệnh và điều trị sớm.
a. Các dị tật của trục khớp gối:
– Khớp gối quay ra ngoài
– Khớp gối quay vào trong
– Khớp gối quá duỗi
b. Các di chứng của bệnh khớp gối:
– Di chứng chấn thương, vi chấn thương do nghề nghiệp
– Di chứng viêm (thấp khớp mãn, lao khớp, viêm mủ …)
– Chảy máu trong khớp (Hemophilie), bệnh chuyển hóa.
HƯ KHỚP HÁNG
Nam nữ bị ngang nhau, tuổi 40 – 60, hư khớp háng thứ phát thường xuất hiện dưới 40 tuổi. Ở châu Á ít gặp hư khớp háng hơn châu Âu.
1. Triệu chứng lâm sàng:
a. Cơ năng:
– Đau ở vùng bẹn hoặc phần trên mông, lan xuống đùi, có khi chỉ đau ở trước đùi và khớp gối (làm cho chẩn đoán nhầm với bệnh ở khớp gối). Đau xuất hiện từ từ tăng dần, đau tăng khi đi lại, đứng lâu, thay đổi thời tiết, giảm khi nghỉ ngơi. Có thể có dấu hiệu “phá gỉ khớp” khi khởi động.
– Hạn chế vận động: lúc đầu khó làm một số động tác (ngồi xổm, lên xe đạp nam, bước qua bậc cao…), về sau hạn chế nhiều, khập khiễng, phải chống gậy.
b. Thực thể:
– Khám ngoài ít thấy thay đổi vì khớp ở sâu, không có dấu hiệu viêm. Tìm các điểm đau ở mặt trước khớp và phần trên mông. Đo thấy chân bệnh ngắn hơn chân lành trong một số trường hợp.
– Các động tác vận động hạn chế lúc đầu là duỗi cố và quay, về sau hạn chế các động tác khác nhất là gấp.
2. X quang:
– Hẹp khe khớp: thường hẹp ở phần ngoài.
– Đặc xương dưới sụn: thấy ở chỏm xương đùi, ổ cối xương chậu, lỗ dây chằng tròn …trong phần xương đặc thường có các hốc xương, có khi hốc xương to mở thông vào ổ khớp.
– Mọc gai xương: mọc ở nhiều vị trí trên ổ cối, chỏm xương đùi, lỗ dây chằng tròn …
3. Nguyên nhân:
Hư khớp háng thứ phát chiếm 50% trường hợp, do những nguyên nhân sau đây:
a. Các cấu tạo bất thường của háng và chi dưới:
– Trật khớp háng bẩm sinh: chiếm 1% dân số phụ nữ ở châu Âu.
– Chỏm khớp dẹt: là hậu quả của loạn sản sụn chỏm xương đùi (bệnh Legg – Perthès – Calvé).
– Ổ cối sâu.
b. Di chứng các bệnh khớp háng:
– Di chứng chấn thương, vi chấn thương.
– Di chứng viêm (lao, viêm cột sống dính khớp, VKDT, viêm mủ …).
– Các bệnh máu, chuyển hóa, nội tiết.
– Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi do viêm tắc động mạch chi phối đầu xương đùi …
ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG BỆNH
ĐIỀU TRỊ
Không có thuốc chữa quá trình thoái hóa, điều trị triệu chứng và phục hồi chức năng là quan trọng, phải phối hợp nội khoa, vật lý và ngoại khoa.
1. Nội khoa:
– Các thuốc giảm đau: tốt nhất là Aspirin 1-2 g uống nhiều lần trong ngày. Có thể dùng các thuốc giảm đau không có Steroid: Indomethacin (50-100 mg), Voltaren (50-100 mg), Brufen (400-600 mg), Profénid (50-100 mg), Aspégic (100-400 mg), Felden (20-40 mg).
Không dùng Steroid toàn thân (uống).
Có thể tiêm Hydrocortison acetat vào khớp (nếu đau và sưng nhiều), (Chú ý hạn chế và không tiêm nhiều lần).
– Các thuốc tăng cường dinh dưỡng sụn, tác dụng không chắc chắn như nội tiết tố sinh dục, thuốc tăng đồng hóa, thuốc có iốt, lưu huỳnh, philatốp, cao xương động vật (cao khỉ, cao trăn, cao ban long …), Hydroxyprolin, tinh chất sụn động vật.
2. Các phương pháp vật lý:
– Các bài thể dục cho từng loại vị trí thoái hóa.
– Điều trị bằng tay: xoa bóp, kéo nắn, ấn huyệt, tập vận động thụ động.
– Điều trị bằng nhiệt: hồng ngoại, bùn nóng, parafin …
– Điều trị bằng nước: nước khoáng, nước nóng, bơi …
– Sử dụng các dụng cụ chỉnh hình.
3. Điều trị ngoại khoa:
– Chỉnh lại các dị dạng của khớp bằng cách đục và khoét xương.
– Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng cắt vòng cung sau, hay lấy phần thoát vị.
– Làm dính cứng khớp ở tư thế cơ năng.
– Ghép khớp nhân tạo: ghép khớp gối bằng khớp kim loại (Guepar), ghép khớp háng bằng khớp nhân tạo (Moore, Mac Kee, Mulher – Charnley). Bằng cách ghép khớp nhân tạo, hàng triệu người đã phục hồi được chức năng vận động khớp háng do hư khớp.
PHÒNG BỆNH
Đối với bệnh hư khớp, phòng bệnh đóng vai trò rất quan trọng, bằng cách ngăn ngừa và hạn chế các tác động cơ giới quá mức ở khớp và cột sống, ta có thể dự phòng có kết quả các bệnh hư khớp.
1. Trong cuộc sống hàng ngày:
– Chống các tư thế xấu trong sinh hoạt và lao động.
– Tránh các động tác quá mạnh, đột ngột và sai tư thế khi mang vác, đẩy, xách, nâng …
– Kiểm tra định kỳ những người làm nghề lao động nặng và dễ bị hư khớp để phát hiện và điều trị sớm.
– Chống tình trạng béo bệu bằng chế độ dinh dưỡng, thể dục thích hợp.
2. Phát hiện sớm các dị tật của xương, khớp và cột sống để có biện pháp chỉnh hình nội khoa hoặc ngoại khoa, ngăn ngừa các hư khớp thứ phát.
3. Thăm khám kiểm tra trẻ em, chữa sớm các bệnh còi xương, các tật về khớp gối (vòng kiềng, chân cong), bàn chân ngựa, loạn sản khớp háng, gù, vẹo cột sống.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận