Huyệt Thân Mạch: Vị trí, tác dụng điều trị | Kinh túc thái dương bàng quang

Thân Mạch

Tên Huyệt:

Huyệt là nơi xuất phát của mạch Dương Kiều, hợp với các khớp và gân cơ của toàn cơ thể vào giờ Thân, vì vậy gọi là Thân Mạch (Trung Y Cương Mục).

Tên Khác:

Dương Kiều, Quỷ Lệ.

Xuất Xứ:

Giáp Ất Kinh.

Đặc Tính:

Huyệt thứ 62 của kinh Bàng Quang.

Huyệt Hội của Kinh Túc Thái Dương Bàng Quang và Mạch Dương Kiều.

Huyệt mở của Dương Kiều Mạch, nơi mạch Dương Kiều xuất phát.

Vị Trí huyệt:

Nơi rãnh thẳng từ đầu nhọn mắt cá ngoài xuống 0, 5 thốn (gấp duỗi bàn chân để tìm gân cơ).

Giải Phẫu:

Dưới da là gân cơ mác bên dài và gân cơ mác bên ngắn, chỗ bám của cơ duỗi ngắn các ngón chân, rãnh cơ mác của mặt ngoài xương gót chân.

Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh cơ-da và dây thần kinh chầy trước.

Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh S1.

Tác Dụng:

Thanh thần chí, thư cân mạch, khu biểu tà.

Chủ Trị:

Trị đầu đau, chóng mặt, khớp mắt cá viêm, động kinh.

Phối Huyệt:

1. Phối Ẩn Bạch (Tỳ 1) + Hành Gian (C.2) trị khi hành kinh bị nóng lạnh (Thiên Kim Phương).

2. Phối Hậu Khê (Tiểu trường.3) + Tiền Cốc (Tiểu trường.2) trị điên (Tư Sinh Kinh).

3. Phối Công Tôn (Tỳ 4) + Túc Tam Lý (Vị 36) + Tuyệt Cốt (Đ.39) trị chân yếu không có sức (Châm Cứu Đại Thành).

4. Phối Tam Lý (Vị 36) trị cước khí, bịnh ở lưng (Linh Quang Phú).

5. Phối Kim Môn (Bàng quang.63) trị đầu phong, đầu đau (Tiêu U Phú).

6. Phối Kim Môn (Bàng quang.63) trị đầu phong, ngực đau (Châm Kinh Chỉ Nam).

7. Phối Cách Du (Bàng quang.17) + Chi Câu (Tam tiêu.6) + Dương Cốc (Tiểu trường.5) + Uyển Cốt (Tiểu trường.4) trị hông sườn đau (Thần Cứu Kinh Luân).

8. Phối Bá Hội (Đc.20) + Hậu Khê (Tiểu trường.3) + Phong Trì (Đ.20)+ Tâm Du (Bàng quang.15) trị động kinh (Châm Cứu Học Giản Biên).

9. Phối An Miên + Ế Phong (Tam tiêu.17) + Thái Xung (C.3) trị chóng mặt do bịnh ở trong tai [rối loạn tiền đình] (Châm Cứu Học Thượng Hải).

10. Phối Chiếu Hải (Th.6) + Côn Lôn (Bàng quang.60) + Khâu Khư (Đ.40) trị mắt cá chân đau, tê (Tứ Bản Giáo Tài Châm Cứu Học).

Cách châm Cứu:

Châm thẳng 0, 3-0, 5 thốn – Cứu 3-5 tráng – Ôn cứu 5-10 phút.

Tham Khảo:

Thiên ‘Khẩu Vấn’ (Linh khu.28): “Hoàng Đế hỏi: Con người bị chứng ngáp, khí gì gây nên? -Kỳ Bá đáp: …Dương khí chủ đi lên, Âm khí chủ đi xuống. Cho nên, khi âm khí còn tích ở bên dưới, dương khí lại chưa hết, dương khí sẽ dẫn âm đi lên, âm lại dẫn dương đi xuống, thế là âm dương cùng dẫn nhau, cho nên người ta bị ngáp nhiều lần… châm tả kinh túc Thiếu âm (Chiếu Hải) và bổ kinh túc Thái dương [Thân Mạch] (Linh khu 28, 6, 7).

Xem thêm: Các huyệt trên Kinh túc thái dương bàng quang

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận