BẠC HÀ
HÌNH ẢNH, TÁC DỤNG, VỊ THUỐC NAM, ĐÔNG Y, BÀI THUỐC DÂN GIAN CHỮA BỆNH, THUỐC BẮC
Tên khoa học: Mentha arvensis L., Họ: Bạc hà (Lamiaceae).
Tên khác: Bạc hà nam.
Cách trồng:Trồng bằng thân ngầm hoặc thân cành trên đất tơi xốp, màu mỡ, luôn đủ ẩm, vào tháng 1-2 là phù hợp nhất. Bón lót bằng phân chuồng mục trộn lẫn phân lân và kali. Sau 2-3 tháng khi cây ra hoa khoảng 70% là thu hoạch.
Bộ phận dùng và cách bào chế : Thân cành mang lá. Cắt sát gốc lấy toàn bộ thân lá để dùng tươi hoặc chưng cất tinh dầu. Dùng khô thì đem phơi nơi râm mát cho đến khô để dùng.
Công dụng và liều dùng: Chữa cảm sốt, ngạt mũi, đau đầu, đầy bụng trướng hơi, khó tiêu. Liều dùng 4-8g dạng thuốc sắc.
Bài thuốc ứng dụng :
Bài 1 : Chữa cảm mạo, nhức đầu :
Lá bạc hà 6g,Tía tô 6g, Hương nhu 6g, Cỏ mần chầu 6g,
Kinh giới 6g , Hành hoa 6g, Cam thảo nam 6g, Gừng tươi 3 lát.
Tất cả thái nhỏ, sắc uống nóng, ngày 1 thang.
Bài 2 : Chữa cảm sốt, ăn uống khó tiêu, bụng đầy:
Lá bạc hà thái nhỏ, hãm với 1chén nước sôi. Cách 2 giờ uống 1 lần (Trẻ em dưới 1 tuổi không được dùng).
Bài 3 : Chữa trúng phong gây méo mặt, liệt nửa người:
Bạc hà, Kinh giới, liều lượng như nhau đem giã nát, vắt lấy nước cô thành cao rồi chia thành 3 phần. Hai phần phơi khô tán nhỏ, một phần làm áo viên với thuốc tán trên thành viên bằng hạt ngô đồng. Ngày uống 30 viên với nước chín vào lúc sáng sớm và buổi tối trước khi đi ngủ.
Bài 4 : Chữa trúng thử muốn ngất xỉu:
Lá bạc hà tươi 1 nắm giã nát, cho thêm một nửa chén nước đun sôi để nguội, vắt nước uống.
Bài 5 : Chữa chứng phong nhiệt, đờm chẹn ở ngực, cổ gây khó thở:
Bạc hà tán nhỏ, luyện với mật ong thành viên bằng đốt ngón tay út. Mỗi lần ngậm 1 viên nuốt dần dần.
Bài 6 : Chữa Chảy máu cam:
Lấy lá bạc hà tươi giã nát, nhét vào lỗ mũi hoặc giã vắt lấy nước cốt nhỏ vào mũi.
Bài 7: Chữa nha chu viêm cấp tính gây chân răng sưng đỏ, đau, ấn mạnh có thể ra máu mủ. Nếu bệnh nặng, còn gây sốt, sưng hạch hàm dưới:
Bạc hà 8g, Gai bồ kết 8g, Ngưu bàng tử 12g, Hạ khô thảo 16g, Kim ngân hoa 12g, Bồ công anh 20g. Sắc uống ngày 1 thang.