NHÀU
HÌNH ẢNH, TÁC DỤNG, VỊ THUỐC NAM, ĐÔNG Y, BÀI THUỐC DÂN GIAN CHỮA BỆNH, THUỐC BẮC
Tên khoa học: Morinda citrifolia L. Họ: Cà phê (Rubiaceae).
Tên khác: Cây ngao, Nhàu núi.
Cách trồng: Cây mọc hoang trong rừng, tái sinh tự nhiên bằng hạt. Nhiều nơi, nhân dân trồng trong vườn giống như trồng cây ăn quả.
Bộ phận dùng và cách bào chế: Lá, quả, vỏ, rễ.
Dùng tươi: Lá, quả. Lá dùng quanh năm. Quả hái lúc đã già chín.
Dùng khô: Đào lấy rễ, tốt nhất là cuối mùa thu, rửa sạch bóc lấy vỏ phơi khô dùng.
Tác dụng và liều dùng: Chữa cao huyết áp, rối loạn kinh nguyệt, băng huyết, bạch đới ở phụ nữ. Trị đau lưng, nhức mỏi, mụn nhọt.
Bài thuốc ứng dụng:
Bài 1: Chữa cao huyết áp, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt:
Rễ nhàu 20g, Dừa cạn 16g, Kiến cò 16g, Me rừng 16g, Huyết giác 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: Chữa nhức mỏi, đau lưng:
Rễ nhàu thái nhỏ, sao vàng ngâm với rượu, uống mỗi lần 1 thìa canh, ngày 2 lần. Uống liên tục trong nhiều ngày. Hoặc dùng bài: Quả nhàu 20g, Thần xạ 20g, Cây xấu hổ 20g, Rễ duối 16g, Lạc tiên 16g, Cam thảo dây 16g, sắc uống.
Bài 3: Chữa ỉa chảy, kiết ly, sốt ho:
Lá nhàu khô 8- 10g sắc uống hàng ngày.
Bài 4: Chữa cảm ho, đau nhức gân xương, đái tháo đường, băng huyết, bạch đới, nhuận trường:
Quả nhàu ăn với ít muối hàng ngày.
Bài 5: Chữa rắn cắn(Thừa kế LY Nguyễn Hữu Đám-Xuân Thọ, Sông Cầu):
Vỏ nhàu rừng 20g, Vỏ chanh giấy 1 quả. Rửa sạch, giã nát cả hai vị, vắt nước uống, bã đắp vào vết thương.
Ngoài ra còn dùng lá nhàu giã nát, đắp chữa mụn nhọt làm mau lên da non.