HUYỆT: Phong Phủ
HÌNH ẢNH
TÊN HUYỆT
Huyệt được coi là nơi (phủ) gió (phong) tập trung vào, vì vậy gọi là Phong Phủ.
TÊN KHÁC
Nhiệt Phủ, Qủy Chẩm, Qủy Huyệt, Qủy Lâm, Tào Khê, Thiệt Bản, Tinh Tinh.
XUẤT XỨ
Thiên ‘Bản Du’ (Linh Khu .2).
VỊ TRÍ
Chỗ lõm giữa gáy và ở trên chân tóc gáy 1 thốn. Giữa khe của xương chẩm và đốt sống cổ thứ I. Khi cúi đầu, gân cơ thang nổi lên ở chỗ bám vào hộp sọ, khi ngửa đầu, chỗ khe xương lõm xuống, có thể sờ được đáy hộp sọ, huyệt ở chỗ lõm giữa 2 cơ thang, ngang với đáy hộp sọ.
ĐẶC TÍNH
• Huyệt thứ 16 của mạch Đốc.
• Hội của mạch Đốc với mạch Dương Duy và kinh Bàng Quang.
• Một trong nhóm huyệt ‘Tủy Khổng’ (Phong Phủ (Đc.16) + Ngân Giao (Đc.28) + Á Môn (Đc.15) + Não Hộ (Đc.17) và Trường Cường (Đc.1), là những huyệt liên hệ với Tủy xương (thiên ‘Cốt Không Luận’ (Tố Vấn 60).
TÁC DỤNG
Khu phong tà, lợi cơ quan, thanh thần chí, tiết khí hỏa.
CHỦ TRỊ
Trị đầu đau, gáy cứng đau, lòi dom, tử cung sa, mũi nghẹt, trúng phong, hay quên, tai ù, mắt hoa, điên cuồng, người lạnh toát, tim đập hồi hộp.
CHÂM CỨU
Châm thẳng sâu 0,3 – 0,5 thốn, không cứu.
GIẢI PHẪU
• Dưới da là gân cơ thang, cơ bán gai hoặc cơ rối to, cơ thẳng sau đầu bé, màng chẩm–đội sau và ống hành tủy.
• Thần kinh vận động cơ do ngành sau của 3 dây thần kinh sống cổ trên và nhánh của dây thần kinh sọ não số XI. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C3.
PHỐI HỢP HUYỆT
1.Phối Lao Cung (Tb.8) + Thiên Dung (Ttr.17) trị họng đau, đờm nhiều (Thiên Kim Phương).
2.Phối Yêu Du (Đc.2) trị chân tê dại (Thiên Kim Phương).
3.Phối Côn Lôn (Bq.60) trị cuồng, nói sảng, bất tỉnh (Thiên Kim Phương).
4.Phối Thừa Tương (Nh.24) trị mất tiếng (Tư Sinh Kinh).
5.Phối Yêu Du (Đc.2) trị chân tê bại (Tư Sinh Kinh).
6.Phối Ngân Giao (Đc.28) trị gáy cứng không cử động được (Tư Sinh Kinh).
7.Phối Hợp Cốc (Đtr.4) trị chạy bậy (Châm Cứu Đại Thành).
8.Phối Dương Cốc (Ttr.5) trị loạn thần, chạy bậy (Châm Cứu Đại Thành).
9.Phối Nhị Gian (Đtr.2) + Nghinh Hương (Đtr.20) trị mũi chảy máu (Châm Cứu Đại Thành).
10.Phối Kim Tân + Liêm Tuyền (Nh.23) + Ngọc Dịch trị lưỡi bị cứng do trúng phong (Châm Cứu Đại Thành).
10.Phối Hậu Khê (Ttr.3) + Thừa Tương (Nh.24) trị gáy cứng (Y Học Cương Mục).
12.Phối Bá Hội (Đc.20) + Giáp Xa (Vi.6) + Hậu Đỉnh (Đc.19) + Hợp Cốc (Đtr.4) + Phong Trì (Đ.20) + Thiếu Thương (P.11) + Thiếu Xung (Tm.9) + Tiền Đỉnh (Đc.21) + Tín Hội (Đc.22) [tùy bệnh nặng nhẹ mà chọn huyệt châm, không nên châm hết cùng một lúc], trị họng sưng đau (Trọng Lâu Ngọc Thược).
13.Phối Bá Hội (Đc.20) trị phong giật (Hành Châm Chỉ Yếu).
14.Phối Bá Hội (Đc.20) + Đầu Duy (Vi.8) + Liệt Khuyết (P.7) + Phong Trì (Đ.20) trị đầu đau (Trung Hoa Châm Cứu Học).
15.Phối Hợp Cốc (Đtr.4) + Liệt Khuyết (P.7) + Phong Môn (Bq.12) + Phong Trì (Đ.20) + Phục Lưu (Th.7) trị cảm phong hàn (Trung Quốc Châm Cứu Học Khái Yếu).
16.Phối Hậu Khê (Ttr.3) trị sau đầu đau (Châm Cứu Học Thượng Hải).
17.Phối Phong Trì (Đc.20) + Tam Âm Giao (Ty.6) + Túc Tam Lý (Vi.36) trị đầu đau, mắt mờ, nhìn không rõ (Châm Cứu Học Thượng Hải).
18.Phối Bản Thần (Đ.13) + Đại Chùy (Đc.14) + Thân Trụ (Đc.13) trị điên (Châm Cứu Học Thượng Hải).
GHI CHÚ
• Không châm kim sâu và chếch lên phía trên vì phía trước là hành tủy, châm chạm vào hành tủy có thể gây ngừng hô hấp và ngừng tim.
THAM KHẢO
• Thiên Hàn Nhiệt Bệnh ghi: “Bị cảm một cách đột ngột, khí nghịch lên (làm cho cổ họng và lưỡi) bị cứng: châm huyệt Phù Đột và châm ra máu Thiệt Bản [Phong Phủ]” (Linh Khu 21, 16). “Bệnh (thương hàn) Thái dương, mới uống Quế Chi Thang mà không giải được, trước hết, châm huyệt Phong Trì, Phong Phủ, sau đó cho uống Quế Chi Thang là khỏi” (Điều 24 – Thái Dương Bệnh /Thương Hàn Luận). “Đầu gáy cứng đau, khó quay qua lại, răng đau: đầu tiên châm bình bổ bình tả huyệt Thừa Tương, sau đó châm huyệt Phong Phủ thì khỏi” (Ngọc Long Ca). “Lý Đông Viên cho rằng bệnh Thiếu dương đầu thống thì phong hàn làm tổn thương bên trên, tà từ ngoài xâm nhập vào làm cho người bệnh lạnh, đầu đau, cơ thể đau, sợ lạnh, khi trị, nên dùng huyệt Phong Phủ + Phong Trì” (Châm Cứu Tụ Anh).