[Sản phụ khoa] Bài giảng sự thụ thai, làm tổ và phát triển của trứng

Định nghĩa

Sự thụ tinh là sự kết hợp giữa một giao tử đực là tinh trùng và một giao tử cái là noãn để hình thành một tế bào mới gọi là trứng.

Sự thụ thai là sự thụ tinh và làm tổ của trứng.

Sự thụ tinh

Tinh trùng

Cấu tạo: Mỗi tinh trùng gồm 3 phần đầu, thân và đuôi.

Đặc điểm sinh học: Số lượng tinh trùng có từ 60 – 120 triệu/ml tinh dịch, chiều dài tinh trùng là 65mm, tỉ lệ hoạt động lúc mới phóng tinh trên 80%, tốc độ di chuyển 1,5 – 2,5mm/phút, thời gian sống trong âm đạo khoảng 2 giờ, trong cổ tử cung và vòi trứng được 2 – 3 ngày, tỉ lệ dị dạng < 10%.

Sự phát triển của dòng tinh.

Nơi sản xuất ra tinh trùng là tinh hoàn.

Tinh nguyên bào có 46 nhiễm sắc thể. Phân bào lần thứ nhất ( phân bào nguyên nhiễm) thành tinh bào 1 (46 XY).

Phân bào lần 2 (phân bào giảm nhiễm) từ tinh bào 1 thành tinh bào 2 có 23 nhiễm sắc thể, gồm hai loại 23,X và 23,Y.

TInh bào 2 tiếp tục phân bào thành tiền tinh trùng và tinh trùng loại 23,X hoặc 23,Y.

Noãn bào

Nơi sản xuất ra noãn bào là buồng trứng.

Đặc điểm sinh học: Số lượng các nang noãn nguyên thủy ở mỗi buồng trứng của một bé gái khi mới đẻ có từ 1,2 triệu đến 1,5 triệu. Từ khi dậy thì đến khi mãn kinh chỉ có 400 – 450 nang trưởng thành, còn phần lớn teo đi.

Sự phát triển của dòng noãn:

Noãn nguyên bào phân chia lần 1 (phân bào nguyên nhiễm) thành noãn bào 1. Noãn bào 1 phân bào lần 2 (phân bào giảm nhiễm) thành noãn bào 2 và cực cầu 1 có 23,X). Noãn bào 2 và cực cầu 1 tiếp tục phân chia thành noãn trưởng thành và cực cầu 2.

Di chuyển của tinh trùng và noãn

Tinh trùng di chuyển từ âm đạo lên vòi trứng nhờ sự tự vận động. Thời gian di chuyển từ âm đạo lên tới 1/3 ngoài vòi trứng mất từ 90 phút đến 2 giờ. Các yếu tố khác của đường sinh dục nữ như tư thế của tử cung, độ mở cổ tử cung, chất nhầy cổ tử cung và sự chênh lệch về độ pH của âm đạo và cổ tử cung.. có ảnh hưởng đến khả năng di chuyển của tinh trùng. Số lượng tinh trùng giảm dần trong quá trình di chuyển.

Noãn không tự di chuyển được. Noãn di chuyển được nhờ sự vận động co bóp của cơ vòi trứng và nhu động của các nhung mao trên bề mặt niêm mạc vòi trứng. Các vận động của cơ vòi trứng và nhung mao niêm mạc vòi trứng đều có hướng di chuyển từ phía loa vòi trứng về phía buồng tử cung. Ngoài ra còn có một buồng dịch trong ổ bụng luôn chuyểnđộng hướng về phía loa vòi trứng nên hút noãn về phía đó.

Sự thụ tinh

Thời điểm thụ tinh: Ngày thứ 14 của chu kỳ kinh nguyệt 28 ngày.

Vị trí thụ tinh: 1/3 ngoài của vòi trứng.

Quá trình thụ tinh: Tinh trùng và noãn gặp nhau. Cực đầu của tinh trùng tiết ra men để phá hủy lớp tế bào hạt và đi qua lớp màng trong của noãn. Khi cực đầu của tinh trùng đi qua màng trong thì màng trong thay đổi để không cho tinh trùng khác vào được nữa. Vào tới màng bào tương của noãn, cực đầu của tinh trùng mất đi, nhân của tinh trùng nằm trong bào tương của noãn. Nhân của tinh trùng trở thành tiền nhân đực và nhân của noãn trở thành tiền nhân cái. Hai tiền nhân đực và cái tiếp tục phát triển riêng rẽ sau đó xích lại gần nhau rồi kết hợp thành một nhân. Một tế bào mới được hình thành để phát triển thành thai và các phần phụ của thai, có đầy đủ bộ nhiễm sắc thể (46) gọi là trứng. Trứng phát triển và phân bào ngay.

Giới tính của thai được quyết định ngay khi thụ tinh. Nếu tinh trùng mang nhiễm sắc thể giới tính Y thì sẽ phát triển thành thai trai (46XY). Ngược lại nếu tinh trùng mang nhiễm sắc thể giới tính X thì sẽ phát triển thành thai gái (46 XX).

Sự di chuyển của trứng

Trứng di chuyển từ 1/3 ngoài vòi trứng vào trong buồng tử cung để làm tổ.

Thời gian dịch chuyển của trứng: 3 – 4 ngày. Sau khi vào được trong buồng tử cung trứng còn sống tự do 2 – 3 ngày rồi mới làm tổ.

Cơ chế di chuyển: Do nhu động của vòi trứng, hoạt động của nhung mao niêm mạc vòi trứng và luồng chất dịch di chuyển trong ổ bụng có hướng từ loa vòi trứng vào buồng tử cung.

Các yếu tố ảnh hưởng tới sự di chuyển của vòi trứng.

Estrogen làm tăng nhu động của vòi trứng do đó sự di chuyển của trứng được nhanh hơn. Ngược lại, progesteron làm giảm trương lực cơ, giảm nhu động của vòi trứng nên trứng sẽ di chuyển chậm lại.

Vòi trứng quá dài hoặc bị gẫy khúc do dính hoặc bị chèn ép từ bên ngoài, vòi trứng bị viêm mãn tính làm cho lòng vòi trứng không đều, hẹp lại – tất cả các nguyên nhân này đều làm cho sự di chuyển trứng bị cản trở, trứng không vào được buồng tử cung nên làm tổ ở ngoài buồng tử cung dẫn đến có thai ngoài tử cung.

Trên đường di chuyển từ 1/3 ngoài vòi trứng vào buồng tử cung, trứng tiến hành phân bào ngay. Từ một tế bào, trứng phân chia lần 1 thành hai tế bào mầm, sau đó thành 4 tế bào mầm bằng nhau. Ở lần phân chia thứ 3, trứng tạo thành 8 tế bào mầm không bằng nhau, gồm 4 tế bào mầm nhỏ và 4 tế bào mầm to. Các tế bào mầm nhỏ sẽ phát triển thành lá nuôi, các tế bào mầm to sẽ phát triển thành các lá thai và sau này trở thành thai nhi.

Các tế bào mầm nhỏ phát triển nhanh, bao quanh các tế bào mầm to, tạo thành phôi dâu, có 16 – 32 tế bào. Trong phôi dần xuất hiện một buồng nhỏ chứa dịch và đẩy các tế bào về một phía để tạo thành phôi nang.

Trong quá trình di chuyển, trứng tiếp tục phân bào nhưng kích thước không thay đổi. Khi vào tới buồng tử cung trứng ở giai đoạn phôi nang và còn tự do 2 – 3 ngày trước khi làm tổ.

Sự làm tổ của trứng

Trứng bắt đầu làm tổ từ ngày 6 – 8 sau khi thụ tinh, thời gian làm tổ kéo dài 7 – 10 ngày, kết thúc quá trình làm tổ vào ngày 13 – 14 sau khi thụ tinh.

Vị trí làm tổ của trứng thường ở đấy tử cung. Nếu trứng làm tổ ở các vị trí thấp, đặc biệt là ở sát eo tử cung sẽ trở thành rau tiền đạo.

Niêm mạc tử cung khi trứng di chuyển vào buồng tử cung đang ở giai đoạn phát triển đầy đủ nhất để chuẩn bị cho trứng làm tổ(giai đoạn hoài thai).

Quá trình làm tổ: phôi nang dính vào niêm mạc tử cung, các chân giả của lá nuôi bám vào niêm mạc, gọi là hiện tượng bám rễ. Các tế bào của lá nuôi phá huỷ lớp biểu mô niêm mạc tử cung và phôi nang chui sâu qua lớp biểu mô. Ngày 9 – 10 phôi nang chui qua lớp biểu mô trụ nhưng chưa sâu trong lớp đệm, bề mặt chưa được phủ kín. Ngày 11 – 12 phôi nang hoàn toàn nằm trong lớp đệm. Ngày 13 – 14 lớp biểu mô phát triển phủ kín vị trí trứng làm tổ.

Sự phát triển của trứng và phần phụ của trứng

Phân chia giai đoạn

Hai giai đoạn hay hai thời kỳ:

Thời kỳ sắp xếp tổ chức bắt đầu từ khi thụ tinh cho đến hết tháng thứ 2 (8 tuần lễ đầu).

Thời kỳ hoàn chỉnh tổ chức: Từ tháng thứ 3 đến khi đủ tháng.

Thời kỳ sắp xếp tổ chức

Sự hình thành bào thai:

Khi vào buồng tử cung trứng ở giai đoạn phôi nang. Các tế bào mầm to phân chia và phát triển thành bài thai có 2 lớp lá thai ngoài và lá thai trong. Giữa hai lá thai có một khoảng trống, về sau phát triển thành lá thai giữa.

Tất cả các bộ phận của cơ thể thai nhi đều do ba lá thai này tạo thành. Lá thai ngoài tạo thành da và hệ thống thần kinh, lá thai giữa tạo thành hệ thống cơ, xương, tổ chức liên kết, hệ tuần hoàn, hệ tiết niệu…, lá thai trong tạo thành hệ tiêu hoá và hô hấp.

Bài thai phát triển nhanh và cong lại tạo thành cực đầu và cực đuôi. Cực đầu phát triển nhanh và to do sự hình thành và phát triển của các túi não nên đầu cúi gập về phía bụng. Bào thai khi mới phát triển là một đĩa phôi dẹt, có 3 lớp về sau cuộn tròn lại tạo thành một ống hình trụ, gọi là sự khép mình phôi.

Phát triển của phần phụ:

Nội sản mạc: Một số tế bào của lá thai ngoài ở phía lưng bài thai tan ra tạo thành một buồng chứa dịch là buồng ối. Thành của buồng ối là màng ối. Buồng ối ngày càng phát triển và dần dần thai nhi nằm hoàn toàn trong buồng ối.

Trung sản mạc: Các tế bào mầm nhỏ phát triển thành trung sản mạc. Trung sản mạc có hai lớp, lớp hội bào và lớp tế bào Langhans. Thời kỳ này là thời kỳ trung sản mạc rậm hay thời kỳ rau toàn diện.

Ngoại sản mạc: Niêm mạc tử cung biến đổi thành ngoại sản mạc. Ngoại sản mạc có 3 phần: ngoại sản mạc trứng, ngoại sản mạc tử cung và ngoại sản mạc tử cung – rau.

Thời kỳ hoàn chỉnh tổ chức

Sự phát triển của thai: Thai nhi đã được hình thành đầy đủ các bộ phận và tiếp tục lớn lên, phát triển và hoàn chỉnh các tổ chức của thai.

Phát triển phần phụ của thai.

Nội sản mạc ngày càng phát triển. Buồng ối rộng ra và bao quanh thai nhi.

Trung sản mạc: Trung sản mạc chỉ phát triển ở phần trứng làm tổ và kết hợp với phần ngoại sản mạc tử cung – rau tạo thành bánh rau. Các gai rau phá huỷ ngoại sản mạc và tạo thành các hồ huyết. Trong hồ huyết có hai loại gai rau, gai rau dinh dưỡng và gai rau bám. Các phần khác của trung sản mạc teo đi thành một màng mỏng.

Ngoại sản mạc trứng và ngoại sản mạc tử cung teo mỏng dần và hợp thành một màng. Ngoại sản mạc tử cung – rau và một phần trung sản mạc phát triển thành bánh rau để nuôi dưỡng thai.

Thai nhi thực hiện việc trao đổi chất qua hệ thống tuần hoàn rau thai.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận