[Ngoại khoa] Bệnh học ngoại trật khớp háng

Đại cương

Trật khớp háng tương đối ít gặp chiếm khoảng < 5% tổng số trật khớp. Tỉ lệ nam/ nữ là 5/1.

Ở người lớn trật khớp háng do chấn thương mạnh xảy ra do một lực tác động gián tiếp vào đầu dưới xương đùi, và vùng gối khi đùi gấp, xoay trong và khép, khớp gối ở tư thế gấp. Lực truyền theo thân xương đùi thúc chỏm vào bao khớp phía sau và thúc vào bờ hõm khớp, làm cho bao khớp rách và có đến 40% trường hợp bị vỡ hõm khớp. Chỏm xương đùi bật ra ngoài làm đứt dây chằng tròn.

Phân loại

Phân loại theo kiểu trật

Tùy theo vị trí của chỏm so với hõm khớp ta phân biệt 3 loại.

Trật ra sau: Rất phổ biến, chiếm 80% hay hơn nữa.

Trật ra sau lên trên chiếm phần lớn gọi là trật kiểu chậu.

Trật ra sau xuống dưới gọi là trật kiểu ngồi.

Trật ra trước: Ít gặp chiếm khoảng 10% tổng số trật khớp háng.

Trật ra trước lên trên gọi là kiểu mu.

Trật ra trước xuống dưới gọi là kiểu bịt.

Trật trung tâm

Đáy hõm khớp bị vỡ chỏm bị trật kiểu này di lệch sâu về phía đáy hõm khớp do 2 nguyên nhân.

Do lực tác động lên mấu chuyển lớn thúc chỏm vào trong làm vỡ đáy hõm khớp chỏm bị thương tổn nặng. Nhóm này chiếm 55%.

Do vỡ xương chậu (phần xương chậu ở hõm khớp) nên chỏm dễ dàng bị di lệch vào trong và chỏm ít bị thương tổn.

Do cả hai nguyên nhân vừa nêu trên: Gặp 3 – 5% của trật trung tâm.

Phân lọai theo độ nặng

Dựa vào thương tổn xương và theo độ vững của khớp háng.

Độ 1: Hõm khớp lành hay chỉ bị sứt một tí không gây di chứng gì.

Độ 2: Hõm khớp bị vỡ ở vách phía sau nhưng khi nắn khớp đủ vững về lâm sàng.

Độ 3: Vách phía sau của hõm khớp vỡ nặng sau khi nắn, khớp không đủ vững, dễ bị trật lại ngay, cần mổ cố định mảnh gãy ở vách sau của hõm.

Độ 4: Kèm gãy chỏm hay cổ xương đùi.

Khám lâm sàng

Tuy có nhiều kiểu trật như nêu trên nhưng thực tế trên lâm sàng chỉ có một kiểu phổ biến đó là trật ra sau lên trên kiểu chậu.

Nhìn

Thấy đùi gấp nhẹ, khép và xoay trong, chi ngắn lại. Gối bên trật lên cao hơn và như tựa lên đầu gối bên lành.

Dấu hiệu chung cho biết các kiểu trật:

Các kiểu trật ra sau: Đùi khép và xoay vào trong.

Các kiểu trật ra trước: Đùi dạng và xoay ngoài.

Các kiểu trật lên trên (kiểu chậu, mu) đùi gấp nhẹ có dấu hiệu ngắn chi.

Các kiểu trật xuống dưới: (Kiểu ngồi, kiểu bịt) đùi gấp nhiều, dấu hiệu ngắn chi không rõ, thậm trí chi như dài ra.

Qua các dấu hiệu chung đó dễ dàng thấy được dấu hiệu lâm sàng của một kiểu nào đó.

Tuy có nhiều kiểu trật như nêu trên nhưng thực tế trên lâm sàng kiểu phổ biến nhất là trật kiểu chậu: đùi gấp nhẹ, khép và xoay trong, chi ngắn lại. Gối bên trật lên cao hơn và như tựa lên đầu gối bên lành. Trật khớp kiểu bịt đùi dạng, xoay ngoài đùi gấp nhiều chi không ngắn mà như dài ra.

Sờ nắn và khám cơ năng

Chi bị trật khớp mất cơ năng hoàn toàn, với kiểu chậu sờ phát hiện được mấu chuyển lớn lên cao hơn so với đường Nélaton – Roser do đó có dấu hiệu ngắn chi.

Chụp X quang

Cần chụp X quang xương chậu và khớp háng ở tư thế thẳng. Nếu ở hõm khớp có một bất thường nhỏ chụp tia chếch 450 ra sau vào trong để phát hiện mảnh vỡ phía sau hõm khớp.

Biến chứng

Thương tổn thần kinh

Với kiểu trật ra sau kèm gãy xương có thể bị biến chứng liệt thần kinh hông to, tỉ lệ từ 1 – 33%.

Cần khám dấu hiệu liệt cử động ở cẳng bàn chân và mất cảm giác ở gan chân.

Nếu hõm khớp không vỡ thần kinh hông to bị liệt do căng, do giập, do chèn ép giữa chỏm với ụ ngồi thì liệt thường nhẹ.

Nếu vỡ hõm khớp và liệt thần kinh thường do tổn thương giải phẫu (đứt một phần, đứt hẳn). Nên mổ sớm để khâu nối thần kinh.

Trật khớp kèm gãy xương

Vỡ hõm ở phía sau.

Kèm gãy cổ xương đùi: Thường phải mổ để nắn chỏm và cố định ổ gãy bằng đinh hay nẹp vis.

Phân loại trật khớp háng ra sau phổ biến nhất là phân loại của Thompson và Epstein:

Kiểu 1: Trật khớp háng có hoặc không kèm vỡ nhỏ ổ cối. Vững sau nắn.

Kiểu 2: Trật khớp háng kèm theo vỡ một mãnh lớn bờ sau ổ cối. Không vững sau nắn.

Kiểu 3: Trật khớp háng kèm theo vỡ vụn nhiều mảnh bờ sau ổ cối.

Kiểu 4: Trật khớp háng kèm theo gãy sàn ổ cối.

Kiểu 5: Trật khớp háng kèm theo gãy cổ xương đùi.

Điều trị

Trật khớp tới sớm. Kéo nắn kiểu Boehler: áp dụng cho mọi kiểu trật khớp háng.

Gây mê sâu cần thiết cho thuốc giãn cơ. Để bệnh nhân nằm ngữa trên một tấm ván dài. Chậu hông được bất động chắc chắn. Háng và gối gấp900. Gấp một khăn vải vặn hình số 8. Một đầu quấn vòng phần trên khoeo

bệnh nhân còn một đầu treo vào cổ người nắn. Người nắn quì xuống cạnh bệnh nhân phía bên trật khớp để đầu gối cùng bên với trật khớp vào khoeo chân bệnh nhân.

Thêm một tay phía dưới đè chân bệnh nhân xuống, như vậy sẽ đẩy đầu gối bệnh nhân lên cao. Cứ kéo mạnh như thế là đủ đưa chỏm vào ổ khớp. Nếu chưa vào giúp thêm bằng cách chữa tư thế trật.

Nếu trật ra sau dạng đùi và xoay ngoài – Nếu trật ra trước khép đùi và xoay trong.

Sau nắn bất động bột 3 tuần cho liền chỗ rách của bao khớp và dây chằng.

Dự phòng

Tuyên truyền và giáo dục trong cộng đồng về luật giao thông và lao động.

Cần giáo dục cộng đồng sơ cứu tại chỗ và bất động tốt các trường hợp trật khớp.

Đối với các tuyến y tế cơ sở cần chẩn đoán sớm, xử lý đúng và nắn trật khớp sớm.

Giáo dục cho bệnh nhân tập luyện phục hồi chức năng sau điều trị.

Giáo dục cho cộng đồng không nên xoa bóp và nắn khớp hoặc chích lễ ở các thầy lang.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận