[Nội khoa] Bài giảng điều trị xuất huyết tiêu hóa trên (cao)

Đây là cấp cứu nội – ngoại khoa. Thông thường điều trị nội phải bắt đầu trước tiên . Chỉ định điều trị ngoại cần có hội chẩn giữa bác sĩ nội khoa , ngoại khoa và nội soi

Các biện pháp tổng quát

Chăm sóc

Khi vừa tiếp nhận bệnh nhân, phải đánh giá ngay:

Mức độ mất máu.

Tình trạng huyết động.

Hai yếu tố này cho biết khả năng chịu đựng và mức độ điều trị cần thiết.

Xét nghiệm máu:

Lập tức rút máu thử Hct, xét nghiệm nhóm máu và tìm máu tương hợp, đếm tiêu cầu và làm xét nghiệm đông máu. Trong trường hợp khẩn cấp, cần lưu ý đến khả năng Hct không chính xác.

Tiến hành đặt 2 đường truyền tĩnh mạch lớn ngoại vi:

Sonde tĩnh mạch trung tâm khi cần kiểm soát chặt chẽ CVP, có thể không cần thiết nếu đảm bảo được tốc độ truyền nhanh qua ngoại vi.

Sonde dạ dày cần đặt tại chỗ ít nhất 24-48 giờ cho mọi trường hợp.

Sonde oxy cần cho các trường hợp có sốc hay có biểu hiện thiếu oxy não.

Sonde tiểu dùng theo dõi chức năng thận, chỉ nên dùng khi có sốc và thiểu niệu.

Mức độ theo dõi các sinh hiệu tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể của bệnh nhân.

Thông thường, nếu bệnh nhân có sốc, nên theo dõi mạch và huyết áp mỗi 15 – 30 phút, Hct mỗi 4 – 6 giờ. Các thay đổi giúp ta theo dõi diễn tiến bệnh và đánh giá kết quả điều trị.

Chế độ ăn

Nhịn ăn và nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch khi xuất huyết đang diễn tiến.

Uống sữa , súp (để ở nhiệt độ phòng ) khi xuất huyết tạm ngưng.

Ăn đặc trở lại khi xuất huyết đã ngưng (bệnh nhân tiêu phân vàng).

Chế độ sữa lạnh nhiều lần trong ngày khi đang xuất huyết không được khuyến cáo vì:

Làm tăng sự co bóp và tiết axit ở dạ dày.

Làm cản trở nội soi và phẫu thuật khi cần

Không cần thiết vì đã có các antacid trung hoà bớt.

Sinh hoạt

Bệnh nhân nằm đầu thấp, tiêu tiểu tại giường đối với các bệnh nhân xuất huyết mức độ vừa, nặng hoặc xuất huyết đang diễn tiến, nằm ở phòng yên tĩnh có phương tiện cấp cứu khi cần thiết.

Khi cần di chuyển để chụp, soi… cần đảm bảo huyết áp, di chuyển nhẹ nhàng ở tư thế nằm.

Có thể cho thuốc an thần ở các bệnh nhân nhẹ và vừa, chú ý chống chỉ định ở bệnh nhân suy gan và ở các bệnh nhân có rối loạn tri giác.

Giai đoạn hồi sức nội khoa

Truyền dịch và máu

Mục tiêu:

Duy trì huyết động ổn định, Hct > 25%.

Truyền dịch, máu tuỳ theo mức độ mất máu:

Mức độ nhẹ: Chủ yếu truyền dịch, không cần truyền máu, theo dõi đánh giá còn chảy máu không và nhanh chóng tìm nguyên nhân.

Mức độ trung bình: Truyền dịch và tìm nguyên nhân, nhưng nếu chảy máu vẫn tiếp diễn cũng nên truyền máu.

Mức độ nặng: Phải truyền máu, lưu ý trong khi chờ có máu cần truyền dịch ngay.

Khi có chỉ định truyền máu thường bù 1/3 lượng máu và 2/3 là dịch.

Các loại dịch truyền:

Truyền máu cùng nhóm hoặc hồng cầu lắng O: Máu là dịch tốt nhất. Tuy nhiên, cần có thời gian để kiểm tra sự tương hợp nhóm máu.

Plasma tươi có thể hữu ích nếu bệnh nhân có thêm rối loạn đông máu.

Các dung dịch đại phân tử có tác dụng giữ nước trong lòng mạch rất tốt. Tuy nhiên:

Đắt tiền.

Có thể gây rối loạn hệ võng nội mô.

Cản trở việc xác định nhóm máu và phản ứng chéo sau đó vì các phân tử Dextran bám vào bề mặt hồng cầu.

Gây rối loạn đông máu do bám vào các tiểu cầu.

Có thể truyền được hầu hết các dịch truyền Glucose 5%, Natri clorua 0,9%, Lactat Ringe. Các loại dịch có Na lưu giữ nội mạch tốt hơn Glucose.

Các loại dịch này rẻ tiền, luôn có sẵn, sử dụng đơn giản, phục hồi nhanh chóng khối lượng tuần hoàn, không biến chứng. Tuy nhiên, chúng làm pha loãng máu, giám áp lực keo, giảm Hct giả tạo và không làm tăng khả năng vận chuyển oxy. Do đó, chỉ có vai trò tạm thời. Nếu dùng quá nhiều, sẽ đưa đến quá tải Natri, ngộ độc nước, trong khi bệnh nhân vẫn có thể vào sốc.

Tốc độ truyền tuỳ thuộc vào mức độ và tốc độ mất máu

Việc truyền dịch phải đảm bảo:

Huyết áp tâm thu 100-110mmHg ở người bình thường.

CVP khoảng 8 cm H2O.

Hct khoảng 30% ở người lớn tuổi.

Các lưu ý:

Huyết áp: Đối với người bị cao huyết áp, huyết áp tăng cao quá có thể làm xuất huyết tái phát. Trị số lý tưởng là thấp hơn bình thường 10 – 20mmHg. Nếu quá thấp, rất dễ đưa đến nhũn não.

CVP đối với các ca nặng, có sốc và tổn thương thành mạch. CVP chỉ nên duy trì từ 3 – 8cm H2O. Nếu CVP > 8cm H2O sẽ làm tăng thấm dịch và gây phù mô kẻ rất nhiều.

Hct: Đối với các bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh tim phổi mãn tính, nên cố gắng đạt 30%. Nếu bệnh nhân trẻ, có thể dung nạp được ở mức 20 – 25%.

Tốc độ truyền liên quan trực tiếp đến CVP và huyết áp. Có thể truyền rất nhanh hay bơm trực tiếp. Đối với các bệnh nhân có suy tim ứ huyết, nên truyền chậm, dùng hồng cầu lắng.

Theo dõi

Trong đa số trường hợp, huyết áp sẽ ổn định trước, CVP đã bình thường nhưng Hct và số lượng hồng cầu vẫn còn thấp chứng tỏ tình trạng loãng máu. Nếu tiếp tục truyền nhanh sẽ đưa đến OAP. Do đó, nên truyền máu chậm để tạo điều kiện thải trừ Na và nước thừa dần dần ra khỏi lòng mạch. Việc truyền dịch là tốt khi đảm bảo được tưới máu nội tạng, phản ánh qua lưu lượng nước tiểu > 0.5 ml/kg/giờ. Trong khi đang bù đắp khối lượng tuần hoàn, cần tính đến lượng máu vẫn đang tiếp tục mất.

Các vấn đề khác

CaCl2 nên cho 1g mỗi 2 đơn vị máu. Không nên lạm dụng CaCl2 với mục đích chống sốc vì Ca2+ có tác dụng kích thích tiết axit trực tiếp.

Hydrocortison và mọi loại corticoid không có vai trò gì trong điều trị sốc mất máu, có thể nguy hiểm nếu bệnh nhân đang bị loét dạ dày – tá tràng.

Các thuốc co mạch: Dopamin, Dobutamin, Norepinephrine… không nên dùng vì có hại nhiều hơn có lợi:

Gây thiếu oxy mô.

Tăng ly giải glucose theo đường yếm khí.

Nặng thêm tình trạng toan chuyển hoá.

Tình trạng tăng huyết áp nếu có chỉ là giả tạo trước khi rơi trở lại vào sốc nặng hơn.

Các thuốc trợ tim, các thuốc co mạch, vitamin K… đều không có ích lợi gì.

Giới thiệu điều trị tại các tuyến

Tại tuyến xã:

Cho bệnh nhân nằm đầu thấp chân cao.

Đặt 1 – 2 đường truyền tĩnh mạch ngoại vi , truyền natri clorua 0,9 %, nhanh chóng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Tại tuyến huyện:

Nếu huyết áp tối đa < 90mmHg, tiếp tục truyền nhanh dung dịch muối đẳng trương . Nếu có điều kiện truyền các dung dịch cao phân tử plasma trong 30 phút (nếu huyết áp không lên có thể truyền đến 1500 ml).

Truyền máu khi có tụt huyết áp.

Thở o xy qua ống thông mũi 3 – 5 lít/ phút.

Nếu bệnh nhân có rối loạn ý thức phải đặt nội khí quản bơm bóng chèn để bảo vệ đường thở.

Sau khi đã điều trị như trên mà tình trạng bệnh nhân không cải thiện như mạch vẫn nhanh trên 120 lần/ phút , tiếp tục đi tiêu phân đen hoặc ống thông dạ dày ra máu , hội chẩn với khoa ngoại can thiệp phẫu thuật nếu có thể. Nếu phải chuyển tuyến trên, phải bảo đảm huyết áp ổn định bằng truyền dịch , truyền máu trong lúc vận chuyển. Bệnh nhân nằm đầu thấp chân cao.

Theo dõi mạch, huyết áp, ý thức, tình trạng nôn máu, đi cầu phân đen.

Tại tuyến tỉnh:

Tiếp tục cho thở oxy qua ống thông mũi 3 – 5 lít / phút.

Tiếp tục truyền dịch. Nếu cần thiết có thể đặt ống thông đo áp lực tĩng mạch trung tâm để điều chỉnh tốc độ truyền.

Truyền máu toàn phần hoặc hồng cầu lắng khi Hb < 8 g/dl. Đối với bệnh nhân suy thận , bệnh tim , người già truyền máu hoặc hồng cầu lắng khi Hb < 10 l/dl. Chú ý cho thêm can xi.

Plasma tươi đông lạnh dùng khi bệnh nhân có rối loạn đông máu.

Theo dõi nước tiểu mỗi giờ.

Đặt ống thông dạ dày: giúp chẩn đoán, theo dõi chảy máu, rửa dạ dày…chuẩn bị nội soi cấp cứu.

Chẩn đoán nội soi

Chuẩn bị

Việc rửa dạ dày không phải là bắt buộc:

Rửa dạ dày trước soi nhằm làm giảm bớt máu cục trong dạ dày, giúp khảo sát tốt hơn. Tuy nhiên, mục đích này khó đạt được vì tube Levine thường không đủ lớn cho mục đích đó.

Rửa bằng ống Faucher quá nặng cho bệnh nhân đang xuất huyết.

Trên thực tế, các tổn thương gây xuất huyết thường tập trung ở thực quản, quanh góc bờ cong nhỏ, hang vị và hành tá tràng. Máu trong dạ dày thường đọng ở phần phình vị và bờ cong lớn, ta có thể thay đổi tư thế bệnh nhân.

Atropin có thể không dùng để tránh làm tăng thêm nhịp tim.

Có thể đặt nội khí quản trước khi soi để tránh viêm phổi hít.

Nên có bộ đo oxy mô để theo dõi sát hơn tình trạng của bệnh nhân.

Mọi trường hợp nội soi cấp cứu cần được thông báo với bác sĩ ngoại khoa để có sự phối hợp can thiệp khi có chỉ định ngoại khoa.

Thời điểm

Nội soi nên được tiến hành sau khi qua hồi sức nội khoa, huyết áp tương đối ổn định.

Thời điểm trong vòng 24 giờ giúp phát hiện tổn thương chính xác hơn.

Vị trí

Nên nội soi ở phòng mổ để đảm bảo về mặt hồi sức cần thiết.

Các bất lợi khi nội soi cấp cứu

Quan sát khó khăn hơn:

Thay đổi tư thế.

Dùng nước rửa.

Thời gian hạn chế hơn nếu bệnh nặng.

Bệnh nhân hợp tác kém hơn:

Đặt nội khí quản.

Dùng thuốc ngủ hay tiền mê.

Chẩn đoán tình trạng xuất huyết rất chính xác

Nếu thấy máu tươi trong dạ dày, chứng tỏ xuất huyết đang tiến triển.

Nếu chỉ thấy máu đen, xuất huyết đã cũ.

Chẩn đoán nội soi loét

Loét thường gặp nhất, có thể khó khăn do vị trí đặc biệt: tâm vị, thân – phình vị, mặt sau hành tá tràng hay có kích thước nhỏ. Có thể có nhiều ổ loét nhưng chỉ có một vị trí xuất huyết.

Các triệu chứng nội soi:

Một ổ loét thường rất dễ thấy. Tuy nhiên việc mô tả chính xác một ổ loét không phải là điều dễ dàng và cần xét đến nhiều yếu tố:

Số lượng:

Nhiều ổ loét thường gặp khi bệnh nhân dùng các thuốc kháng viêm không steroid hay ở trạng thái tăng tiết. Sự kết hợp loét dạ dày và loét tá tràng rất phổ biến. Trong nhiều trường hợp, ổ loét nằm đối diện ở 2 mặt của dạ dày. Cần nhớ rằng khi có hơn 2 ổ loét, chúng vẫn cần được mô tả riêng rẽ với nhau.

Vị trí:

Cần xác định vị trí theo trục và theo tiết diện.

Ở các bệnh nhân lớn tuổi, các tổn thương loét thường ở vùng thân và ngược lại ở các bệnh nhân trẻ, loét thường ở hang vị. Loét thường hay gặp ở bờ trên và bờ dưới của niêm mạc hang vị, nghĩa là vùng góc và tiền môn vị. Loét ở một số vị trí như ống môn vị, tâm vị, mặt sau hành tá tràng có thể rất khó xác định.

Bờ:

Ở giai đoạn tiến triển, bờ thường nhô cao, phù nề và xung huyết.

Ở giai đoạn lành và tạo sẹo, thường là phẳng.

Đáy:

Thường trắng hay xám do có giả mạc và mô hoại tử.

Chú ý quan sát đáy ổ loét để đánh giá khả năng xuất huyết.

Có cặn máu đen: Xuất huyết cũ.

Có cục máu đông: Xuất huyết mới – nguy cơ xuất huyết tái phát cao.

Có mạch máu nhìn thấy: nguy cơ xuất huyết tái phát cao.

Kích thước:

Hầu hết các ổ loét nhỏ hơn 1cm. Đôi khi loét có thể lớn từ 1 – 3cm. Một ổ loét lớn hơn 3cm được coi là khổng lồ. Tuy nhiên, kích thước không liên quan đến xu hướng gây xuất huyết của ổ loét.

Hình dạng:

Tròn, bầu dục hay dạng đường.

Ổ loét dạng đường thường khó xác định chính xác điểm chảy máu.

Các thay đổi xung quanh:

Nếp niêm mạc hội tụ.

Co kéo và biến dạng.

Tình trạng niêm mạc nền có bị viêm không.

Cần chú ý loét ác tính.

Phân loại Forrest cho phép đánh giá khả năng xuất huyết từ một tổn thương loét:

Ia

Máu phun thành tia

Máu từ đông mạch, nguy cơ tái xuất huyết rất cao

Ib

Máu rỉ thành dòng

Máu từ tĩnh mạch, nguy cơ tái xuất huyết cao

IIa

Mạch máu nhìn thấy

Nguy cơ tái xuất huyết cao

IIb

Cục máu dính

Nguy cơ tái xuất huyết cao

IIc

Có cặn máu đen

Nguy cơ xuất huyết thấp

III

Đáy sạch

Không nguy cơ xuất huyết

Chẩn đoán nội soi giãn tĩnh mạch thực quản

Được chẩn đoán thật dễ dàng.

Một số trường hợp có giãn tĩnh mạch thực quản nhưng nguồn gốc chảy máu có thể từ loét hay giãn tĩnh mạch phình vị.

Khi xác định nguyên nhân chảy máu là giãn tĩnh mạch thực quản, đôi khi ta cũng không tìm được điểm chảy máu chính xác từ đâu.

Các hình ảnh nội soi được mô tả theo 6 yếu tố chính.

Vị trí:

Căn cứ vào mốc chổ đập của động mạch chủ ấn vào thành thực quản.

Trên mốc đó: Ls (locus superior).

Ngang: Lm (locus mediali).

Dưới đó: Li (locus inferior).

Ngoài ra cần ghi nhận sự hiện diện của giãn tĩnh mạch ở dạ dày Lg (locus gastrica).

Ở tâm vị: Lg – c (cardia).

Ở phình vị: Lg – f (fornix).

Việc ghi nhận các vị trí xuất phát từ việc cấp máu khác nhau ở các khu vực.

Hình dạng (form):

F0: Không có dạng giãn tĩnh mạch. Trên thực tế, F0 được dùng để ghi nhận sự biến mất cột tĩnh mạch giãn sau khi chích xơ hay thắt.

F1: Giãn tĩnh mạch kích thước nhỏ, thẳng.

F2: Giãn tĩnh mạch khá lớn, giãn xâu chuỗi chiếm ít hơn 1/3 lòng thực quản.

F3: Giãn tĩnh mạch rất lớn giống như khối u, chiếm hơn 1/3 lòng thực quản.

Đánh giá giống nhau cho giãn tĩnh mạch thực quản và dạ dày.

Màu sắc cột tĩnh mạch (color):

Trắng: Cw (White) trông rất giống như một nếp niêm mạc.

Xanh: Cb (blue) trông như đang ứ đầy máu.

Sau khi tiến hành chích xơ hoá, màu sắc có thể thay đổi do xuất hiện huyết khối, ta có thể ghi nhận Cw – th hay Cb – th.

Dấu đỏ (red color sign):

Được mô tả như sự đổi màu đỏ khu trú ở ngay lớp dưới niêm mạc. Dấu đỏ (RC) được ghi nhận là (+) hay (-) có thể thấy ở các dạng sau:

Lằn đỏ (RWM: red wale marking) là những tiểu tĩnh mạch giãn chạy dọc theo cột giãn tĩnh mạch lớn giống như một lằn roi.

Bọc máu (HCS: hematocystic spot) là những chỗ nhô cao màu đỏ trông giống như một bọc máu. Bọc máu này thường xuất hiện đơn độc.

Loại dấu đỏ sẽ được ghi nhận sau kí hiệu RC (+).

Các dấu đỏ chỉ điểm nguy cơ xuất huyết cao và nên được đánh giá mức độ nặng nhẹ tuỳ theo kích thước và vị trí theo 4 độ (-), (+), (++) và (+++).

RC (-) không có.

RC (+) số lượng ít và khu trú.

RC (++): số lượng vừa và rộng hơn.

RC (+++) : số lượng nhiều và gần như toàn bộ chu vi.

Trường hợp đặc biệt sau khi chích xơ hoá:

Cột giãn tĩnh mạch đã xẹp nhưng dấu đỏ có thể vẫn tồn tại: FO, RC (+).

Các dấu đỏ không có dạng đặc hiệu như trên nhưng vẫn nên được ghi nhận, đánh giá mức độ và mô tả chi tiết nếu có thể được.

Tình trạng giãn mao mạch (Telangiectasia) nếu có được ghi nhận là Te(+). Tuy nhiên Te (+) không có liên quan rõ ràng với nguy cơ xuất huyết.

Tình trạng chảy máu:

Đang chảy máu:

Chảy thành tia.

Rỉ máu.

Sau khi cầm máu:

Cục máu đỏ.

Cục máu trắng.

Các tổn thương niêm mạc kèm theo:

Vết sướt, loét, sẹo.

Phân độ chủ yếu dựa vào kích thước của giãn tĩnh mạch:

Độ 1: giãn tĩnh mạch thực quản nhỏ, bơm hơi xẹp.

Độ 2: Các tĩnh mạch ngoằn ngoèo không xẹp khi bơm hơi, chưa chiếm hết chu vi lòng thực quản.

Độ 3: Các tĩnh mạch ngoằn ngoèo chiếm hết chu vi lòng thực quản, có nhiều dấu đỏ.

Giai đoạn cầm máu nội khoa

Xuất huyết tiêu hoá do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản

Nguyên tắc điều trị: Điều trị giãn tĩnh mạch thực quản có hai giai đoạn:

Giai đoạn cấp cứu: nhằm vào việc làm ngưng chỗ chảy máu tạm thời.

Giai đoạn lâu dài: nhằm vào việc loại trừ triệt để các búi giãn tĩnh mạch.

Các phương thức điều trị:

Sonde Blakemore:

Ưu điểm: chèn bóng cầm máu.

Khuyết điểm: bệnh nhân rất khó chịu.

Kỹ thuật: Sau khi đặt sonde qua mũi vào dạ dày, bơm ballon dạ dày với 150cc khí, kéo lên cho đến khi ballon vướng lại ở tâm vị, bơm ballon thực quản với 100 – 150cc khí, tốt nhất là đạt áp suất khoảng 30 – 40mmHg, cố định sonde. (chú ý: lượng hơi bơm vào nên theo chỉ dẫn của nhà sản xuất).

Tai biến:

Viêm phổi hít.

Hoại tử thực quản.

Tắc đường thở.

Loét cánh mũi.

Vỡ bóng làm xuất huyết tái phát.

Đau ngực.

Theo dõi: Mỗi 30 phút bơm rửa dạ dày xem còn xuất huyết nữa không. Phải xả bóng 30 phút mỗi 6 giờ nhưng vẫn giữ ống thông tại chổ:

Nếu chảy máu tái phát: bơm bóng thực quản lại như lúc đầu.

Nếu không chảy máu: để thêm 24 giờ vẫn không chảy máu thì xả luôn bóng dạ dày và rút bỏ ống thông Blackemore. Nếu phải để qua ngày thứ hai thì mỗi 4 giờ xả bóng thực quản 30 phút. Hút dịch thực quản thường xuyên. Chú ý xuất huyết tái phát sau khi xả bóng. Khi bơm các bóng phải bơm chậm và quan sát bệnh nhân. Nếu thấy bệnh nhân ngộp thở phải xả ngay các bóng. Kiểm tra lại vị trí ống thông, nếu sai phải rút ống ra và đặt lại.

Kết quả: cầm máu tốt. Nhiều biến chứng. Tỉ lệ tái phát cao.

Ngoài ra còn ống thông Linton hoặc ống thông Minnesota (4 nòng).

Thuốc:

Vasopressin: Truyền tĩnh mạch 0,3 đơn vị/phút trong 30 – 60 phút, sau đó tăng mỗi lần 0,3 đơn vị cho đến khi đạt liều 0,9 đơn vị/phút trong 2 – 4 giờ đánh giá kết quả. Nếu có hiệu quả thì dùng tiếp liều 0,3 đơn vị/phút trong 12 giờ, rồi 0,2 đơn vị/phút/24 giờ và cuối cùng 0,1 đơn vị/phút/24 giờ. Chú ý cẩn thận đối với bệnh nhân có bệnh mạch vành hoặc bệnh mạch máu. Có thể kết hợp với truyền nitroglycerine để khắc phục hạn chế này.

Kết quả: cầm máu tốt, vẫn có tỉ lệ tái phát khi ngưng thuốc.

Octreotide (Sandostatin): Thuốc làm giảm áp lực từ tĩnh mạch mạc treo về do đó làm giảm được áp lực tĩnh mạch cửa, hiệu quả như vasopressin.

Dạng thuốc: Ống 50microgam. 100microgam.

Liều dùng: tiêm mạch 100microgam liều đầu, sau đó dùng bơm điện hoặc truyền tĩnh mạch 25-50 microgam/giờ liên tục trong 3-4 ngày.

Tác dụng phụ của thuốc là tăng đường huyết vì vậy cần thận trọng ở bệnh nhân tiểu đường.

Cơ chế: Trong xuất huyết tiêu hóa trên do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản Octreotide có tác dụng làm co mạch tạng qua cơ chế:

Ức chế các hormone vận mạch của hệ tiêu hoá.

Có tác động co mạch trực tiếp trên thành các tĩnh mạch thuộc hệ cửa nên làm giảm lượng máu vào gan , làm giảm lượng máu trong hệ tuần hoàn bàng hệ và từ đó làm giảm áp lực trong hệ cửa.

Giảm lượng máu ở hệ tạng 25%.

Giảm lượng máu đến gan 25%.

Giảm áp lực trên gan bịt 10 – 15%.

Giảm áp lực trong giãn tĩnh mạch thực quản 35%.

Tất cả các tác dụng này làm giảm lượng máu cung cấp cho các búi tĩnh mạch thực quản nhờ vậy áp lực trong các cấu trúc nói trên hạ xuống . Ngoài ra tác dụng làm ức chế bài tiết dịch vị nên cục máu đông tạo ra ở vị trí vỡ tại búi giãn xuất huyết không bị tan sớm vì vậy hiện tượng cầm máu tự nhiên dễ tiến hành.

Thuốc không làm thay đổi mạch , huyết áp và cung lượng tim nên dễ dung nạp và an toàn.

Kết quả: Cầm máu tốt, vẫn có tỉ lệ tái phát khi ngưng thuốc.

Somatostastin: Cơ chế tác dụng gần giống như Octreotide. Liều khởi đầu 250microgam tiêm mạch , sau đó truyền tĩnh mạch 6 mg / ngày (ống 3mg ) dùng 3-4 ngày.

Điều trị nội soi:

Ưu điểm: Chủ động, cho kết quả cao và giải quyết kịp thời, có thể chuyển tiếp từ điều trị cấp cứu sang tận gốc.

Khuyết điểm: Đòi hỏi chuyên viên, kỹ thuật cao. Chỉ là điều trị tại chỗ, không làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa thực sự. Nhiều tai biến.

Kỹ thuật:

Chích chất xơ: các chất có tính hoại tử và xơ hoá. Hiện nay phổ biến nhất là polidocanol 1-2%. Chích trực tiếp vào lòng tĩnh mạch hay chích cạnh bên. Mỗi đợt 10ml, không quá 2ml cho mỗi vị trí chích. Thường chích 1-4 đợt là đủ.

Tai biến:

Nhiễm khuẩn huyết.

Loét tại vị trí chích, có thể gây xuất huyết, hoại tử và thủng thực quản.

Xơ hoá và hẹp thực quản.

Huyết khối tĩnh mạch cửa.

Kết quả: tỉ lệ thành công cao, thất bại thường do giãn tĩnh mạch to ở dưới tâm vị hay phình vị.

Cột bằng dây thun.

Phẫu thuật

Nối cửa – chủ, nối lách thận.

Ưu điểm: hạ áp cửa thực sự và chủ động.

Tai biến: Đưa đến bệnh não do thông nối cửa – chủ.

TIPS (tạo shunt giữa tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch trên gan).

Ưu điểm: Hạ áp cửa thực sự và chủ động, nhẹ nhàng hơn cuộc mổ.

Khuyết điểm: Có thể tắc shunt sau 1 thời gian do huyết khối.

Kỹ thuật: Dùng catheter chọc dò qua tĩnh mạch cảnh để vào tĩnh mạch trên gan, từ đó tạo một đường thông nối với nhánh tĩnh mạch cửa.

Tai biến: Có thể đưa đến bệnh não do gan.

Theo dõi: Kiểm tra thường xuyên bằng siêu âm doppler để đánh giá hoạt động của shunt.

Ghép gan:

Là giải pháp toàn diện – triệt để cho mọi vấn đề liên quan.

Khuyết điểm: Khó khăn – Chi phí cao.

Điều trị kết hợp chống hôn mê gan.

Chiến lược điều trị:

Ở giai đoạn đang xuất huyết, cần phải cầm máu tức thời:

Bước 1: Chọn lựa giữa đặt sonde Blakmore hay Sandostatin. Nội soi điều trị là phương pháp có kết quả và được lựa chọn. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng tiến hành được và không phải lúc nào cũng làm được. Do đó, nên điều trị bước đầu với 1 trong 2 phương pháp dùng sonde hay sandostatin. Nếu phương pháp này thất bại chuyển sang phương pháp kia. Trong khi đó, chuẩn bị cho nội soi chích xơ cấp cứu (tại chỗ hay chuyển đến nơi khác) Nếu nội soi điều trị có thể tiến hành ngay ta có thể bỏ qua bước này.

Bước 2: Nội soi điều trị.

Chọn lựa giữa chích xơ hay thắt bằng dây thun. Nếu nội soi cầm máu không được thì dùng sonde Blakmore hay sandostatin.

Bước 3: Điều trị phẫu thuật.

Khi tình trạng xuất huyết đã ổn định, cần nghĩ ngay đến việc điều trị các giãn tĩnh mạch:

Bước 1: Nội soi điều trị: phổ biến nhất. Chỉ định bao gồm 2 mức độ:

Phòng ngừa tiên phát: Chỉ định cho mọi trường giãn tĩnh mạch độ 3 dù chưa xuất huyết, đặc biệt có dấu đỏ.

Phòng ngừa thứ phát: Chỉ định cho mọi trường hợp giãn tĩnh mạch đã có xuất huyết.

Chọn lựa giữa chích xơ và thắt: Tại Việt Nam hiện nay phổ biến là chích xơ. Sau đợt chích thành công, cần nội soi định kỳ mỗi 6 tháng để tiếp tục xử trí các búi giãn tĩnh mạch mới xuất hiện.

Bước 2: Phẫu thuật.

Bước 3: TIPS và/hoặc ghép gan.

Nếu không thể đạt được điều trị tận gốc các giãn tĩnh mạch, nên cho thuốc ức chế bêta để ngừa xuất huyết tái phát, propranodol: liều dùng 40-320mg/ngày chia làm 2 lần mỗi 12 giờ , sao cho nhịp tim giảm khoảng 25%,tăng hay giảm liều trong vòng mỗi 3-4 ngày , chú ý không nên hạ thấp nhịp tim xuống dưới mức 55 lần / phút hay huyết áp tâm thu xuống dưới 90 mmHg, cần chú ý các chống chỉ định của propranolol . Tác dụng giảm áp lực tĩnh mạch cửa nhờ làm giảm lưu lượng máu ở mạch cửa và bàng hệ hai bên , điều này một phần do cung lượng tim được làm giảm do chẹn thụ thể beta 1 ở tim và phần khác do tác dụng chẹn thụ thể giao cảm beta 2 của tuần hoàn nội tạng . Đây chính là lý do chọn propranolol và nadolol.

Có thể dùng kết hợp Isosorbide-5-mononitrate hay dùng riêng nếu có chống chỉ định dùng propranolol.

Điều trị xuất huyết tiêu hoá do loét dạ dày – tá tràng

Rửa dạ dày:

Được tiến hành ở tư thế nghiêng trái, đầu thấp. Trong trường hợp có nhiều thức ăn máu cục và nếu tình trạng bệnh nhân cho phép, có thể dùng ống Faucher. Thường dùng dung dịch mặn đẳng trương để hạn chế sự mất điện giải, rửa nhẹ nhàng không quá 300ml mỗi lần. Tác dụng của rửa dạ dày không rõ ràng. Ở nước ngoài, việc lưu ống dạ dày là không cần thiết vì nó có thể gây tổn thương niêm mạc, viêm thực quản và viêm phổi hít. Ở nước ta hiện nay, do các phương tiện theo dõi còn thiếu thốn nên vẫn lưu sonde trong vòng 24 giờ.

Kháng acid:

Các loại kháng acid được dùng ở dạng gel liều thường dùng là 15 – 30ml mỗi 1 – 2 giờ chú ý là nên cho sau khi rửa dạ dày để có thể bám vào niêm mạc tốt hơn. Không nên cho ngay trước khi nội soi có thể cản trở quan sát.

Các chất chống tiết acid:

Khi bệnh nhân đang xuất huyết, bắt buộc phải dùng đường tiêm

Cimetidin: ống 200mg, 300mg. Tiêm bắp 1 ống mỗi 6 giờ.

Ranitidin: 50mg. Tiêm bắp 1 ống mỗi 8 giờ.

Famotidin: 20mg. Tiêm bắp 1 ống mỗi 12 giờ.

Việc sử dụng thuốc ức chế bơm proton cho phép kiểm soát việc tiết acid chắc chắn hơn. Tuy nhiên, kết quả điều trị cũng rất thay đổi.

Omeprazole 40mg /lọ. Tiêm mạch liều đầu 80mg, sau đó tiêm mạch 40 mg mỗi 12 giờ.

Pantoprazol 40mg/lọ.

Điều trị nội soi:

Xuất huyết tiêu hoá do loét là một tiến trình tự giới hạn. Chỉ có khoảng 5% trường hợp xuất huyết tiếp tục nặng hơn. Tuy nhiên 20 – 25% số ca sẽ bị xuất huyết tái phát nhanh chóng. Sự ngưng xuất huyết thường xảy ra như một diễn tiến tự nhiên trong quá trình điều trị.

Các biện pháp rửa dạ dày, kháng acid, chống tiết… không có vai trò sự làm cầm náu mà chỉ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự cầm máu tại chỗ và ngăn ngừa xuất huyết tái phát. Thậm chí, ngay cả những tác động trên cũng chưa được nhất trí hoàn toàn. Khi xuất huyết không cầm hay tái phát dù đã áp dụng các biện pháp trên, điều trị tích cực bằng nội soi được chỉ định.

Các hình thái điều trị nội soi đã được nghiên cứu cho tới nay:

Dùng tia laser.

Dùng dòng điện: đơn cực, đa cực.

Dùng đầu nhiệt (heater prode).

Dùng các chất cầm máu xịt tại chỗ đặc biệt là các chất keo.

Dùng kẹp cầm máu.

Dùng sóng viba (microwave).

Dùng kim chích cầm máu.

Hiện nay, chích cầm máu là biện pháp được chọn hàng đầu ở Việt Nam. Hoạt chất dùng trong chích cầm máu có thể là các thuốc co mạch như adrenalin, các thuốc gây xơ hoá như alcool, polidocanol, các dung dịch ưu trương…

Cơ chế:

Tác dụng sớm:

Chèn ép: Lượng dịch vào lớp dưới niêm mạc gây ra một khối choán chỗ trong mô tạo hiệu quả chèn ép xung quanh, góp phần làm giảm máu đến và chảy ra ngoài mạch.

Co mạch: adrenalin có tác dụng co mạch tại chỗ, làm giảm từ 30-75% lượng máu đến khu vực, tác dụng này kéo dài khoảng 2 giờ và có thể kiểm chứng được bằng mắt qua sự thay đổi màu sắc của niêm mạc sau khi tiêm. Ngoài ra nó còn giúp kích thích ngưng tập tiểu cầu.

Tác dụng trễ: xơ hoá xảy ra chậm và từ từ.

Chỉ định: căn cứ vào đánh giá của forrest: Ia, Ib, IIa, IIb sẽ được tiến hành chích cầm máu.

Chống chỉ định:

Các ổ loét to, sâu với khả năng thủng hay thủng bít.

Các trường hợp xuất huyết nhiều chỗ do viêm niêm mạc dạ dày.

Không tiếp cận được tổn thương thường do biến dạng hành tá tràng.

Xuất huyết ồ ạt không thể xác định được vị trí chính xác.

Kết quả: điều trị chích cầm máu cho kết quả cầm máu ban đầu rất tốt trên 90% các trường hợp, 5 – 10% sẽ tái phát trong vòng 24 giờ. Nếu không thể thực hiện đợt điều trị nội soi lần 2, các bệnh nhân này thường phải được phẫu thuật.

Các trường hợp thất bại thường do:

Tổn thương đặc biệt ví dụ loét trên u.

Vị trí đặc biệt ví dụ mặt sau hành tá tràng.

Cơ địa đặc biệt ví dụ cao huyết áp, bệnh lý đông máu.

Loét xơ chai mãn tính và thủng vào động mạch lớn.

Tai biến: gây hoại tử xuyên thành đưa đến thủng, thường xảy ra nếu dùng các chất hoại tử mạnh (alcool) với lượng nhiều. Khi dùng adrenalin đơn thuần, khả năng gây thủng hầu như không có. Ngoài ra khi cố gắng chích cầm máu cho các trường hợp nặng và khó, ta có thể làm chậm cuộc mổ khẩn cấp và làm ảnh hưởng đến sức khoẻ bệnh nhân.

Theo dõi: Nếu cầm máu ban đầu thành công ,tiếp tục dùng các thuốc điều trị làm lành loét và theo dõi sát để phát hiện xuất huyết tái phát trong 48 giờ.

Nếu không xuất huyết tái phát: chuyển bệnh nhân sang chế độ điều trị loét và tiếp tục bù máu nếu cần.

Nếu xuất huyết tái phát: cân nhắc đến bước điều trị kế tiếp: phẫu thuật hay điều trị qua động mạch.

Điều trị được coi là thành công nếu:

Xác định chỗ chảy máu đã cầm qua nội soi.

Tube Levine không ra máu trong 24 giờ sau đó.

Các thông số huyết động ổn định.

Giá trị: điều trị nội soi thật sự là biện pháp cầm máu chủ động tích cực và hiệu quả.

Các lợi ích của nó:

Giảm lượng máu cần dùng.

Giảm chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

Giảm thời gian và chi phí nằm viện.

Tuy nhiên điều trị nội soi không góp phần vào điều trị tận gốc, cũng như không được phép làm trì hoãn các biện pháp điều trị nội khoa khác.

Điều trị qua động mạch:

Có kết quả tốt nếu có đủ trang thiết bị và kinh nghiệm. Được chỉ định để điều trị các ca xuất huyết nặng nhưng có nhiều nguy cơ, không phẫu thuật được.

Vasopressin truyền nhỏ giọt động mạch liên tục qua ống thông động mạch chọn lọc vào đúng vị trí đang chảy máu.

Gây tắc mạch với các loại spongel có thể tan được sau một thời gian, đặt trực tiếp vào vị trí động mạch đang chảy máu.

Phẫu thuật:

Chỉ định phẫu thuật bao giờ cũng phải được cân nhắc từ 2 phía.

Phía bệnh viện: cụ thể là các trang thiết bị, phương tiện để chẩn đoán và điều trị, có khả năng điều trị nội soi hay không? Khả năng cung cấp máu cho bệnh nhân.

Phía bệnh nhân: cần tham khảo một số yếu tố:

Tuổi bệnh nhân: bệnh nhân trẻ có khả năng chịu đựng cuộc mổ tốt nhưng ảnh hưởng sau mổ sẽ rất lớn.

Tiền sử có bị xuất huyết hay không? Số lần và số lượng ?.

Thời gian mắc bệnh, vị trí và kích thước ổ loét.

Do đó, các chỉ định cụ thể sẽ rất thay đổi tuỳ từng tác giả, từng bệnh viện.

Ở nước ta do khó khăn về nội soi, thuốc men và máu, các chỉ định ngoại khoa thường là:

Chảy máu ồ ạt đe doạ tử vong lập tức

Chảy máu nhiều, sau khi truyền nhanh 1000ml mà tổng trạng không cải thiện, mạch và huyết áp xấu dần đi.

Chảy máu vừa phải nhưng nếu kéo dài quá 48 giờ và đã truyền hơn 10 đơn vị máu.

Chảy máu kèm theo thủng hay hẹp môn vị.

Khó tìm đủ lượng máu thích hợp.

Điều trị sau khi xuất huyết ổn định:

Bệnh nhân nên nắm viện ít nhất 48 – 72 giờ sau khi ngừng chảy máu sau đó tiếp tục điều trị loét.

Điều trị Helicobacter pylori: H.pylori làm tăng nguy cơ chảy máu ở những ổ loét dạ dày – tá tràng. Vi khuẩn thường ít hiện diện tại các ổ loét đang chảy máu, ổ loét không chảy máu hiện diện nhiều hơn. Mô học và Clo test tỏ ra không nhạy, huyết thanh chẩn đoán thường hiệu quả hơn. Tiệt trừ H.Pylori tỉ lệ xuất huyết tái phát chỉ từ 0 – 11%. Nếu không tiệt trừ được H.pylori tỷ lệ xuất huyết tái phát từ 35,7 – 100%.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận