Rối loạn cảm giác có thể là mất cảm giác hoặc cảm giác bất thường. Từ “tê”, thường được bệnh nhân dùng để chỉ mất cảm giác nhưng đôi khi từ này có ý nghĩa khác và chủ quan của người bệnh cần được phân loại. Các cảm giác tự phát bất thường được gọi chung là dị cảm và cảm giác đau hoặc khó chịu gây ra bởi các kích thích nhẹ được gọi là loạn cảm.
Các triệu chứng cảm giác có thể do bệnh lý ở bất cứ vị trí nào của đường cảm giác trung ương hoặc ngoại biên. Tính chất, vị trí, cách khởi phát, hướng lan, ranh giới cảm giác cần được xác định và phát hiện các yếu tố làm tăng nặng, giảm nhẹ của triệu chứng. Các tính chất này và các triệu chứng kèm theo khác giúp cho xác định nguyên nhân gây rối loạn cảm giác cũng như nguyên nhân gây nên các dấu hiệu thực thể khác. Các triệu chứng hoặc dấu hiệu cảm giác có thể theo vùng chi phối của các dây ngoại biên hoặc các rễ. Rối loạn cảm giác ở nửa người hoặc một chi gợi ý một tổn thương trung ương. Rối loạn cảm giác ở ngọn chi của tứ chi gợi ý bệnh đa dây thần kinh, tổn thương tủy cổ hoặc thân não hoặc một rối loạn chuyển hóa như trong hội chứng tăng thông khí khi các triệu chứng này thoáng qua. Các rối loạn cảm giác thành cơn ngắn có thể là động kinh cảm giác hoặc nhồi máu não cũng như các rối loạn chuyển hóa. Ở bệnh nhân tổn thương tủy sống có thể có ranh giới rối loạn cảm giác. Phân ly cảm giác được đặc trưng bởi mất một số loại cảm giác này còn một số loại cảm giác khác. Các triệu chứng trên có thể gặp trong tổn thương trung ương hoặc ngoại biên và cần làm sáng tỏ trong bệnh cảnh lâm sàng cụ thể của bệnh nhân.
Cảm giác khách quan bình thường ở bệnh nhân có dấu hiệu cảm giác chủ quan không có nghĩa các triệu chứng cảm giác chủ quan là không có nguyên nhân. Các dấu hiệu cảm giác chủ quan thường xuất hiện trước các triệu chứng khách quan.