PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TRẬT KHỚP HÁNG
I. ĐẠI CƯƠNG
Trật khớp háng ít gặp, chiếm dưới 5% tổng số về trật khớp. Tỷ lệ nam nữ là 5/1. Khớp háng là khớp chỏm cầu, lớn nhất nằm sâu trong cơ thể nên rất vững, phía trước và phía sau có các cột xương chậu nằm hở quanh hõm, các cột này rất khoẻ nên lực chấn thương phải mạnh mơí gây trật khớp.
– Khi chỏm xương đùi bị trật khỏi ổ cối khớp háng, thúc vỡ bờ sau trên ổ chảo, gây tổn thương thần kinh hông to, trật ra trước còn làm tổn thương thần kinh đùi bịt
– Khi trật khớp hay có các di chứng muộn:
+ Hoại tử chỏm xương đùi vô mạch
+ Viêm quanh khớp háng sau chấn thương
-Phân loại trật khớp háng: theo Stewart có 2 cách phân loại
+ Theo kiểu trật:
* Trật ra sau
* Trật ra trước
* Trật trung tâm: hõm khớp xương chậu vỡ, chỏm lún sâu vào đáy hõm.
+ Theo độ nặng:
* Độ 1: Trật đơn thuần, hõm khớp lành tính
* Độ 2: Hõm khớp sứt hay vỡ mảnh nhỏ, còn vững
* Độ 3: Hõm khớp vỡ miếng to, nắn vào dễ, khớp không vững, dễ bật ra lại
* Độ 4: Trật kèm gãy chỏm hay gãy cổ xương đùi
Về điều trị chấn thương: Cần nắn càng sớm càng tốt. Hầu hết nắn kín cần nắn ngay trước khi điều trị các tổn thương khác.Cần nắn vào sớm trước 12 giờ. Nêú nắn không đạt thì mổ đặt lại khớp, hoặc trong trường hợp bệnh nhân đến muộn, trật quá 21 ngày, sẹo xơ chắc cần mổ đặt lại khớp. Gãy chỏm hay gãy cổ xương đùi, mổ kết hợp xương.
Trong trường hợp vỡ hõm khớp,trật khớp háng trung tâm:
Điều trị bảo tồn khi:
– Gãy hõm khớp không di lệch hay lệch ít
– Gãy lệch ở nơi ít quan trọng
– Có bệnh nội khoa cần điểu trị
– Có vết thương nhiễm trùng nơi dự kiến mổ.
– Người già loãng xương.
– Gãy hõm khớp, chỏm bị chồi vào tiểu khung mức độ nhẹ
Điều trị phẫu thuật khi:
– Nắn chỉnh hình thất bại, đường gãy qua khớp còn di lệch
– Có mảnh kẹt vào khe khớp
– Có nhiều thương tổn cần cho dậy sớm
– Chỏm lệch vào sâu trong xương chậu: phẫu thuật đặt laị khớp và vis ổ cối.
II. CHẨN ĐOÁN
1. Các công việc chẩn đoán
1.1. Hỏi bệnh
Người bệnh trật khớp háng đau dữ dội trong khớp và mất vận động chủ động. Các động tác thụ động rất hạn chế vì đau, động tác nhẹ nhàng không đau cho ta phân biệt với gãy xương, nhất là triệu chứng gõ dồn khẽ.
1.2. Khám lâm sàng: Bị trật khớp luôn có dấu hiệu kháng cự đàn hồi (dấu hiệu lò xo), nói chung có các dấu hiệu:
+ Trật ra sau: đùi khép
+ Trật ra trước: đùi dạng
+ Trật lên trên: đùi gấp nhẹ
+ Trật xuống dưới: đùi gấp nhiều
Có kèm gãy cổ, gãy thân xương đùi thì lâm sàng kém rõ
+ Liệt thần kinh hông to: tê bì gan bàn chân
+ Liệt thần kinh đùi: tê bì mặt trước trong đùi
1.3. Chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng:
– Chụp X quang thường quy: X quang rất cần thiết để chẩn đoán và đánh giá các tổn thương của ổ cối kèm theo.
– Nếu có gãy xương kèm theo như gãy ổ cối, xương đùi, cần chụp CT cho rõ để xác định có cần phẫu thuật hay không.
– Điện cơ đồ chẩn đoán tổn thương thần kinh cơ xác định mức độ thương tổn.
2. Chẩn đoán xác định
– X quang: hình ảnh trật khớp háng.
– Hình ảnh CT: xác định mức độ chấn thương.
III. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc phục hồi chức năng và điều trị
– Bảo vệ phần mô sửa chữa, phòng tránh trật khớp háng tái phát
– Giảm đau, giảm viêm
– Chống huyết khối tĩnh mạch
– Khôi phục lại tầm vận động khớp háng
– Làm mạnh các nhóm cơ khớp háng, khung chậu, cơ mông
– Khôi phục lại dáng đi .
2. Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng
2.1. PHCN sau nắn trật khớp háng
* Trong thời gian bất động:
-Sau khi nắn khớp háng : người bệnh được giữ bất động trên giường sau nắn 3 tuần.
– Tập thở để ngăn ngừa biến chứng phổi nhất là đối với người già
– Cử động bàn chân và cổ chân của chi đau để gia tăng tuần hoàn.
– Gồng cơ tứ đầu đùi, cơ ụ ngồi, cơ mông để duy trì lực cơ. Vận động cơ lực có sức cản các chi còn lại.
* Sau thời gian bất động:
– Tiếp tục chương trình PHCN như trên
– Chủ động trợ giúp cho các cử động của khớp háng để duy trị tầm vận động: gấp, duỗi, dạng, áp, xoay trong và xoay ngoài bằng tay của KTV hoặc bằng dây treo ròng rọc.
– Đối với cử động áp khớp hông và xoay trong, khi tập vận động KTV nên tập ở vị thế trung tính 0 độ để tránh trật khớp háng trở lại.
– Vận động có lực kháng cho cơ tứ đầu và cơ ụ ngồi
– Thông thường người bệnh đi không chống chân đau xuống đất từ 3 – 6 tuần, sau 6 tuần lễ, có thể cho người bệnh đi chịu sức nặng một phần.
2.2. PHCN sau phẫu thuật đặt lại khớp háng trật
* Giai đoạn 1: PHCN từ 0 – 6 tuần sau phẫu thuật:
– Mục tiêu:
+ Bảo vệ phần mô phẫu thuật
+ Tập vận động thụ động các khớp
+ Ngăn ngừa co cơ và dáng đi bất thường
+ Giảm đau và chống viêm
– Các bài tập ban đầu:
+ Tập thụ động: trong tầm giới hạn, không đau, cho phép háng gấp 70 độ và duỗi hoàn toàn.
+ Không được phép dạng chủ động
+ Xoay ngoài 70 độ khi háng gấp: 30 độ trong vòng 6 tuần
+ Xoay trong 70 độ khi háng duỗi 0 độ trong vòng 6 tuần
* Sau 6 tuần,
– Mục tiêu: tăng tầm vận động trong khoảng không đau
+ Day sẹo, xoa bóp nhóm cơ hamstring, tứ đùi, cơ cạnh sống
+ Đạp xe tại chỗ không lực cản
+ Co tĩnh cơ mông, cơ tứ đầu đùi…
+ Nằm nghiêng (thay đổi khi có đau lưng)
* Giai đoạn 2: PHCN sau phẫu thuật 7 – 12 tuần
– Mục tiêu
+ Bảo vệ mô phẫu thuật
+ Phục hồi toàn bộ tầm vận động khớp háng
+ Phục hồi dáng đi bình thường
+ Tiến hành tập khoẻ cơ háng, chậu, chi dưới
+ Chú trọng tập khoẻ nhóm cơ mông giữa (không chịu trọng lượng)
– Các bài tập
+ Tăng cường cơ lực nhẹ nhàng, phục hồi tầm vận động khớp.
+ Đạp xe đạp tại chỗ không kháng trở, thêm kháng trở vào khoảng 10 – 12 tuần
+ Nằm nghiêng, tập chủ động xoay trong, xoay ngoài, nằm nghiêng chống khuỷu với tập ép cơ mông, duỗi háng
+ Nằm nghiêng, tập gấp háng trong khoảng 30 – 60 độ, dạng háng với chân duỗi thẳng
+ Tập ở tư thế nằm, chống 2 chân nâng toàn bộ hông và cột sống lên (tập làm cầu)
+ Tập thăng bằng: tập đứng thăng bằng 2 chân rồi 1 chân
+ Tập khoẻ cơ mông
+ Bước lên dốc, cầu thang: 6 – 8 tuần
+ Tập đứng lên và ngồi xổm
+ Tập dạng, khép, duỗi, xoay trong, xoay ngoài khớp háng. Không ép dạng khớp háng. Dừng khi đau
+ Tiếp tục tránh bất kỳ hoạt động co thắt cơ đai chậu
* Giai đoạn 3: PHCN sau phẫu thuật 13 – 16 tuần:
– Tiêu chuẩn cho sự tiến triển đến giai đoạn 3
+ Phục hồi toàn bộ tầm vận động khớp háng
+ Không đau khi cử động và đi lại, dáng đi bình thường
+ Cơ lực gấp hang đạt 4/5
+ Cơ lực gấp, dạng, khép, xoay trong, xoay ngoài háng đạt 4/5
– Mục tiêu:
+ Phục hồi toàn bộ cơ lực và sức chịu đựng
+ Tăng cường cơ lực cơ mông giữa với chịu trọng lượng
– Bài tập
+ Không tập máy đi bộ cho đến khi 16 tuần
+ Tập đạp xe đạp, đi bộ
+ Tập ngồi xổm bằng một chân
+ Tiếp tục các bài tập trong giai đoạn 2
* Giai đoạn 4: Sau phẫu thuật 16 – 18 tuần
Quay trở lại tập luyện thể thao khi không đau khớp háng, trở lại các hoạt động hàng ngày.
– Các bài tập: Tập tăng cường cơ lực và chương trình linh hoạt dựa vào môn thể thao hay công việc của người bệnh.
2.3. PHCN sau phẫu thuật do vỡ hõm khớp, trật khớp háng trung tâm
* Giai đoạn 1: 0 đến 4 tuần sau phẫu thuật
+ Tập thở để ngăn ngừa biến chứng phổi nhất là đối với người già
+ Vận động cổ chân và bàn chân của chi đau để gia tăng tuần hoàn
+ Gồng cơ tứ đầu đùi, cơ ụ ngồi, cơ mông để duy trì lực cơ
+ Vận động tăng cơ lực có đề kháng các chi còn lại
+ Vận động thụ động khớp háng chi đau: gấp, duỗi, dạng, khép
* Giai đoạn 2: 4-7 tuần sau phẫu thuật
+ Tiếp tục các bài tập như giai đoạn I
+ Tập đi 2 nạng không chịu trọng lượng
+ Tập mạnh nhóm cơ tứ đầu đùi, cơ ụ ngồi, cơ mông có sức cản tăng dần
+ Tăng cường tầm vận động khớp háng
+ Tập đạp xe đạp tại chỗ
* Giai đoạn 3: sau phẫu thuật 7-12 tuần
+ Cho tập chống chân chịu một phần trọng lượng
+ Tập vận động tăng cường cơ lực và tầm vận động khớp háng.
+ Trở lại sinh hoạt bình thường sau 12 tuần. Sau 6 tháng hoạt động lại thể thao.
3. Các điều trị hỗ trợ khác
Trật khớp háng có thể kèm liệt thần kinh mác hoặc thần kinh chày sau hoặc toàn bộ thần kinh hông to, do đó cần điều trị phục hồi chức năng trật khớp háng và điều trị các tổn thương thần kinh kèm theo.
IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM:
– Thời gian tái khám: Sau khi ra viện 1 tháng khám lại sau 4 tháng. Sau đó cứ 6 tháng đến 1 năm phải kiểm tra lại khớp háng bằng Xquang để phát hiện kịp thời thoái hóa khớp.
Trích: Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của chuyên ngành Phục hồi chức năng 2014 của Bộ y tế: Số 3109/QĐ-BYT
Chao bs !cháu bị trật khớp háng đã 1 năm. Chân bị 1 chân cao 1chân thấp. Chân bên phải nhỏ hơn chân bên trái. Thỉnh thoảng hay bị đau nhức. Cháu đi khám họ bảo lệch xương chậu. Như vậy cháu có sao không bs. Mong bs giúp cháu với ak.
Chào bạn. Do bạn mô tả nhưng không có hình ảnh phim nên tôi khó tư vấn cho bạn về mức độ lệch xương ra sao. Còn chân nhỏ hơn có thể do bạn bất động trong thời gian bạn bị thương, do vậy bạn cần tập luyện để cơ được khỏe hơn. Cơ chân khỏe sẽ giúp bạn dáng đi cải thiện hơn. Nếu chân cao chân thấp, bạn có thể đi đóng dép cao dép thấp cho phù hợp hơn. Tuy nhiên, trước tiên theo tôi bạn nên đi khám tại trung tâm PHCN trước để được lời khuyên y khoa hợp lý nhất. Thân ái
Chào Bs! E có bị gãy 1/3 thân xương đùi và đc mổ kết hợp xương bằng nẹpvit đc 3 tháng, hiện e vẫn còn đi bằng 2 nạng chạm nhẹ chân đau, e có tập đứng đá thẳng chân ra trước và sau, dạng háng ra ngang thì ko đau thì cả, nhưng có mỗi ngồi khoanh chân dạng ngồi thiền thì e ko ngồi đc vì bị đau khớp háng, như vậy e bị tổn thương gì có bị trật khớp háng ko? Tks Bs!
Chào bạn. Triệu chứng bạn nói không gợi ý đến tổn thương trật khớp háng. Có thể bạn bị căng cứng cơ vùng khớp háng, hoặc có chấn thương tại khớp háng. Bạn nên đến viện khám để được bác sỹ kiểm tra cho bạn. Thân ái
em không đau phần háng như khi nằm rồi nhấc chân lên hạ chân xuống thì nghe tiếng cốc tại phần háng của chân nhấc lên kèm theo đau lưng. Như thế có bị trật khớp nghiêm trọng không ạ
Chào bạn. Bạn cần đi khám để kiểm tra tình trạng của bạn. Triệu chứng bạn nói không thể khẳng định đó là trật khớp háng có nghiêm trọng không? Thân ái
Bác sĩ cho cháu hỏi ạ. Cháu năm nay 18t cháu bị 1 chân cao 1 chân thấp 1 chân cao hơn chân còn lại 1cm . cháu bị mấy năm rồi . cháu có đi khám nhưng bác sĩ bảo lệch xương chậu và phải kê cao 1 bên dép . Đùi cháu 1 to một nhỏ và chân ngắn hơn thỉnh thoảng có hiện tượng co . cháu mong bác sĩ giải đáp giúp cháu . cháu cảm ơn bác sĩ rất nhiều
Chào bạn. Khung chậu lệch, bạn cần kiểm tra thêm xem có lệch cột sống kèm theo không? Nếu chỉ đơn thuần khung chậu lệch, làm khớp háng 1 bên cao 1 bên thấp, thì cách khắc phục ở tuổi của bạn đó là đóng dép 1 bên cao hơn bên kia.
– Bạn mô tả 1 chân to hơn chân còn lại, bạn cũng nên đi khám để kiểm tra xem có tổn thương cơ, hay thần kinh không, tuy nhiên trước khi đi kiểm tra, bạn hãy tự kiểm tra lại xem có thực sự chân bạn 1 bên to bên nhỏ không, hay đó là cảm giác của bạn. Ngoài ra, nếu bên chân thuận, to hơn bên chân không thuận 1 chút, có thể chấp nhận được (không phải bệnh lý). Cũng có thể do khung chậu lệch, kéo theo vận động cơ 1 bên chân nhiều hơn bên còn lại, làm chân đó to hơn.
– Thỉnh thoảng chân bạn bị co, giống hiện tượng chuột rút, do vận động. Hơn nữa, chân ngắn hoạt động song hành cùng bên dài, cũng làm chân ngắn vận động gắng sức cũng làm cho chân bạn bị co rút.
Tuy nhiên, bạn nên đi khám bs để được loại trừ toàn bộ tổn thương kèm theo. Thân ái
Thưa bác sĩ, chồng e khi quỳ có gối chân lên gối nhưng không may khi chạng ra thì bị đau ở khớp háng. Từ trưa tới nửa đêm chỉ hơi đau và có cảm giác buồn chân. Chồng e xoa bóp bằng cao bạch hổ, co chân vào rồi đá mạnh ra nhưng vẫn không đỡ càng đau dữ dội hơn. Bây giờ thì đau khi đứng lên ngồi xuống. Đi lại cũng khó khăn. Bác sĩ cho em hỏi chồng em như thế có bị trật khớp háng không ạ? Hướng giải quyết như thế nào để chồng em bớt đau bởi hôm nay là chủ nhật bệnh viện không làm việc.
Chào bạn. Ngày chủ nhật, bệnh viện có phòng cấp cứu họ vẫn làm việc. Bạn cần đưa chồng bạn đến khám chụp phim X-quang để khẳng định. Tuy nhiên, chỉ có dấu hiệu đau, không thể khẳng định đc có trật hay không, mà còn cần những dấu hiệu khác như thay đổi bất thường của trục chân… Nếu chồng bạn đau quá, có thể nghỉ ngơi, và uống thuốc giảm đau (bạn có thể ra quầy thuốc gần nhà mua, ví dụ panadol extra..) thân ái
Chào Bác sỹ. Con trai em bị chệch khớp háng bẩm sinh chân phải, khi cháu được 3,5 tuổi em cho cháu đi mổ ở bệnh viện Nhi Tw, sau 11 tuần, đã tháo bột nhưng hiện nay cháu đã tháo bột được 1 tuần rồi mà cháu chưa khép háng vào được. Em cảm thấy chân phải của cháu sau khi được mổ nắn khớp thì chân đó dài hơn chân trái..Bsi cho em hỏi sau mổ chân bị chệch được nắn vào khớp rồi có thể bị dài hơn chân còn lại không? Nếu mà chân được mổ dài hơn thật thì làm thế nào?
Em cảm ơn Bsĩ.
Chào bạn. Bạn nên cho cháu quay lại viện Nhi TW khám lại. Thông thường, khi đã tổn thương bẩm sinh, có thể cấu trúc khớp và chiều dài của chân thay đổi. Thân ái