PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SAU PHẪU THUẬT TÁI TẠO DÂY CHẰNG CHÉO SAU KHỚP GỐI
I. ĐẠI CƯƠNG
– Đứt dây chằng chéo sau là thương tồn thường gặp trong chấn thương khớp gối. Dây chằng chéo sau bị đứt do cơ chế chấn thương làm duỗi gối quá mức.
– Có thể gặp đứt dây chằng chéo sau đơn thuần hoặc đứt cả dây chằng chéo trước, chéo sau hoặc kết hợp với tổn thương sụn chêm.
– Khi dây chằng chéo sau bị đứt xương chày bị trượt ra sau so với xương đùi, khớp gối mất vững,bệnh nhân đi lại khó khăn.
– Đánh giá độ lỏng khớp bằng dấu hiệu ngăn kéo sau.
– Để phục hồi lại độ vững chắc của khớp và tránh các biến chứng thứ phát bệnh nhân cần được tiến hành phẫu thuật tái tạo lại dây chằng chéo sau
– Hiện tại dây chằng chéo sau được tái tạo bằng chất liệu tự thân bằng gân cơ Hamstring hoặc gân cơ đồng loại.
II. CHẨN ĐOÁN
1. Các công việc của chẩn đoán
1.1. Hỏi bệnh
– Bệnh nhân được phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo sau bao nhiêu ngày.
– Phương pháp phẫu thuật: mổ tái tạo dây chằng chéo sau đơn thuần hay kèm tái tạo các dây chằng khác.
– Có phẫu thuật sụn chêm kết hợp hay không.
1.2. Khám và lượng giá chức năng
– Nếu sau mổ ngày thứ 2 trở đi, hướng dẫn bệnh nhân tập luyện theo liệu trình phục hồi chức năng .
– Sau khi bệnh nhân hết thời gian nằm điều trị tại khoa phẫu thuật : Đánh giá độ sưng nề khớp, biên độ vận động khớp, cơ lực chân phẫu thuật để đưa ra bài tập phục hồi chức năng cho phù hợp.
1.3. Chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng
Chỉ chụp lại MRI khớp gối khi có chấn thương khớp gối lại hoặc có dấu hiệu lỏng khớp rõ.
2. Chẩn đoán xác định: Dựa vào cách thức phẫu thuật
III. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc điều trị và phục hồi chức năng
Phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo sau cho phép người bệnh tập PHCN sớm sau phẫu thuật, khớp gối nhanh chóng lấy lại được biên độ vận động như trước phẫu thuật, sức cơ hồi phục, đồng thời tránh teo cơ đùi.
2. Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng
Bài tập phục hồi chức năng gồm những giai đoạn sau :
2.1. Ngày 1 đến 2 sau phẫu thuật
– Giảm đau và sưng nề khớp gối bằng chườm đá lạnh 20 phút/ lần, cách nhau mỗi 3h.
– Tập lắc, di động xương bánh chè.
– Mang nẹp đùi cẳng chân cố định sau mổ : Tập dạng và khép khớp háng, tập vận động khớp cổ chân các tư thế. Tập khoảng 10 động tác mỗi giờ tránh cục máu đông. Tập nâng toàn bộ chân lên khỏi mặt giường có trợ giúp.
– Tập co cơ tĩnh trong nẹp : Tập cơ đùi và cơ cẳng bàn chân.
– Nẹp sử dụng 4 tới 6 tuần đến khi kiểm soát được cơ lực .
2.2. Từ ngày thứ 2 sau phẫu thuật: Bắt đầu tập đứng dậy với 2 nạng trợ giúp, chịu 50% trọng lượng cơ thể ở chân phẫu thuật.
2.3. Từ ngày thứ 3 tới 1 tuần sau phẫu thuật
– Mục tiêu: Giảm sưng nề, giảm đau khớp gối, lấy lại tầm vận động khớp gối ở tư thế duỗi.
– Tiếp tục tập các bài tập như ngày 1 & 2 sau phẫu thuật với cường độ tăng dần.
– Đeo nẹp liên tục cả ngày và đêm.
– Tăng cường kiểm soát cơ đùi, tập mạnh sức cơ Hamstring.
– Bệnh nhân đi lại sử dụng 2 nạng nách trợ giúp.
2.4. Từ tuần thứ 2 đến hết tuần thứ 4
– Tiếp tục đeo nẹp duỗi gối và tập các bài tập trong nẹp. Tập nâng chân phẫu thuật với nẹp.
– Tháo nẹp 3 lần /ngày : Tập vận động gập gối thụ động đến 60 độ
– Đến tuần thứ 4 gập gối đến 90o . Vận động thụ động và chủ động có trợ giúp.
– Tập vận động duỗi gối từ 60º đến 0º .
– Kiểm soát tập vận động làm mạnh sức cơ ở tư thế gối duỗi hoàn toàn.
– Chịu một phần trọng lượng trên chân phẫu thuật.
– Đi lại với nạng trợ giúp từ 4 tới 6 tuần.
– Nếu khớp gối sưng đau : Ngừng tập, chườm lạnh khớp gối.
– Sau tuần thứ 4 : khớp gối phải được duỗi hoàn toàn, gối gập 90º, sức cơ đùi phải mạnh.
2.5. Từ tuần thứ 5 đến hết 6 tuần
– Tiếp tục các bài tập vận động trong nẹp và khi tháo nẹp.
– Duy trì duỗi khớp gối tối đa.
– Tập vận động gập gối 90º và gập hơn nữa đến 110º .
– Tập duỗi gối chủ động từ 90º về 0º .
– Tập nâng và khép khớp háng ở tư thế duỗi khớp gối hoàn toàn.
– Luôn đeo nẹp khi đi lại và khi ngủ.
– Đi lại với nạng chịu 75% trọng lượng cơ thể trên chân phẫu thuật.
– Đến tuần thứ 6: bắt đầu bỏ nẹp đùi cẳng chân
– Tập nhún đùi (xuống tấn) trong giới hạn khớp gối duỗi dần từ 90º về 0º và ngược lại, tốc độ tăng dần theo thời gian.
– Tập bước lên và bước xuống 1 bậc thang.
2.6. Từ tuần thứ 7 đến hết tuần thứ 10
– Tập vận động gập gối tăng dần đến 120º . Gập gối hết tầm vận động đến 3 tháng sau mổ.
– Tập ngồi xổm đến 90º .
– Nâng toàn bộ chân và khép háng ( tư thế duỗi gối hoàn toàn ) với tạ từ 1 đến 2 kg.
– Chịu hoàn toàn trọng lực lên chân phẫu thuật ở tuần thứ 8.
– Đạp xe đạp.
– Tập lên xuống cầu thang.
– Tập đi bộ
2.7. Từ tuần 11 đến tuần thứ 16
– Tăng cường các bài tập trên.
– Tập gập duỗi khớp gối chủ động phải đạt được biên độ bình thường.
– Tập chạy nhẹ.
2.8. Từ tháng thứ 5 đến hết tháng thứ 6
– Tập các bài tập tăng cường sức mạnh cơ đùi.
– Tập chạy tốc độ tăng dần : không nên chạy vòng hoặc xoay khớp gối.
– Trở lại hoạt động thể thao.
2.9. Từ tháng thứ 7
– Tiếp tục các hoạt động bình thường.
– Hoạt động thể thao: chạy, nhảy và các hoạt động khác.
* Vật lý trị liệu:
– Chườm lạnh khớp gối đến 1 tuần sau phẫu thuật.
– Sau 4 tuần phẫu thuật có cứng, dính khớp gối hoặc cơ lực đùi yếu có thể điều trị: sóng ngắn, hồng ngoại, điện phân, điện xung hoặc dòng thể dục kích thích cơ.
– Bệnh nhân có thể tập thểm bằng máy tập kinetic.
3. Các điều trị khác
– Băng chun gối, nạng, gậy, khung tập đi.
– Điều trị thuốc bổ xung khi khớp gối bị sưng nề:
– Thuốc giảm đau chống viêm chống phù nề tăng cường
IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM
Giai đoạn đầu sau phẫu thuật 2 tuần bệnh nhân được tái khám sau đó cứ 1 tháng được tái khám 1 lần đến khoảng thời gian 7 tháng sau phẫu thuật bệnh nhân đã trở lại hoạt động sinh hoạt bình thường.
Trích: Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của chuyên ngành Phục hồi chức năng 2014 của Bộ y tế: Số 3109/QĐ-BYT
Xin hỏi bs e mổ dây chằng chéo trươc được 5 tuần rồi e co duỗi cung gần như bình thường ,khi co duỗi đầu gối có tiêng kêu và hơi đau 1chút và ở 1 vùng da có cảm giác tê. Cơ đùi e cung phat trien trở lại xin hỏi bs day chằng đó có bị lam sao ko?e xin cám ơn bs.
Chào bạn. Sau 5 tuần bạn gấp duỗi gối như bình thường thì có vẻ như bạn tập gấp gối quá sớm. Có thể làm lỏng khớp sau đó. Thông thường trong 6 tuần cũng chỉ nên gấp gối đến 120 độ, sau đó tăng dần biên độ. Tiếng kêu trong khớp gối bạn cần tái khám để được bác sỹ kiểm tra lại. Một vùng da giảm cảm giác, thường sau mổ vùng trước xương chày sẽ giảm cảm giác, hoặc thấy cảm giác tê tại chỗ, biểu hiện này gặp nhiều trên bệnh nhân mổ, nhưng sẽ bình thường trở lại theo thơi gian. Thân ái
Dạ bác sỉ cho em hỏi e mổ dây chằng chéo trước được 4 tháng rồi ạ và hiện giờ em vẫng tập bổ trợ gối nhưng em cảm thấy gối em nó vẫng lõng như lúc mới đứt dây chằng ạ và khi em vẫng đeo băng gối thường xuyên ạ . Vậy biểu hiện đó có sao không ạ. Em cảm ơn bác sĩ ạ
Chào bạn. Bạn nên đi khám lại bác sỹ đã phẫu thuật cho bạn để được kiểm tra cẩn thận lại. Thông thường sau phẫu thuật, nếu tập đúng cách, cơ chân khoẻ lên, và ko có sự đào thải, thì chân bạn sẽ chắc chắn như trước khi bị thương tổn. Thân ái
chao bac si! e phau thuat day chăng chéo truoc đuoc 2thang rồi…đi lại binh thuong….nhung e con thắc mắc..là ở những vị trí mổ ,nhung vùnh gia lân cận e có cảm giác là da bị chai lại….thưa bac si giai thich cho e hiểu hiện tượng này la sao ạ?
Chào bạn. Vùng da xung quanh chỗ bạn phẫu thuật có cảm giác thay đổi có thể do thần kinh chi phối cảm giác vùng đó bị tổn thương, một số trường hợp chúng tôi gặp còn giảm cảm giác xuống tận mặt trước giữa của cẳng chân. Nhưng hiện tượng giảm cảm giác đó không ảnh hưởng nhiều đến chức năng của chân, và cần thời gian dài sau mới hồi phục, nên bạn không nên quá lo lắng vì vấn đề đó. Quan trọng với bạn bây giờ là tập phục hồi tốt để cơ chân, chức năng chân đó được cải thiện tốt nhất. Thân ái
chao bác si
sau khi phẫu thuật day chằng….đuọc 1 tháng….khi tập co duỗi mạnh…vậy có khả năng đứt lại khong thưa bác si?
Chào bạn. Bạn cần tập theo phác đồ hướng dẫn của bác sỹ phục hồi chức năng. Thông tin bài viết này mang tính chất tham khảo chung cho toàn bộ các trường hợp tái tạo dây chằng, nhưng đó là dành cho người tập ngay sau mổ. Còn bạn, bạn nên đên trung tâm PHCN gần nhất để được bác sỹ hướng dẫn bài tập. Vai trò của dây chằng chéo sau phần lớn là cố định không cho xương đùi trượt ra trước xương chày, vì vậy nếu chỉ tập gấp duỗi bình thường, không thể làm đứt lại dây chằng. Thân ái
chao bac si…
e phẫu thuật dây chăng đuoc 1tháng. hiện giờ e đang tự tập ở nhà , mà chân e bị xưng mà không có đau …thưa bác si hiện tuong nay là sau ạ? e có tiep tuc tập không,hay la đợi het xưng rui tap tiep ?
e cam ơn!
Chào bạn. Thông thường, sau mổ khớp gối vẫn sưng, khoảng 8 tuần khớp gối mới giảm sưng dần. Tuy nhiên, bạn nên tái khám theo hẹn để được bác sỹ tư vấn tốt nhất tình trạng hiện tại của bạn. Thân ái
Thưa bác sĩ, em bị đứt dây chằng chéo gối trước (chân phải), đã ra viện 2 tuần rồi. Em xin hỏi bác sĩ em có nên đi lại (có nạng và nẹp chân) nhiều hay không. Em thấy chân teo dần, sợ đi ít chân tẹo. Em xin cảm ơn bác sĩ
Bạn hoàn toàn có thể đi lại với nạng và nẹp trợ giúp theo hướng dẫn của bác sỹ phẫu thuật hoặc theo dõi theo bài viết này. Vấn đề bạn nói chân bạn bị teo nhỏ, bạn cần phải tập gồng cơ trong nẹp, và những bài tập nâng chân trong nẹp. Bạn nên đến trung tâm PHCN gần nhất để được hướng dẫn tập (chỉ cần 1 buổi) bạn có thể tự tập tại nhà. Hơn nữa, vấn đề gấp gối cũng quan trọng, bạn có thể tham khảo theo hướng dẫn ở trên. Mỗi giai đoạn cho phép bạn gấp gối tầm góc khác nhau. Thân ái